Những điều cần làm khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức bị khai tử vào cuối năm 2022

Năm 2022 là năm cuối cùng mà sổ hộ khẩu, sổ tạm trú còn giá trị sử dụng. Vậy người dân cần làm gì khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức bị khai tử?

Thời điểm sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng

Theo khoản 3 Điều 38 của Luật Cư trú 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2021), thì:

- Từ ngày 1/7/2021:

Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng

Không cấp mới Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú

Thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong các trường hợp có thay đổi thông tin.

- Từ ngày 1/1/2023:

Toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng.

Theo đó, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho người dân sẽ chỉ còn được sử dụng đến ngày 31/12/2022. Từ ngày 01/01/2023 mới là thời điểm chính thức khai tử sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Những điều người dân cần làm khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức bị khai tử

Xác nhận thông tin về cư trú khi không còn sổ hộ khẩu

Sổ hộ khẩu là loại giấy tờ cần thiết để đi làm nhiều thủ tục hành chính, giao dịch quan trọng, như: Thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn; Thủ tục làm sổ đỏ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; mua bán nhà; xác nhận tình trạng hôn nhân; ký hợp đồng thế chấp/vay ngân hàng…

Cuốn sổ này chỉ còn được sử dụng trong năm 2022 và chính thức hết giá trị sử dụng từ đầu năm tới. Theo đó, khi không còn sổ hộ khẩu nữa thì khi thực hiện các thủ tục, giao dịch nêu trên thì công dân cần thực hiện yêu cầu xác nhận thông tin cư trú.

Theo Luật Cư trú 2019, kể từ thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, mọi thông tin liên quan đến cư trú được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Khi người dân nhập hộ khẩu, xóa hộ khẩu, chuyển hộ khẩu, đăng ký tạm trú,… đều được cập nhật trên hệ thống của Cơ sở dữ liệu về cư trú, thay vì được viết tay trong cuốn Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú như trước đây.

Nghị định 37/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn người dân có thể khai thác các thông tin về cư trú của mình bằng văn bản yêu cầu, bằng dịch vụ tin nhắn hoặc bằng cách truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Công dân có thể lựa chọn xác nhận cư trú theo 2 cách dưới đây:

- Trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú.

- Gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

Đăng ký tạm trú online

Khi sổ tạm trú chính thức bị xóa bỏ, người dân cần đăng ký tạm trú online theo các bước dưới đây:

Bước 1: Đăng nhập Cổng Dịch vụ công quản lý cư trú tại địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn/.

Hệ thống yêu cầu đăng nhập bằng tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia để tiếp tục.

Nếu chưa có tài khoản, công dân cần chọn Đăng ký phía dưới để tạo tài khoản.

Bước 2: Khai báo đầy đủ thông tin trên trang Khai báo tạm trú

Điền tất cả các thông tin có dấu (*) vì đây là thông tin bắt buộc phải nhập.

Sau đó, tích chọn Tôi xin chịu trách nhiệm về lời khai trên và ấn Lưu và gửi hồ sơ.

Bước 3: Nhận kết quả giải quyết

Sau khi gửi hồ sơ đi, người dân cần đợi thông tin giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ có trách nhiệm giải quyết trong 03 ngày làm việc.

Nếu được yêu cầu đến trực tiếp để xuất trình các giấy tờ bản chính, người dân cần chấp hành để được đăng ký tạm trú.

 

Link gốc: https://toquoc.vn/nhung-dieu-can-lam-khi-so-ho-khau-so-tam-tru-chinh-thuc-bi-khai-tu-vao-cuoi-nam-2022-4202267134621368.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang