Những bệnh nhân F0 trở về từ "cõi chết", họ suy nghĩ gì? Đã thay đổi ra sao? Bắt đầu cuộc sống mới như thế nào?...
Cuộc trò chuyện với một vị bác sĩ, đạo diễn, một doanh nhân hỗ trợ tuyến đầu hay cha đẻ ATM Oxy,... lần lượt mắc và chiến thắng dịch Covid-19 này sẽ trả lời cho chúng ta những điều đó!
BS Phương Linh: Bình thường sẽ không bao giờ bình thường được nữa!
Sau thời gian TP.HCM bình thường mới, điện thoại tôi vẫn reo liên tục. Có lúc là giữa khuya, khi một người nhà bệnh nhân không ngủ được. Họ hỏi tôi về người thân đã mất, hỏi rằng liệu có thể gặp lại tôi lần nữa, và mặc cho những lời an ủi, họ vẫn nức nở, ám ảnh, đau khổ, dằn vặt.
Tôi nhận ra rằng: Mất mát này đã xảy ra và bình thường sẽ không bao giờ bình thường được nữa, ít nhất là đối với họ.
30/7, tôi nhận kết quả dương tính Covid-19. Suốt thời gian xông xáo trong bệnh viện dã chiến, tham gia điều trị F0, nhưng thời điểm ấy, tôi vẫn sốc.
Bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh ngủ thiếp đi vì mệt.
Nhanh chóng đồng nghiệp sắp xếp cho tôi một phòng cách ly riêng dành cho nhân viên y tế, nhưng tôi từ chối vì mong muốn tiếp tục ở viện giúp đỡ anh em.
Ban đầu, mọi thứ thật bất lực. Tôi bị giam một mình trong căn phòng 4 bức tường, cơn sốt, ho liên tục vào mỗi chiều trong khi đầu dây điện thoại cuộc gọi F0 vẫn dồn dập.
Để quên đi tất cả cảm giác trống trải, tôi bắt đầu mày mò livestream chia sẻ kinh nghiệm điều trị F0 tại nhà, một vài đội tình nguyện cứu trợ oxy bắt đầu trở thành đôi chân thay tôi chạy khắp Sài Gòn… Đến một buổi tối, một người phụ nữ vội vã nhờ tôi xin được chuyển viện. Chồng bà ấy đã mất tại nhà, 2 đứa con một lớp 10, một bị bệnh down, tất cả đều thiếu oxy.
Đã quá nửa đêm, đội y tế từ phía Bắc vừa vào chi viện vẫn chưa nắm rõ tình hình trong khi đã rất nguy cấp, nên tôi quyết định mặc đồ bảo hộ, tự mình chạy đi tìm bác sĩ giúp bà mẹ. Cả chiếc máy đo Sp02 trên tay cũng nhường cho cậu con trai.
Bác sĩ Linh chụp ảnh với bệnh nhân trước khi được xuất viện về nhà.
Mấy ngày sau, tình hình của bà mẹ vẫn nguy kịch. Cuối cùng, tôi dùng tấm thẻ nhân viên y tế mắc Covid-19 của mình để nhờ chuyển cô ấy lên Trung tâm hồi sức của BV Đại học Y Dược.
Thêm vài ngày thì cô ấy đã hôn mê sâu, buộc phải đặt máy thở. Mỗi ngày, cậu con trai vẫn gửi những clip, đoạn ghi âm lá thư cho tôi. Cậu bé nhờ tôi, tất cả y bác sĩ bật từng lá thư cho mẹ cậu bé nghe. Trong buồng bệnh, tiếng cậu bé nấc đều theo nhịp máy thở. Bà vẫn nằm im.
Đó thực sự là ngày đau đớn nhất! Tất cả chúng tôi đều cố gắng, nhưng cô ấy đã ra đi mãi mãi.
Lần cuối cùng bác sĩ ĐH Y Dược gọi điện để thông báo cho tôi. Tôi sắp xếp chuyến xe cuối cùng đưa thằng bé đến Trung tâm hồi sức để tiễn biệt người mẹ lần cuối. Nó khóc suốt đoạn đường. Trong vòng 1 tháng, cậu bé ấy bỗng chốc mất cả cha lẫn mẹ như thế!
Sau này bạn biết không? Bệnh nhân ở khu dã chiến nào được chuyển viện cũng đều nhận là người thân của bác sĩ Linh. Bởi thời điểm đó, để có thể điều trị cho họ, tôi phải viện cớ tất cả là người nhà của mình. Mặc dù đến tận bây giờ, chúng tôi chưa từng gặp nhau, chưa biết mặt nhau.
Bác sĩ Linh chụp ảnh cũng các đồng nghiệp tại Bệnh viện dã chiến.
Suốt thời điểm dịch Covid-bùng phát mạnh mẽ, tôi vẫn tự thắp hương, thờ cúng cho những bệnh nhân đã mất của mình. Hôm nay cũng thế! Nó là một khoảng kí ức mà cả tôi và bạn đều không thể nào quên.
Nhưng tôi biết, dù nỗi đau này còn đó thì người sống vẫn phải sống. Mỗi ngày TP.HCM vẫn có vô số những ca dương tính, ca nhập viện, tử vong,… nhưng chúng ta thì vẫn phải nhìn vào số ca xuất viện, số người điều trị thành công để lạc quan. Con số đó nó còn lớn hơn rất nhiều.
Từ những ngày sống trong bệnh, thấm cảm giác lo lắng, cô đơn của F0 nên khi quay trở về, tôi hay nói với các nhân y tế: "Đừng bao giờ để F0 một mình".
Những đứa trẻ mồ côi được trả về, những ông lão bà lão già lo lắng khi người thân của mình đã mất,… mỗi ngày chúng tôi đều lắng nghe.
Vì đó là cách chúng tôi vẫn đang chữa trị bệnh.
Doanh Nhân Lê Hoài Anh: "Đó là những mất mát không thể nào nói bằng lời..."
Ngày 10/8 tôi bắt đầu những cơn ho đầu tiên, thế nhưng qua test nhanh kết quả vẫn âm tính. Tôi mừng thầm và nghĩ mình chỉ mắc 1 cơn cảm cúm nhẹ nào đó.
5 ngày sau, cơn sốt tiếp tục nặng nề hơn, SpO2 rớt xuống 91 khiến tôi khó thở, phải nhập viện gấp. Hôm sau bác sĩ thông báo tôi dương tính Covid-19, tâm trạng lập tức rơi xuống vực thẳm. Bởi khi đó tôi đã lớn tuổi, lại mắc nhiều bệnh nền trong người.
13 ngày điều trị, phổi tôi đã xơ cứng, cơn đau khiến tôi không còn thiết ăn uống, đôi tay bác sĩ lấy ven nhiều đến mức đã chằng chịt lên nhau. Tôi liên tục thở máy vì SpO2 chỉ còn 88.
Đến ngày thứ 13 thì ngực trái đau tức không chịu được. Qua siêu âm bác sĩ thấy máu chảy trong, một khối tụ lớn đang hình thành, họ nhanh chóng đưa tôi từ bệnh viện dã chiến về BV Đại học Y Dược để mổ ngay lập tức.
Khi đó, tôi nhớ mãi lời bác sĩ dặn mình: 50% là bác sĩ và thuốc, nhưng 50% chỉ có thể là ý chí của chính tôi.
Doanh nhân Hoài Anh mắc Covid-19 và nhiều lần đối diện với nguy kịch.
2 lần đối diện với cái chết, đã sử dụng qua hết bao nhiêu loại máy hiện nhất để điều trị Covid-19, và cuối cùng đến 10/9, tôi đã chiến thắng Covid-19. Đó quả là một kì tích.
Bạn biết không? Tôi của bây giờ thay đổi nhiều lắm! Tôi đang sống một cuộc sống tốt hơn, biết dành thời gian cho gia đình, luôn ủng hộ hết mình cho những quyết định của tất cả người thân, cố gắng mỗi ngày để có thể giúp đỡ nhiều người hơn… Và đơn giản nhất, biết trân trọng những gì đang hiện hữu.
Thời điểm nằm viện, một vài người cùng phòng với tôi lần lượt ra đi. Thậm chí bạn bè, người thân của tôi cũng đã mất vì Covid-19. Trên mạng xã hội, báo chí thì hàng loạt tin tức về gia đình người mất nằm cạnh người sống,… Đó là những mất mát không thể nào nói bằng lời.
Tất cả họ không được gặp thân nhân của mình, không trở về nhà, đến tận bây giờ vẫn chưa được tổ chức một lễ tang để người thân có thể đưa tiễn chặng đường cuối. Vì vậy, ngày 19/11 này đối với tôi và tất cả mọi người, nó thật sự ý nghĩa.
Bởi nó sẽ mãi là ngày mà tất cả chúng ta sẽ cùng nhau nhớ về những thứ đã qua và an ủi cho tất cả những người nằm lại vì Covid-19.
Hoàng Tuấn Anh: "Tôi vẫn sẽ tiếp tục xây dựng ATM Oxy khắp cả nước"
Tôi đã tham gia hỗ trợ cho rất nhiều bệnh nhân F0 suốt thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng thú thật, đến khi nó ập đến ngôi nhà tôi, với những đứa con tôi, tôi mới nhận ra nó nguy hiểm biết dường nào.
Cô giáo của con trai tôi là người dương tính đầu tiên. Vài ngày sau, 2 cậu con tôi cũng cho kết quả tương tự. Thời điểm ấy, gia đình còn bố lớn tuổi nên chúng tôi quyết định sẽ chuyển đi nơi cách ly. Tôi nhanh chóng trở thành người chuyển biến nặng nhất.
Anh Hoàng Tuấn Anh - Cha đẻ ATM Oxy nhiễm covid-19 trong những ngày tiếp xúc với người thân.
SpO2 của tôi tuột chỉ còn 82% khiến tôi phải lắp đặt thiết bị theo dõi. Cả đêm tôi không ngủ được vì sợ tiếng còi báo động khi nồng độ oxy trong máu giảm quá sâu. Vài ngày sau đó cơn tức ngực, ho, khó thở buộc tôi phải nhập viện, thở máy và liên tục uống thuốc chống đông máu.
Ở nhà, con trai tôi vừa mắc Covid-19 vừa sốt xuất huyết. Hai căn bệnh ập đến đột ngột khiến thằng bé đau đớn không ngừng. Ở viện thì chưa có khu điều trị riêng biệt cho nhi covid-19 mắc sốt xuất huyết nên vợ tôi chỉ biết đưa thằng bé đi thử máu một lần. Cô ấy gần như mệt lã đi vì cùng lúc chăm sóc 2 đứa trẻ.
Cuối cùng, dù chưa tới ngày xuất viện, tôi cũng xin ra về để tự cách ly tại nhà chăm sóc con.
Cách đây 5 ngày, cả gia đình tôi đã chiến thắng được Covid-19, nụ cười dần trở lại với 2 đứa trẻ nhà tôi.
Mọi thứ có thể đã qua, nhưng di chứng mà nó để lại là vô cùng khủng khiếp. Hiện tại, huyết áp của tôi có lúc từ 80 bỗng vụt lên 145, tôi phải đi viện liên tục để khám sức khoẻ cho cả gia đình.
Mặc dù vậy, vào thời điểm dịch Covid-19 đến nay, mỗi ngày tôi nhận được hàng nghìn cuộc điện thoại cần hỗ trợ Oxy. Một con số thực sự khủng khiếp phải không? Thế nhưng, chúng tôi chưa bao giờ dừng lại.
Chúng tôi vẫn đang xây dựng mạng lưới ATM Oxy cho tất cả tỉnh miền Tây và miền Trung để điều trị F0.
Qua tất cả những chuyện đã qua, trải qua cái bệnh SARS-CoV-2, tôi càng thấy trân trọng cuộc sống, gia đình và đặc biệt các bạn tình nguyện viên. Bất kì F0 nào cũng cần được hỗ trợ, họ luôn là những người sẽ sẵn sàng có mặt.
Trước đây có thể chúng ta không thể hiểu nhiều để chiến thắng về Covid-19, nhưng bây giờ thì chúng đã có kiến thứ, thiết bị và kỹ năng, vì vậy mỗi chúng ta sẽ tự chủ động được để sống chung sống với dịch bệnh lâu dài.
Đạo diễn Lữ Đắc Long: "Kề cận cái chết, tôi hoàn toàn gục ngã"
Buổi lễ tưởng niệm này không chỉ dành cho người đã khuất mà còn dành cho những người ở lại. Nó nhắc nhở chúng ta vừa trải qua một cơn đại dịch khủng khiếp. Trong đó, có những sự ra đi không có người thân kề cận.
Tôi từng trải qua giai đoạn thập tử nhất sinh vì Covid-19. Con virus nó làm tôi không thở được, không ăn không ngủ, làm lá phổi tôi bị "trắng xát", xơ cứng, máu bị đông, hàm bị cứng, môi khô, lưỡi đắng, mệt nhọc với từng bước chân. Tôi từng nhào lộn từ ngọn núi Ba Hòn xuống nước với độ cao từ 20 mét. Nhưng khi nằm trên giường bệnh, kề cận với cái chết, "vật lộn" với Covid-19, tôi hoàn toàn gục ngã. Tôi chưa từng hình dung mình rơi vào hoàn cảnh này.
Đạo diễn Lữ Đắc Long chia sẻ hình ảnh điều trị tại bệnh viện.
Nhờ sự nhiệt huyết của đội ngũ y bác sĩ, tôi đã trở về từ cõi chết. Theo kinh nghiệm của tôi, một ca F0 trở nặng, khi bạn về nhà, bạn vẫn phải chịu những hội chứng hậu Covid-19. Nó khiến con người ta phải có sự cảnh giác, sự quan tâm đến sức khỏe bản thân. Và hơn hết, đó là tinh thần lạc quan.
Chúng ta trải qua những khó khăn khi thành phố giãn cách, đường phố lặng im… Khi đi qua những ngày đó, chúng ta càng trân quý hơn những gì mình có ở hiện tại. Dịch bệnh đi qua, thứ để lại kinh nghiệm, là một cuộc sống tốt hơn, an lành hơn.
Giây phút hạnh phúc vì được trở về.
Đối với những người chưa nhiễm Covid-19, tôi mong rằng họ sẽ có cảnh giác tốt. Khi chứng kiến nhiều bài học đau thương, chúng ta sẽ càng biết cảnh giác, phòng thủ và bảo vệ mình trước Covid-19.
Tôi mong chúng ta đều có một cuộc đời an lành.
Tưởng nhớ các nạn nhân đã mất vì Covid-19. Nội dung: T.Hà - Đồ hoạ: Tuệ Nhật.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.