Sáng ngày 7/3, UBND TP Hà Nội đã tiếp tục tổ chức buổi họp về ca nhiễm bệnh thứ 17.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, cuộc họp nhằm mục tiêu khẩn trương xác định rõ những người tiếp xúc và những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần để có biện pháp xử lý. Đồng thời, có thông tin để người dân có thể nắm, không hoang mang, lo lắng.
Cũng trong sáng cùng ngày, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm - Nội thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM đã chia sẻ trên báo Lao Động về vấn đề những hành khách đi trên cùng chuyến bay với chị Nguyễn Hồng N., người vừa được xác định là bệnh nhân thứ 17 dương tính với Covid-19.
Theo bác sĩ Hữu Khanh, trên chuyến bay đó, chúng ta có quyền hi vọng rằng những người đi từ nước ngoài và đã có triệu chứng ho, sốt khi lên máy bay sẽ có ý thức đeo khẩu trang. Hơn nữa tiếp viên hàng không trong thời điểm dịch cũng sẽ có những hướng dẫn.
"Theo tôi hiện nay tất cả những người có đi trên chuyến bay đó nên tìm hiểu cụ thể, đọc báo hình dung xem người nhà có trong chuyến bay đó hay không. Nên nhớ kĩ mình ngồi ở hàng ghế nào, đồng thời người đó phải tự cách ly 14 tức là cách ly đến ngày 15/3. Đặc biệt khi có triệu chứng ngay lập tức đi khám không giấu bệnh. Điều đó hết sức quan trọng!" - bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo bác sĩ Khanh tất cả những người đi trên chuyến bay đó cần để ý xem trong cơ quan, trong gia đình có nhiều người có cùng triệu chứng bệnh đường hô hấp hay không. Nếu nhiều người cùng bị bệnh là chùm ca bệnh.
Chùm ca bệnh đó phải tự có ý thức phát hiện lẫn nhau không lây sang chùm ca bệnh khác. Nếu có triệu chứng phải tới ngay cơ sở y tế để xác định xem mình có là nguồn lây hay không. Trong thời gian mình nghi ngờ mình là nguồn lây thì mình phải bảo vệ người xung quanh bằng cách luôn phải đeo khẩu trang.
Đối với người dân kéo vali đi trong khu vực bay, bác sỹ khuyên rằng không nên quá hoang mang. Chúng ta nhớ lại tình huống Vĩnh Phúc cả nhà bị thì tinh thần rất quan trọng, nếu mất ngủ suốt đêm, tinh thần lo lắng, sức đề kháng suy giảm càng làm trầm trọng.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, đêm qua đã huy động 5 đội phản ứng nhanh phối hợp với quận để tìm các trường hợp tiếp xúc F1, F2, F3 và có gần 200 trường hợp đã được xác định.
Hiện đã nắm danh sách cụ thể, cách ly tại bệnh viện, nơi ở. Đối với những người tiếp xúc gần được ứng xử coi như ca bệnh, bởi đây là trường hợp có nguy cơ, nếu không có biện pháp cụ thể sẽ dễ dẫn đến lây nhiễm.
Phun khử trùng máy bay Vietnam Airlines có bệnh nhân Covid-19 (Ảnh: ANTĐ)
Ông nói, cần tiếp tục điều tra, giám sát chặt chẽ với những người tiếp xúc gần.
Đối với BV Hồng Ngọc, ông Cảm cho hay, đã yêu cầu, dừng không tiếp nhận bệnh nhân. Đối với bệnh nhân yêu cầu ra viện thì cần giữ lại và với những trường hợp đủ điều kiện ra viện cần giám sát chặt. Từ hôm qua, có 542 người ra viện và hơn 500 y, bác sỹ. Đối với y, bác sỹ, nhiều gia đình không muốn cho về nhà nên đã tổ chức nơi cách ly riêng.
Đối với khu vực sân bay Nội Bài, theo ông Cảm đã xác định rõ các nhân viên ở sân bay để tiến hành giám sát chặt chẽ. Đối với hành khách trên khoang C của chuyến bay VN0054 đã xác định, toàn bộ các khách và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Trong sáng nay, dự kiến lấy 11 mẫu để giám sát chặt chẽ.
(Tổng hợp)
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.