Hoa Kỳ có lượng đặt hàng lớn nhất
Các nhà nghiên cứu trên thế giới đang rất khẩn trương săng lùng vaccine chống virus Corona. Hiện tại, theo WHO toàn thế giới có 176 dự án vaccine Corona. Trong số này đã có 34 dự án chín muồi đến mức có thể làm thử nghiệm ở người.
Tuy nhiên trong cuộc chạy đua này, ứng cử viên nào sẽ chiếm ngôi đầu bảng – và liệu trong số này có vaccine thực sự hiệu nghiệm không, cho đến nay chưa ai dám khẳng định về điều này.
Với các chính phủ thì đây đang là một vấn đề. Nước nào muốn bảo vệ toàn diện công dân nước mình thì phải sớm có được vaccine được cấp phép đầu tiên.
Nhưng, đó là loại vaccine nào? Không một hãng sản xuất nào đủ khả năng cung cấp đủ vaccine cho toàn bộ dân số thế giới.
Từ lâu giữa các nước giầu có nhất đã diễn ra cuộc chiến trong đấu thầu: nước nào sẽ mua được một tỷ lệ đáng kể sản phẩm ra đời đầu tiên này từ các dự án thành công khác nhau? Vấn đề ở đây là những khoản đầu tư tiền tỷ đô la, mà lại không có gì bảo đảm sẽ thành công.
Tính theo khối lượng tuyệt đối thì Hoa kỳ đang dẫn đầu. Ngay từ sớm tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã coi việc tìm kiếm thuốc phòng dịch là nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ và trong khuôn khổ chiến dịch Warpspeed HK đã chi hàng tỷ đôla cho ngành này.
Từ lâu lời cam kết mọi người dân Hoa Kỳ sẽ được tiêm chủng đã trở thành một vấn đề chính trị và là vấn đề thuộc nội dung cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ hiện nay.
Thời gian qua chính phủ Hoa kỳ đã ký hợp đồng đặt trước, còn có tên là APAs (advance purchase agreements) với 6 nhà sản xuất.
Ba trong số này là liên doanh Anh – Thụy Điển Astra Zeneca, doanh nghiệp công nghệ sinh học của Đức Biontech với đối tác Hoa Kỳ Pfizer, và hãng Công nghệ sinh học Moderna của HK – các dự án của ba nhà sản xuất này hiện đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng có tính quyết định, thử nghiệm trên người ở giai đoạn ba. Ba doanh nghiệp này thuộc diện dẫn đầu thế giới.
Còn lại là các hợp đồng với Johnson&Johnson, một tập đoàn của Hoa Kỳ, với liên doanh Pháp-Anh Duo Sanofi/GSK, và một doanh nghiệp của Hoa Kỳ là Novavax. Riêng Hoa Kỳ trong các hợp đồng đã ký bảo đảm sẽ có 800 triệu liều vaccine. Không một quốc gia nào khác có được một số lượng lớn vaccine như Hoa Kỳ.
Ngoài ra sau đó Hoa Kỳ sẽ còn được nhận tiếp 1,4 tỷ liều. Với số dân là 330 triệu người thì tỷ lệ này là rất cao. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa rõ loại nào trong số 6 loại vaccine này thực sự có hiệu lực bảo vệ như mong muốn.
Anh có lượng vaccine bình quân đầu người cao nhất
Chính phủ Anh cũng đã sớm lo ký kết các thỏa thuận với các nhà sản xuất khác nhau để đặt mua vacxin.
Người Anh cũng đã ký 6 hợp đồng sơ bộ – phần lớn các nhà sản xuất cũng tương tự như với Hoa Kỳ. Chỉ có một khác biệt duy nhất: thay cho Moderna người Anh đã ký cam kết sơ bộ với doanh nghiệp dược phẩm của Pháp là Valneva.
Anh có 66 triệu dân, chính phủ đặt mua 340 triệu liều vacxin ngoài ra sau này sẽ nhận tiếp 40 triệu liều. Tính toán đơn thuần thì ngay trong vòng đầu mỗi công dân Anh có trên 5 liều vaccine. Không có quốc gia nào đạt tỷ lệ bình quân đầu người một lượng lớn vaccine như vậy.
Một điều nổi bật là: Cả London lẫn Washington đều không đặt hàng tại hãng sản xuất vaccine Curevac của Đức, chính phủ Đức có 17% cổ phần ở doanh nghiệp này.
Gần đây Canada cũng khẩn trương đẩy mạnh đặt hàng. Trong tháng 8 nước này đã hợp đồng với Moderna và Pfizer/Biontech, tuy nhiên không cho biết số lượng cụ thể. Các hợp đồng với Johnson&Johnson và Novavax dự kiến mua 114 triệu liều vaccine, đủ để cung cấp cho 38 triệu cư dân nước này.
Châu Âu lục địa tụt hậu, Ủy ban Châu Âu "ra tay"
So với ba nước trên thì Châu Âu lục địa bị tụt hậu rõ rệt. Hồi tháng 5, giám đốc hãng dược phẩm Sanofi Paul Hudson đã công khai phàn nàn về sự thờ ơ của Châu Âu đối với thuốc tiêm chủng.
Ông này cũng cho hay Hoa Kỳ sẽ là nước được cung cấp vaccine đầu tiên vì đã đóng góp sớm về tài chính để thúc đẩy quá trình phát triển sản phẩm, điều này đã gây ra một biến động về chính trị.
Sự cảnh tỉnh đã có tác dụng: không lâu sau đó các nước Đức, Pháp, Italia và Niederland đã thỏa thuận cùng nhau lo khoản mua thuốc tiêm chủng cho Châu Âu. Hiện Ủy ban EU đã tiến hành đàm phán về thương vụ thuốc tiêm chủng này nhân danh 27 quốc gia thành viên.
Vấn đề không chỉ xoay quanh giá cả. Sự bảo lãnh, trách nhiệm pháp lý cũng có vai trò nhất định. Trên cơ sở hợp đồng khung mà Ủy ban EU đã thương lượng thì nhà sản xuất chịu trách nhiệm bảo lãnh .
Tuy nhiên chí ít thì ở đây có một cửa hậu: Để bớt rủi ro cao nên trong hợp đồng khung có đề cập đến việc các quốc gia thành viên không buộc nhà sản xuất phải chi phí tài chính cho một số điều khoản nghiêm ngặt nhất định.
Qua đó các nước muốn thể hiện thiện chí của mình, vì nhà sản xuất do tình hình đại dịch phải khẩn trương hơn nhiều trong việc phát triển sản phẩm so với điều kiện thông thường.
Cho đến nay các thỏa thuận của EU đều rõ ràng và trong tầm quản lý: Riêng với Astra Zeneca thì chính quyền Brüssel cho đến nay mới có thỏa thuận sơ bộ trên 300 triệu liều vắc xin, sau đó nhận tiếp 100 triệu liều. Dân số EU là 446 triệu người, số lượng thuốc như vậy là quá ít.
Tuy nhiên đã có các cuộc trao đổi thăm dò với các hãng Curevac, Moderna, Johnson&Johnson và Sanofi/GSK.
Nhiều ứng cử viên vaccine sẽ bị thất bại
Nếu ký kết được các hợp đồng thì EU sẽ có trên 805 triệu liều vaccine, sau đó bổ sung thêm 460 triệu liều. Như vậy trong vòng tiêm chủng đầu tiên Châu Âu cũng sẽ có hạn ngạch tương đương Hoa Kỳ. Tuy nhiên về tương lai lâu dài do có phương án đặt mua trước nên Hoa Kỳ sẽ có thêm 1,4 tỷ liều vượt xa tất cả các quốc gia khác.
"Nhiều ứng cử viên vaccine sẽ thất bại. Loại vaccine nào hoặc công nghệ tiêm chủng nào sẽ thành công, điều này chúng tôi không thể đoán trước", theo một văn bản của Ủy ban EU trả lời báo WELT AM SONNTAG. Tuy nhiên nhũng lợi ích có thể đạt được gấp hàng chục lần so với những rủi ro đi kèm, chỉ cần một trong các hợp đồng sơ bộ dẫn đến một loại vaccine thành công.
Chiến lược của EU là thương lượng với các đối tác có công nghệ khác nhau để nâng cao cơ hội thành công.
Chúng tôi đã ký một thỏa thuận với Astra Zeneca và làm việc trên mọi mặt trận, để đạt được cái mà các doanh nghiệp khác cũng đã đạt được, như chúng tôi từng có các cuộc trao đổi thăm dò trước đó", một thành viên của Ủy ban cho hay.
Một "phần đáng kể" của khoản hỗ trợ khẩn cấp chống Corona trong ngân sách EU-là 2,7 tỷ Euro sẽ chi dùng cho vaccine Covid-19. Khi khoản chi này thiếu thì các quốc gia thành viên sẽ trực tiếp chi trả.
Trong thực tế EU chỉ là người trung gian trong cái chợ vaccine khổng lồ này mà thôi: Ủy ban bảo đảm đặt mua trước một số lượng liều tiêm phòng nhất định của các nhà sản xuất khác nhau. Sau đó mọi thành viên EU tự quyết định mua hay không mua các loại vaccine đó. Số lượng liều tiêm phòng tối đa mà các nước có thể mua phụ thuộc vào số dân nước đó.
Hãng Astra Zeneca đã đồng ý cung cấp 300 triệu liều thì nước Đức có thể mua trong số này 56 triệu liều.
Nếu như các cuộc trao đổi thăm dò cũng đi đến ký kết hợp đồng sơ bộ thì nước Đức còn có thể có thêm 42 triệu liều của Curevac. Thêm vào đó còn có 15 triệu liều của Moderna và khoảng 38 triệu liều của Johnson&Johnson.
Điều kiện tiên quyết là các ứng cử viên vaccine này phải vượt qua được giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và có được giấy phép chấp thuận được lưu hành ở Châu Âu, điều mà tập đoàn dược phẩm nào cũng khao khát.
Theo welt.de
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.