Những lưu ý giúp chủ thẻ bảo vệ tài khoản ATM để tránh bị mất tiền oan

(lamchame.vn) - Vừa qua, nhiều chủ thẻ tín dụng, chủ thẻ ATM lo lắng về mức độ an toàn của tài sản của mình khi gửi trong ngân hàng. Các chủ thẻ cần làm gì để tránh bị mất tiền oan khi dùng thẻ tín dụng.

Tiền trong tài khoản “bỗng dưng biến mất”

Gần đây, các ngân hàng Vietcombank, VPBank, VIB, ANZ, DongABank… liên tục gặp sự cố do bị khách hàng khiếu nại khi tiền trong tài khoản của họ “bỗng dưng biến mất”. Một trong những sự việc điển hình là tháng 7 vừa qua, tài khoản của vợ chồng anh Nguyễn Sỹ Thanh tại Ngân hàng Đông Á đều bị rút mất gần 200 triệu đồng, điều này khiến vợ chồng anh hoang mang và lo lắng vì số tiền tích cóp được bấy lâu đã mất hết, trong khi chưa thực hiện bất cứ giao dịch nào suốt một thời gian dài.

Hay một trường hợp khác khiến dư luận quan tâm nhiều trong thời gian vừa qua là chị Hoàng Thị Na Hương, ở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội mất 500 triệu đồng trong tài khoản thẻ của ngân hàng Vietcombank. Trước sự cố này, ngân hàng cho biết có cơ sở để xác định khách hàng đã truy cập vào một trang web giả mạo qua máy điện thoại cá nhân. Việc mất tiền trong tài khoản xảy ra vì khách hàng bị đánh cắp thông tin tài khoản do trước đó đã truy cập và khai báo thông tin trên đường link giả mạo website của ngân hàng….

Hiện nay, tại Việt Nam, khách hàng chưa có thói quen nâng cao tính bảo mật tài khoản vì tin rằng ngân hàng có thể bảo vệ tài sản cho họ.

(Ảnh minh hoạ: Internet)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ và hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức mình đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, hiện tại không quá 30% ngân hàng ở Việt Nam có chứng chỉ PIC DSS – tiêu chuẩn bảo mật dành cho thanh toán thẻ. Điều này cho thấy tính bảo mật vẫn bị coi nhẹ tại một số ngân hàng. Vì đây là một trong những quy chuẩn rất quan trọng liên quan đến tổ chức thanh toán thẻ ngân hàng, trang thương mại điện tử.

Khách hàng cần phải biết cách tự bảo vệ mình

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, tại Việt Nam, khách hàng chưa có thói quen nâng cao tính bảo mật tài khoản vì tin rằng ngân hàng có thể bảo vệ tài sản cho họ. Tuy nhiên, không có ngân hàng nào trên thế giới dám khẳng định hệ thống bảo mật của mình sẽ an toàn tuyệt đối. Để hạn chế những rủi ro, khách hàng cần phải biết cách tự bảo vệ mình, thường xuyên kiểm tra xem tài khoản của mình có giao dịch nào đáng ngờ hay không, thường xuyên thay đổi mật khẩu, điện thoại smart phone cài đặt phần mềm chống mã độc hại, thiết lập tính năng xác thực khi truy cập bằng mật mã hoặc vân tay…

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng BKAV cho biết, hacker có thể thâm nhập vào tài khoản của khách hàng bằng cách đánh cắp thông tin tài khoản, mật khẩu, tạo nên những giao dịch giả mạo, sẽ khiến người sử dụng khó phòng tránh. Do đó, người sử dụng cần nâng cao cảnh giác, không bấm vào những đường link ảo nhận được qua chat trên mạng xã hội hoặc qua email.

Với công nghệ thanh toán hiện nay, chủ yếu là qua mạng, chỉ cần kẻ gian với các chiêu thức tinh vi giả làm chủ thẻ đã có thể rút được tiền trên tài khoản như chính chủ thẻ. Một hệ thống thanh toán không thể được xem là an toàn khi vẫn có những tài khoản “biến mất” ngoài ý muốn của chủ tài khoản.

Để lộ thông tin thẻ khi rút tiền tại cây ATM

Người Việt Nam thường có thói quen đưa thẻ ATM nhờ bạn bè, người khác rút tiền hộ nên thông tin bảo mật có thể dễ dàng bị lộ ra ngoài. Đây là vấn để mà ngân hàng thường xuyên khuyến cáo khách hàng.

Tuyệt đối không nên đưa thẻ ngân hàng cho bất kỳ ai để tránh lộ thông tin.

(Ảnh minh hoạ: Internet)

– Mất tiền do thẻ giả mạo: Hiện nay trộm cắp công nghệ cao có thủ thuật lắp đặt thêm các cảm biến trên bàn phím, gắn đầu đọc trộm thông tin thẻ và khe cắm ATM hoặc lắp camera thu nhỏ nên khách hàng có thể bị ăn cắp mã pin, thông tin chip từ trong thẻ, mã thẻ,..

– Mất tiền khi giao dịch online thông qua các website ảo: Nhiều khách hàng sử dụng thẻ ngân hàng, đặc biệt là thẻ tín dụng để mua hàng thanh toán online. Khi bạn nhập thông tin thẻ thì trộm cắp công nghệ cao có thể dựa vào thông tin thẻ đấy để làm thẻ giả mạo

– Một nguyên nhân nữa là khi khách hàng sử dụng Internet Banking, nhưng lại vào những trang web có giao diện giống giao diện website ngân hàng nhưng không phải của ngân hàng. Khi đăng nhập và sử dụng là khách hàng đã để lộ thông tin tài khoản của mình.

Các cách thức bảo vệ tài khoản ngân hàng hạn chế rủi ro mất tiền

– Tuyệt đối không nên đưa thẻ ngân hàng cho bất kỳ ai để tránh lộ thông tin.

– Khi rút tiền tại cây ATM thì nên tìm đến chính cây ATM của ngân hàng mình sử dụng và đặc biệt khi nhập mật khẩu nên lấy tay che bàn phím không để người lạ thấy.

Khi nhập mật khẩu nên lấy tay che bàn phím không để người lạ thấy.

(Ảnh minh hoạ: Internet)

– Cần chú ý đến các máy ATM và thông báo cho ngân hàng nếu cảm thấy có các thiết bị lạ gắn vào máy. Không giao dịch trên các máy có dấu hiệu nghi vấn.

– Không vào các website không phải là website chính thống của ngân hàng để thực hiện giao dịch.

- Không sử dụng tài khoản khi đang truy cập internet bên ngoài: Hiện nay, việc giao dịch qua internet là một trong những cách mua bán nhanh chóng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nó lại mang theo nhiều nguy hiểm tiềm ẩn như việc các hacker có thể thông qua wifi để đột nhập vào tài khoản ngân hàng của bạn. Vì vậy, khi đang truy cập internet bên ngoài, bạn tránh việc sử dụng tài khoản ngân hàng để giao dịch. Nếu muốn giao dịch thì nên sử dụng wifi tại nhà mình hoặc kết nối bằng dữ liệu di động cá nhân trên điện thoại. 

Mật khẩu an toàn: Đây chính là cách dễ dàng nhất giúp bạn bảo vệ tài khoản của mình. Tốt nhất, nên chọn các loại mật mã dễ nhớ, nhưng phải đảm bảo yếu tố phức tạp nhằm tránh kẻ gian có thể dễ dàng nhận ra hoặc suy đoán được. 

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang