Khi đối mặt với tất cả những lựa chọn, dù lớn hay nhỏ trong cuộc sống, bạn không chỉ tìm kiếm thứ mà bản thân mình cảm thấy phù hợp mà còn phải chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình.
Trên Zhihu, một người dùng đã đưa ra một đề tài rằng "Những bạn trẻ từng bị bố mẹ phản đối kết hôn vì nửa kia không có đủ tài chính, cuộc sống bây giờ của họ ra sao?" đã nhận được vô số câu trả lời từ phía cư dân mạng. Tựu chung lại, hôn nhân không khác gì một canh bạc, bất kỳ sự lựa chọn nào cũng có rủi ro và cả sự bứt phá sau này.
(Ảnh minh hoạ)
1.
Khi nhìn vào tình yêu của bố mẹ, thật sự tôi tin rằng trên đời này có tồn tại tình yêu mãi mãi. Bây giờ mẹ vẫn chưa hồi phục sức lực sau ca mổ nên cần người chăm sóc bên cạnh. Bố kê một chiếc giường nhỏ ngay trong phòng làm việc để có thể tiện chăm sóc bà.
Dù bề ngoài bố không phải là người giỏi biểu lộ cảm xúc, ông là mẫu người nghiêm cẩn, nhưng khi kể về bệnh tình của mẹ, ánh mắt hoang mang lo lắng của ông đã cho tôi thấy ông đã rất lo lắng về tình hình sức khỏe của mẹ.
Sau đó, tình hình có tiến triển tốt hơn nhưng vẫn phải nằm viện, hàng ngày bố vẫn ở cùng bệnh viện với mẹ. Thi thoảng khi tiêm thuốc, bố sẽ dùng một tay nắm tay mẹ, tay kia vuốt tóc mẹ, rồi nói: Không sao đâu, có tôi rồi, không sao đâu!
Dù mẹ không nói, nhưng từ ánh mắt của bà khi được ông chăm sóc, bà phải tự hào lắm vì quyết tâm cãi lời ông bà ngoại ngày xưa, cưới bố tôi cho bằng được. Thời mới yêu nhau, hai người cũng bị phản đối gay gắt lắm. Gia đình ông bà nội rất đông con, tất nhiên đi kèm với đông con là nghèo. Khi mới quen biết bố, lương của mẹ cao hơn ông một chút. Công việc cũng ổn định và nhàn hạ, còn bố lại có chút bấp bênh.
(Ảnh minh hoạ)
Nhưng biết sao không? Ông chính là mối tình đầu của mẹ, cô thiếu nữ năm ấy tình nguyện trợ cấp cho chàng trai nghèo đông anh em hằng tháng. Thậm chí còn đỡ đần tiền chữa bệnh, tiền ăn, mặc, ở, đi lại. Nhưng ông cũng rất chăm chỉ và năng động, luôn phấn đấu nỗ lực. Đầu tiên là tiến sĩ, sau đó là phó giáo sư nghiên cứu khoa học, rồi nghiên cứu ở nước ngoài, vinh quang nào của ông mẹ cũng ở bên cạnh. Hai người không phải kiểu phụ huynh ham mê kiếm tiền, gia đình chúng tôi cũng rất bình thường.
Thi thoảng tôi vẫn nghĩ, nếu khi ấy mẹ tôi nghe lời ông bà ngoại, chọn một người chồng khá giả thì có khi hoàn cảnh gia đình sẽ rất khác. Nhưng cuộc sống bây giờ vẫn rất tốt. Như bao cặp vợ chồng khác, bố mẹ tôi thi thoảng cũng hay cãi vã, quan tâm và giúp đỡ nhau. Thật ra có trong chăn mới biết có rận hay không. Ông bà ngoại tôi giờ vẫn hối hận vì năm ấy cản mẹ lắm, ông bà bảo sợ hơn cả cái nghèo tiền bạc chính là nghèo ý chí, may quá, đứa con rể này không làm ông bà thất vọng.
