Mới: Loại bỏ điểm 1 tiết, kiểm tra viết được phép thực hiện trên máy tính và nhiều điểm sáng trong giáo dục sắp tới sẽ thay đổi

Đây là những điểm sáng trong số hàng loạt thay đổi mà Thông tư số 26 của Bộ GD

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT. Một số điểm đáng lưu ý như sau:

1. Tăng cường đánh giá bằng nhận xét trong tất cả các môn học

Theo ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), điểm mới đáng chú ý của Thông tư 26 là tất cả các môn học đều được yêu cầu đánh giá bằng nhận xét. Việc này nhằm hiện thực mục tiêu định hướng đánh giá phẩm chất, năng lực, vì sự tiến bộ của học sinh. 

Học sinh cả nước vỗ tay ăn mừng sau Thông tư số 26 của Bộ GD&ĐT: Loại bỏ điểm 1 tiết, kiểm tra viết được phép thực hiện trên máy tính - Ảnh 1.

Ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT).

Cụ thể, các em học sinh sẽ được đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau và được tạo nhiều cơ hội để thể hiện bản thân. Kết quả của những hoạt động này được cho rằng sẽ sát thực với năng lực của từng học sinh, giúp các em hình thành và phát triển các phẩm chất tốt của cá nhân, bồi dưỡng những kỹ năng cơ bản cẩn thiết. 

Đặc biệt hơn cả, Thông tư 26 đã quy định cụ thể về việc đánh giá như sau: Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập. 

2. Kiểm tra viết được phép thực hiện trên máy tính

Trong Thông tư 26, các hoạt động đánh giá được cụ thể hóa hơn so với trước đây. Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên sẽ được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua các hoạt đông: hỏi - đáp, viết ngắn, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập gắn với chủ đề dạy học cụ thể. 

Học sinh cả nước vỗ tay ăn mừng sau Thông tư số 26 của Bộ GD&ĐT: Loại bỏ điểm 1 tiết, kiểm tra viết được phép thực hiện trên máy tính - Ảnh 2.

Bài kiểm tra viết được phép thực hiện trên máy tính là một trong những điểm sáng của Thông tư 26 vừa ra.

Ông Hồng cho biết, đây cũng là lần đầu tiên mà hình thức kiểm tra viết được thực hiện trên máy tính. Điều này nhằm tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin trong giảng dạy nói chung và hoạt động kiểm tra, đánh giá nói riêng, là tiền đề cho việc tổ chức đánh giá học sinh trên máy tính. Tất nhiên, hình thức này cũng cần được linh hoạt áp dụng và nên thực hiện tại các trường lớp có đủ điều kiện và đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị. 

Một điểm đáng lưu ý khác của thông tư này là các đề bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ sẽ được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả theo chuẩn kiến thức kĩ năng, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học.

3. Bỏ hẳn điểm kiểm tra 1 tiết 

Theo quy định tại Thông tư 26, điểm kiểm tra/đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1; điểm kiểm tra/đánh giá giữa kì tính hệ số 2 và điểm kiểm tra/đánh giá cuối kì tính hệ số 3. Trong mỗi học kì, số điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên, đánh giá giữa kỳ và đánh giá cuối kỳ của một học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục (bao gồm cả chủ đề tự chọn) được quy định cụ thể.

Với môn học có từ 35 tiết trở xuống mỗi năm, học sinh phải có hai đầu điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên; môn học từ trên 35 đến 70 tiết có 3 và trên 70 tiết có 4 đầu điểm. Trong mỗi học kỳ, một môn học có một điểm kiểm tra giữa kỳ và một điểm cuối kỳ.

Học sinh cả nước vỗ tay ăn mừng sau Thông tư số 26 của Bộ GD&ĐT: Loại bỏ điểm 1 tiết, kiểm tra viết được phép thực hiện trên máy tính - Ảnh 3.

Loại bỏ điểm kiểm tra một tiết, tăng cường các đánh giá bằng nhận xét trong tất cả các môn học được coi là hướng đi mới dễ thở hơn đối với học sinh cả nước.

Điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1, giữa kỳ tính hệ số 2 và cuối kỳ tính hệ số 3. Điểm trung bình môn học kỳ là trung bình cộng của điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên, giữa kỳ và cuối kỳ với các hệ số quy định.

Như vậy, so với Thông tư 58 năm 2011, điểm kiểm tra một tiết đã được loại bỏ, số đầu điểm ở từng môn vì thế giảm. Môn học nhiều nhất cũng chỉ còn 6 đầu điểm.

4. Thêm hình thức khen thưởng mới

Thông tư 26 bổ sung hình thức khen thưởng mới là khen thưởng theo lĩnh vực thay vì chỉ khen thưởng toàn diện như hiện nay. Cụ thể, ngoài danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến như hiện hành, còn có thêm danh hiệu học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện.

Học sinh cả nước vỗ tay ăn mừng sau Thông tư số 26 của Bộ GD&ĐT: Loại bỏ điểm 1 tiết, kiểm tra viết được phép thực hiện trên máy tính - Ảnh 4.

Bổ sung hình thức khen thưởng theo lĩnh vực giúp các em học sinh mở rộng năng lực cũng như tài năng của bản thân.

Điều này nhằm thúc đẩy sự phát triển cũng như tinh thần cố gắng của các em học sinh, giúp các em phát huy thế mạnh của riêng mình. Việc công nhận và khen thưởng theo lĩnh vực không chỉ là tiền đề giúp các em tự tin rèn luyện bản thân mà còn giúp nền giáo dục nước nhà phát triển mạnh mẽ ở nhiều phương diện khác nhau. 

Ngoài ra, điều kiện để được công nhận học sinh giỏi cũng mở rộng khi đưa môn Ngoại ngữ vào vị trí tương xứng với môn Toán, Ngữ văn nhằm đẩy mạnh việc phát triển năng lực ngoại ngữ cho học sinh phổ thông.

 

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang