Tại các đô thị, các chung cư cao chót vót vài chục tầng được xây dựng ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, gần đây nhiều tai nạn trẻ em bị rơi từ trên tầng cao xuống đất qua ban công, loggia hay cửa sổ cho thấy cần xem xét lại thiết kế, tổ chức không gian này, để đảm bảo các vấn đề an toàn trong thiết kế và xây dựng ban công, loggia cho các căn hộ chung cư cao tầng.
Hiểu đúng vai trò chức năng và thiết kế đúng không gian ban công loggia để đảm bảo các giá trị vừa tiện ích, an toàn lại thẩm mỹ.
Không gian "nhạy cảm" trong căn hộ chung cư
So với các không gian lớn thường được người sử dụng quan tâm nhiều như phòng khách, phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung, bếp… ban công thì loggia trong nhà chung cư được xem là phần không gian phụ.
Do vậy tổ chức không gian loggia trong tòa nhà và căn hộ chung cư phần nhiều còn bị xem nhẹ. Bản thân người sử dụng dù bỏ số tiền lớn cho phần không gian này khi mua nhà nhưng cũng không nắm rõ cụ thể các tính năng và yêu cầu thiết kế, cách sử dụng hiệu quả đối với phần không gian phụ này.
Do bị coi nhẹ trong thiết kế không gian phụ nên có thể thấy, hệ thống loggia trong các căn hộ chung cư hiện nay được tổ chức còn rất thiếu tính an toàn.
Thực tế vụ tai nạn thương tâm mới đây nhất của cháu bé N.P.H (ở tầng 12A, chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) bị rơi từ tầng 12A của tòa nhà xuống bên dưới đã khiến chúng ta phải quan ngại. Điều đáng nói là những tai nạn đau thương ấy có thể tránh được khi thiết kế, xây dựng loggia đúng quy định.
Bên cạnh các tai nạn thương tâm, việc sử dụng lãng phí các phần không gian này không những làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến mặt tiền tòa nhà chung cư cũng diễn ra phổ biến. Loggia thiếu các thiết kế hợp lý khiến mặt tiền công trình thường bị “bám bẩn” bởi quần áo treo phơi, các cục nóng điều hòa, thiết bị sinh hoạt… để tràn lan. Thậm chí nhiều khu ban công bị bỏ quên cho bụi bẩn và rác rưởi hay tận dụng thành một kiểu kho lộ thiên ngoài trời.
Những quy định trong thiết kế, xây dựng loggia đảm bảo an toàn đã được quy định khá chi tiết trong QCXDVN 05:2008 “Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khoẻ” do Bộ Xây dựng ban hành và TCXDVN 323: 2004 “Nhà ở cao tầng - tiêu chuẩn thiết kế”.
Cụ thể, các đơn vị có liên quan phải bố trí lan can che chắn tại vị trí, những nơi con người có khả năng rơi ngã từ độ cao trên 1m, lan can phải có độ cao phù hợp, cao từ 1,1m trở lên, có kết cấu vững chắc và an toàn.
Ban công, hành lang ngoài, hành lang trong, giếng trời, mái có người lên, cầu thang ngoài nhà… đều phải bố trí lan can bảo vệ. Chiều cao lan can không được nhỏ hơn 0,9m tính từ độ cao mặt sàn đến phía trên tay vịn, trong khoảng cách 0,1m tính từ mặt nhà hoặc mặt sàn của lan can không được để hở, nơi có nhiều trẻ em hoạt động lan can phải có cấu tạo khó trèo.
Từ tầng 6 trở lên các công trình xây dựng không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kế loggia. Để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, khoảng cách giữa các thanh gióng đứng không lớn hơn 0,1m.
Những giải pháp giảm thiểu sự cố tai nạn cho trẻ ở nhà cao tầng, chung cư
1. Lắp đặt lưới an toàn
Để giải quyết vấn đề nan giải trên thì rất nhiều giải pháp được đưa ra. Trong đó tiêu biểu là lưới an toàn.
Khắc phục được nhược điểm của mô hình "chuồng cọp" trước đây, lưới an toàn đem đến sự an toàn linh hoạt, đồng thời không ảnh hưởng đến tầm nhìn xung quanh.
Lưới an toàn được hình thành bởi những sợi cáp inox xoắn có khả năng chịu lực cao, đan vào những ốc vít và thanh nhôm chuyên dụng. Lưới được làm bởi hợp kim nhôm, trên thân dập các bu-lông sẽ đảm bảo dây luôn căng, thẳng và đàn hồi tốt.
Ưu điểm của lưới an toàn có thể chỉ ra như sau:
- Lưới bảo vệ tất cả thành viên trong gia đình đến thú cưng của bạn. Người già đi lại sẽ có lúc bất cẩn, sự nguy hiểm khi đó cũng tương đương với trẻ nhỏ.
- Khi xảy ra cháy nổ, người bị nạn chỉ cần dùng kìm cộng lực cắt đi 1-2 dây là có thể thoát ra ngoài, không bị chặn cụt đường như các loại chấn song chuồng cọp.
- Ngoài ra bạn có thể tận dụng lưới an toàn để treo đồ vật như cây cảnh, quần áo... để tăng hiệu quả diện tích.
Đây là loại lưới thường thấy tại các chung cư cao tầng, nếu nói về mức độ giữ an toàn cho trẻ nhỏ thì đây là sản phẩm được đánh giá cao nhất.
Sản phẩm này có độ thẩm mỹ cao và cũng có nhiều loại trên thị trường với giá dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/m2.
2. Chú ý cách sắp xếp nội thất, cây xanh
Bạn hãy lưu ý nội thất xung quanh khu vực loggia và cửa sổ. Di chuyển bàn, ghế và các chậu cây ra khỏi những khu vực này bởi trẻ rất thích leo trèo khám phá.
Che các cửa kính bằng cách sử dụng giấy dán và đặt nội thất phía trước cửa kính để con không chạy vào đó. Bạn hãy cân nhắc sử dụng kính an toàn hoặc chống va đập trên cửa ra vào và cửa sổ kính.
3. Không sử dụng thanh ngang, cửa phải có chốt kĩ và khóa chặt khi không có người lớn giám sát
Khóa cẩn thận các lối ra loggia khi không có người lớn bên ngoài giám sát. Hãy nhớ luôn giám sát trẻ nhỏ, đặc biệt khi chơi tại khu vực này.
Khi thiết kế, bạn nên hạn chế tối đa việc sử dụng những thanh ngang hoặc vật dụng nào mà trẻ có thể trèo lên. Thậm chí bạn có thể lắp đặt camera để giám sát sự an toàn cho trẻ khi vắng nhà.
Trên thị trường, có các loại khóa dây cho cửa sổ. Đây là loại khoá thông dụng và dễ tìm kiếm nhất trên thị trường. Mặt hàng này xuất hiện ở hầu hết các cửa hàng bán khoá và đồ kim khí gia đình.
Mức giá cũng tương đối dễ chịu chỉ từ 80.000 - 200.000 đồng/sản phẩm.
4. Các cửa sổ trong căn hộ cần cao tối thiểu 1m
Bên cạnh việc thiết kế lan can ban công, phụ huynh cũng nên lưu ý chiều cao của các cửa sổ trong căn hộ phải tối thiểu 1m tính từ mặt sàn lên bậu cửa sổ, nếu có thể hãy thiết kế tăng chiều cao của cửa sổ lên càng cao càng tốt sao cho vừa với an toàn, vừa tầm quan sát của người lớn. Căn hộ nào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên thì được xem là an toàn với trẻ nhỏ.
Muốn đảm bảo an toàn cho trẻ, nhiều gia đình đã nghĩ tới việc xây kín loggia. Tuy nhiên, giải pháp này được cho là không hợp lý. Bởi lẽ, loggia không chỉ là không gian lấy sáng hay trồng cây xanh, hoa cảnh thông thường mà đóng vai trò như một không gian phụ trợ đa năng.
Loggia làm giảm bức xạ nhiệt cho không gian sinh hoạt nội thất, đặc biệt với những tòa nhà căn hộ chung cư sử dụng nhiều hệ vách, cửa kính.
Cần nhấn mạnh vai trò loggia là lối thoát hiểm của ban công trong trường hợp căn hộ và tòa nhà có tai nạn đặc biệt là cháy nổ xảy ra. Trong rất nhiều trường hợp cháy nổ tại các tòa nhà chung cư cao tầng, do tắc nghẽn và ngạt khói tại các tầng dưới, lực lượng cứu hỏa chỉ có thể tiếp cận để cứu người và chữa cháy trực tiếp qua lối loggia của các căn hộ cao tầng.
Chính vì thế, thay vì bịt kín loggia bạn nên xem xét tới các giải pháp an toàn như xây lưới, thiết kế cửa an toàn.
1 số mẫu loggia an toàn và thâm mỹ cho bạn tham khảo:
Ngoài loggia, các gia đình cũng nên lưu ý cần lắp thêm lưới ở cửa sổ phòng ngủ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ khi sống tại các căn hộ chung cư cao tầng.
Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/nhung-luu-y-nho-trong-thiet-ke-ban-cong-nha-cao-tang-khong-ton-qua-nhieu-chi-phi-nhung-tranh-nguy-hiem-chet-nguoi-tiem-an-cho-tre-162212802215440900.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.