2.
Xuất phát điểm gia đình tôi cũng không tính là nghèo bởi vì bố là giám đốc xí nghiệp và mẹ là giáo viên công lập. Tuy nhiên kể từ khi bố ốm, các khoản chi tiêu trong gia đình đều cần đến tiền, mẹ cũng bắt đầu nghỉ hưu thì cũng không còn dư giả như trước.
Vậy nên khi yêu, tôi có quan sát thói quen tiêu tiền của bạn gái và nhận thấy rằng cô ấy là kiểu thích gì mua nấy. Nếu đang cần phải mua iPhone, nó phải là đời mới nhất, mỹ phẩm - quần áo phải theo mùa của nhà mốt. Khi biết sở thích mua sắm của người yêu, thật lòng tôi rất do dự, sợ không thể kiếm đủ tiền để trang trải cho thói quen tiêu tiền này, dặn lòng không dám trèo cao.
(Ảnh minh hoạ)
Bạn gái khi ấy (giờ là vợ) cũng nhận ra băn khoăn này, cô ấy chủ động nói: Em thấy có nhiều hãng điện thoại giá rẻ hơn dùng cũng tốt lắm, giờ giày dép nhiều rồi, không cần mua thêm, mỹ phẩm thì dùng mãi chưa hết, mua nhiều cũng thấy lãng phí.
Nghe người yêu nói vậy tôi vô cùng cảm động, cũng chăm chỉ kiếm tiền hơn.
Mãi sau khi kết hôn, tôi mới biết vợ mình đã vô cùng vất vả khi thuyết phục bố mẹ cô ấy chấp nhận người con rể là tôi. Cô ấy vẽ ra một tương lai xán lạn, nói tôi còn trẻ, lại chăm chỉ có chí tiến thủ nhất định sẽ không để vợ con phải khổ.
Tôi không biết bố mẹ vợ tin cô ấy hay chấp nhận sự ngang bướng của con gái mình nuông chiều từ nhỏ. Nhưng giờ họ đối xử rất tốt với tôi. Cuộc sống sau hôn nhân tạm ổn, tôi luôn khuyến khích vợ tiêu xài, tôi đưa cả thẻ mình để cô ấy tiêu tùy ý.
Đôi khi, áp lực từ phụ huynh lại chính là thứ khiến cho người đàn ông bản lĩnh lên đấy!
3.
Một người bạn của tôi thông minh, xinh đẹp và giỏi giang, khi cô ấy đưa bạn trai về ra mắt thì gia đình không đồng ý. Bởi vì chàng trai đó học hành không cao, gia cảnh tầm thường nhưng cô ấy vẫn kiên quyết cãi lời bố mẹ, sống cùng một chỗ với anh ta.
Ban đầu người đàn ông ấy rất nghèo, ở trong một phòng trọ giá rẻ, sau này làm ăn khấm khá, hai người cưới nhau, còn tổ chức đám cưới ngoài trời lãng mạn. Tôi là phù dâu được tận mắt chứng kiến và cảm thấy rất ghen tị.
Nhưng rồi khi mang thai được 9 tháng, cô phát hiện chồng lừa dối. Nhưng bạn tôi vẫn cố chấp đến khi con được gần hai tuổi, tìm đủ mọi cách cứu vãn nhưng cuối cùng không thành, hai người ly hôn. Cô quay trở lại với vòng tay của gia đình.
Sau này, cô ấy nói với tôi rằng tốt nhất là không nên bắt đầu một cuộc hôn nhân mà bố mẹ bạn cực lực phản đối. Họ yêu bạn hơn bất cứ ai, vì vậy họ có thể nhìn thấy nhiều chi tiết mà bạn không thể nhìn thấy và để ý, nhưng ảnh hưởng đến phần đời còn lại của bạn.
(Ảnh minh hoạ)
4.
Tôi có người chị em họ hơn tôi bốn tuổi. Mặc dù gia đình cô ấy làm nông thuần túy và có rất nhiều công việc đồng áng, nhưng ngoại hình của cô nàng vẫn vô cùng xinh đẹp, có làn da trắng, gương mặt thanh tú và mái tóc đen dài.
Khi còn học cấp 2, cô bạn dần biết cách ăn mặc hơn, quần áo của cô ấy tuy rẻ nhưng lại đẹp về kiểu dáng. Nhưng vì gia đình rất nghèo và học lực của cô cũng không đặc biệt tốt, nên khi lên cấp 3 phải bỏ học giữa chừng.
Sau đó, cô làm việc trong một nhà máy gạch. Ở đó, cô gái vừa tròn tuổi 18 lại gặp một thanh niên mồm mép. Con gái mới lớn có lẽ dễ mềm lòng trước những món quà quan tâm nho nhỏ, những lời nói ngọt ngào, và cô ấy thích người ta, rồi yêu hết lòng.
Nhưng thật sự, gia cảnh của người thanh niên ấy còn nghèo hơn. Lúc trước anh chàng từng học làm thợ hàn nên bị thương vùng mắt, dẫn đến việc bị tật, chưa kể nhà cũng ở rất xa. Cô chú chắc chắn không đồng ý, vậy nên họ mới có ý định bỏ trốn. Chú tôi tức giận đến mức đánh cô ấy và nói rằng, nếu cô dám theo anh ta, sẽ còn nặng tay hơn nữa thậm chí còn từ luôn con gái.
(Ảnh minh hoạ)
Dù vậy họ vẫn không thể dừng lại được bởi vì cô ấy đã mang thai năm 18 tuổi. Ở nông thôn lúc đó không còn cách nào khác là phải cưới, gạo đã nấu thành cơm thì cứu vãn thế nào được. Thế là cả hai cưới vội, và tổ chức một đám ăn hỏi qua loa sơ sài.
Mặc dù sau đó cũng ít qua lại, nhưng đại khái tôi nhận thấy anh ta ít khi cùng chị tôi về thăm bố mẹ, con gái thì gửi cho dì tôi nuôi. Còn cô ấy thì thuê nhà và đi làm kiếm tiền nuôi con.
Tết năm nay, tôi về thăm nhà cũng gặp lại cô ấy, nhưng cả 2 chỉ ngồi im lặng chứ không bắt chuyện. Tôi không biết chị mình có hối hận không. Nhưng nhìn những người khác, chẳng hạn như một cặp vợ chồng trẻ ở cùng làng, cả hai đã siêng năng chăn nuôi gia súc trong vài năm, tiết kiệm tiền và mua một căn nhà trong thành phố. Cuộc sống rất tốt, họ cho bọn trẻ rời khỏi nông thôn, lên thành phố học đàn, hội họa, tuy không khá giả nhưng vẫn có thể lo cho con được.
Nói đến đây tâm trạng tôi hụt hẫng, hậu quả của sự bốc đồng ấy thì có con cái là khổ nhất khi không được một chút nào ở vạch xuất phát, làm cha mẹ nhưng không thể lo cho con cái.
Tạm kết
Không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy rằng mình nghèo cũng không sao. Bạn có thể nghĩ rằng mình còn trẻ, nhưng việc tự mình nuôi dạy con cái là một vấn đề lớn! Bạn nghĩ rằng tình yêu là đủ, nhưng sau này dần dần sẽ thấy rằng kết hôn và đồng hành cùng nhau là cả một vấn đề. Nên câu chuyện ở đây không phải nghèo về tiền bạc, mà phải biết chắc chắn được anh ta (hay cô ấy) có giàu về ý chí vươn lên hay không mà thôi.
Link gốc:http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/nhung-co-gai-tung-bi-phan-doi-vi-lay-chong-ngheo-cuoc-song-bay-gio-cua-ho-ra-sao-162202409003247755.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.