Những quy định "gây choáng" không thua sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học

(lamchame.vn) - Trước dự thảo quy định sinh viên bám dâm 4 lần bị đuổi học, đã từng có nhiều quy định "gây choáng" không thua sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học và gây tranh cãi gay gắt trong dư luận

Bộ GD-ĐT vừa lấy ý kiến rộng rãi dự thảo thông tư ban hành Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy

Trong dự thảo này, có một quy định đã khiến truyền thông dậy sóng mấy giờ qua, đó là: Học sinh, sinh viên hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 mới bị buộc thôi học. Lần đầu vi phạm sẽ bị khiển trách, lần thứ 2 cảnh cáo, lần 3 bị đình chỉ có thời hạn. Theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT, sinh viên đại học hệ chính quy nếu bán dâm 4 lần cũng bị đuổi học.

Còn nếu hoạt động chứa chấp, môi giới mại dâm sẽ chịu hình thức xử lý nặng hơn là buộc thôi học ngay lần đầu tiên bị phát hiện vi phạm. Dự thảo này bị rút khỏi website của Bộ GD-ĐT chỉ vài giờ sau khi được báo chí thông tin rộng rãi. Người dân phản đối gay gắt vì cho rằng đã là sinh viên, bán dâm 1 lần đã đủ bị đuổi học, đợi gì đến 4 lần. Quy định khác gì khuyến khích sinh viên bán dâm 3 lần.

 

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những quy định, dự thảo “lạ đời” gây chú ý dư luận. Dưới đây là những quy định gây “sốc”, bị số đông phản ứng gay gắt khác:

Ngực lép không được lái xe

Năm 2008, Bộ Y tế ban hành tiêu chuẩn sức khoẻ người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” của Bộ Y tế khiến nhiều người sửng sốt, lo lắng.

Theo tiêu chuẩn này, người thấp bé, nhẹ cân (chiều cao đứng dưới 1,45 m, trọng lượng dưới 40 kg) không được cấp bằng lái xe máy trên 50cc. Ngoài ra, quy định này còn có điểm khiến người dân không thể hiểu nổi, đó là: Người có vòng đo ngực trung bình dưới 72 cm không được cấp bằng lái hạng A1, nghĩa là cũng không được đi xe trên 50 cc.

Thời gian sau, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã vào cuộc, kiểm tra quyết định trên. Cục này cho rằng việc đưa ra một loạt các tiêu chuẩn về sức khỏe chưa đảm bảo về tính hợp lý – không thực sự cần thiết, không gắn với yêu cầu đặc định đối với việc điều khiển các phương tiện giao thông khác nhau.

Cấm giáo viên mặc váy

Năm 2017, Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đưa ra quy định gây tranh cãi: Cấm giáo viên mặc váy khi đứng lớp. Theo đó, giáo viên nữ không được mặc những loại váy xòe, váy ngắn trên đầu gối khi lên lớp. Ngoài ra, trường THPT này còn yêu cầu giáo viên phải bận áo sơ mi có cổ vẻ, không bận áo sát nách.

Nhiều người cho rằng quy định này không phù hợp, cứng nhắc. Các cô giáo cho rằng Thay vì cấm mặc váy thì nên quy định là giáo viên chỉ được mặc váy công sở vì họ tự biết nên mặc gì và không nên mặc gì khi đứng trước học sinh.

Đi xe theo ngày… chẵn, lẻ

Năm 2011, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đưa ra “sáng kiến” gây nhiều tranh cãi. Đề nghị này nhằm tìm ra giải pháp hạn chế xe ô tô cá nhân đi vào khu vực trung tâm thành phố bằng cách phân ra xe nào số chẵn sẽ đi vào phố ngày chẵn (thứ hai, thứ tư, thứ sáu), xe số lẻ đi vào ngày lẻ (thứ ba, thứ năm, thứ bảy). Riêng ngày Chủ nhật, tất cả các phương tiện đều được phép vào khu vực trung tâm.

Ngay sau khi được đưa ra, quy định bị “ném đá” liên tục vì người dân cho rằng người soạn thảo không hề nghĩ đến tính thực tiễn, gây khó cho người dân. Sau đó, quy định này cũng bị gác lại.

Cấm mặc quần jean đến công sở

Năm 2017, UBND TP Cần Thơ đã ban hành quyết định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, đơn vị sự nghiệp khối nhà nước của thành phố. Theo đó, tại chương 2, điều 3 của Quyết định này có ghi rõ, cán bộ, công chức không mặc quần jeans, áo thun các loại (kể cả nam và nữ) tới công sở.

Sau khi ban hành, quy định đã tạo nhiều ý kiến trái chiều đối với công chúng. Cũng trong năm này, TP HCM cũng đưa ra dự thảo về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, Cán bộ khi làm việc trang phục phải gọn gàng, đầu tóc lịch sự, đi giày có quai hậu. Đặc biệt, họ không được mặc quần jeans, áo thun và hút thuốc trong công sở.

Theo nhiều người, quy định này là bảo thủ vì “cái áo không làm nên thầy tu”. Điều cốt yếu của chính quyền các TP là thay đổi, cải cách văn hóa ứng xử của công chức với nhân dân, còn trang phục chỉ là chuyện nhỏ. Chưa kể quần jean dài bận với áo thun, áo sơ mi ở nước ta không hề gây phản cảm mà tạo hình ảnh công chức gần gũi, năng động.

Sau khi quy định trở thành vấn đề gây tranh cãi, TP HCM đã hủy bỏ quy định cấm công chức mặc quần jean, áo thun này.

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang