Ngày 8/3, là dịp để những người đàn ông bày tỏ tấm lòng của mình với “một nửa thế giới”.
Có lẽ, rất nhiều gia đình vào dịp này, các thành viên trong nhà dù có bận bịu đến đâu cũng thu xếp thời gian để cùng nhau ăn một bữa cơm. Tình cảm hơn, bên cạnh những lời chúc, nam giới sẽ dành cho “phái đẹp” những món quà thật ý nghĩa.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những người đàn ông luôn khát khao được ở bên những người phụ nữ của đời mình trong dịp đặc biệt này mà không được. Điều tưởng chừng như giản đơn đó lại trở nên xa xỉ với họ bởi gánh nặng mưu sinh, cơm áo gạo tiền.
Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trò chuyện với những người đàn ông không có 8/3.
Mơ ước về bữa cơm gia đình
Đang ngồi tỉ mẩn đánh si vài đôi giày trong một quán bún trên phố Xuân Thủy, khuôn mặt ông Trần Kim Thiện, 48 tuổi (Quảng Xương, Thanh Hóa) khẽ mỉm cười. Ông bảo, buổi sáng đã đánh được mấy đôi rồi. Chỉ mong hôm nay có nhiều khách đánh giày để bản thân kiếm thêm thu nhập gửi về cho vợ, con.
Ông Thiện đã có nhiều năm sống xa gia đình, trước đây, ông vào Sài Gòn làm thuê. Nhưng, số tiền kiếm được thì ít mà chi phí thuê nhà, sinh hoạt thì cao. Vì vậy, ông quyết định trở về quê hương.
Rời quê hương để đi làm thuê, ông Trần Kim Thiện không thể trở về nhà trong ngày 8/3
Ở quê, ông Thiện làm nghề đi biển, nghề phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Công việc tuy vất vả nhưng không giúp vợ chồng ông trang trải cuộc sống. Rồi các con đi học, kinh tế càng trở nên khốn khó hơn. Sau nhiều đêm mòn mỏi suy nghĩ, ông Thiện quyết định đi ra Hà Nội tìm việc làm. Và đến nay, công việc đánh giày đã gắn bó với ông 3 năm.
Ông cho hay, trừ phí ăn uống, tiền trọ, thì mỗi tháng ông cũng gửi được về cho vợ khoảng 4 triệu đồng. Số tiền đó, đủ để gia đình ông trang trải. Đi làm xa, kiếm được chút tiền sinh hoạt, nhưng nhiều lúc ông không tránh khỏi cảm giác cô đơn, nỗi nhớ người thân.
Với ông Thiện, chạnh lòng nhất là những ngày lễ. “Tôi cũng biết đến mùng 8/3 đấy nhưng đều đi làm ăn xa cả. Có bao giờ ở cạnh vợ con đâu. Có lúc nhớ thì gọi cuộc điện thoại thăm thôi”, ông Thiện cho biết.
Ông Thiện bảo, bản thân ước mong vào ngày này được ở nhà ăn cơm cùng vợ, cùng con. “Đi lại cũng tốn tiền lắm, chắc ngày mai sẽ gọi điện về cho bà ấy, chúc bà ấy sức khỏe để đồng hành cùng nhau. Có sức khỏe là có tất cả rồi mà”, ông Thiện nói.
“Vì không bao giờ chúc hay tặng quà vợ nên ngại lắm”
Khác với ông Thiện, ông Nguyễn Văn Hưng (Hoài Đức, Hà Nội) không sống xa gia đình. Với ông, trừ dịp Tết nguyên đán bản thân nghỉ ngơi thì các ngày còn lại đều giống nhau.
Ngày mới của ông bắt đầu từ lúc 3h sáng. Sau việc vệ sinh cá nhân, ông dắt xe máy đến chợ đầu mối để lấy rau lên trung tâm Hà Nội bán. Và kết thúc ngày khi những mái nhà, con phố đã lên đèn.
Vợ chồng ông Hưng sinh hạ được 4 người cô con gái. Năm nay, ông Hưng 50 tuổi nhưng con gái út của ông mới học lớp 2. Ông cho hay, bản thân và gia đình đều mong muốn có con trai nên vợ chồng mới có con gái thứ 4.
Bận rộn, chỉ mải sao kiếm tiền trang trải cuộc sống, ông Hưng dường như quên mất ngày lễ kỷ niệm 8/3.
Do sinh nở và lao động vất vả nên sức khỏe của vợ ông Hưng ảnh hưởng. Bà đau lưng nên không còn khả năng lao động. Bây giờ, bà chỉ ở nhà phụ giúp những việc vặt. Kinh tế gia đình chỉ trông cậy vào ông.
Nói về những ngày lễ kỷ niệm dành cho phụ nữ. Ông Hưng cho hay: “Bận rộn, chỉ mải sao kiếm tiền trang trải cuộc sống, có bao giờ biết đến ngày mùng 8 tháng 3 đâu. Tôi có mấy con gái lớn, trước đây cũng thấy bạn bè tặng hoa cho nó.
Còn tôi, từ xưa đến nay, dù có biết ngày đó đi nữa thì cũng không chúc vợ, con điều gì, chứ chưa nói tới quà cáp. Có lẽ, do tôi sống ở quê, lại thuộc thế hệ xưa cũ nên không tình cảm. Mà có thể, vợ tôi cũng vậy, giờ mà tôi mua hoa, hay chúc tụng, bà sẽ lấy làm lạ lắm”.
Mùng 8/3, chị em vui vì được tặng quà. Còn nam giới cũng sẽ là những người hạnh phúc khi được quan tâm đến những người phụ nữ mình thương yêu. Nhưng, vì nhiều lí do vẫn còn nhiều người chưa hạnh phúc.
Chắc hẳn, cuộc sống còn có nhiều người như ông Thiện, đi làm ăn xa mà không thể trở về nhà và nhiều người vì gánh nặng cơm áo gạo tiền như ông Hưng mà quên mất những lời chúc dành cho “một nửa thế giới”.
Tuy nhiên, những người phụ nữ của họ sẽ hiểu, sự nhọc nhằn mưu sinh đó là để cho gia đình có được cuộc sống luôn hạnh phúc, ấm no.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.