Burger King bị tố chế giễu phong tục thực phẩm của Châu Á
Mới đây, trên mạng xã hội tài khoản Burger King tại New Zealand đã tung ra quảng cáo với hình ảnh một người phương Tây ăn món "Vietnamese Sweet Chilli Tendercrisp Burger" mới (bánh mì kẹp ớt ngọt kiểu Việt Nam), với đôi đũa màu đỏ khổng lồ.
Với hình ảnh người đàn ông vật lộn để ăn bánh burger bằng đôi đũa, tài khoản chú thích "Hãy tận hưởng vị giác của bạn khi đến TP.HCM với món bánh mì kẹp ớt ngọt kiểu Việt Nam của chúng tôi".
Sự việc ngay lập tức đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội, Mo Carey, một người New Zealand gốc Hàn chia sẻ: "Chả khác gì cách suy luận của họ là, "châu Á có gì hay? Đũa!", cô nói. Theo cô Mo, dù có hàng tỉ người trên thế giới dùng đũa, không ai dùng đũa để ăn burger cả, và nhấn mạnh: “Với tôi thì đây chỉ là một cách mô tả văn hóa Á châu méo mó nữa thôi".
Đặc biệt, trên Weibo - MXH lớn nhất Trung Quốc, cư dân mạng đất nước tỉ dân liên tục chia sẻ lại đoạn video và tạo ra nhiều cuộc tranh cãi về mục đích quảng cáo của hãng.
"Tôi không thể tin được rằng những quảng cáo thiếu hiểu biết như vậy vẫn tồn tại vào năm 2019. Và càng khó tin hơn khi nó được một công ty lớn như thế này sử dụng". - Một người dùng Hàn Quốc lên tiếng trên Twitter.
"Đũa đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ, thật xúc phạm khi họ cứ cố diễn tả rằng đây là một dụng cụ quá khổ và khó khăn khi sử dụng".
Bên cạnh đó, ngoài việc phản đối trên mạng xã hội, nhiều người Việt đã vào đánh giá 1 sao cho các địa điểm của Burger King tại Việt Nam. Theo ghi nhận, nhiều nhà hàng Burger King tại Hà Nội, TP.HCM đã nhận được hàng trăm lượt đánh giá 1 sao chỉ trong vài giờ.
Quảng cáo của Pepsi lấy cảm hứng từ cuộc biểu tình
Đoạn quảng cáo của Pepsi có nội dung một ngôi sao nổi tiếng bất ngờ bỏ dở việc chụp hình để hòa vào dòng người biểu tình trên phố. Sau đó, cô đưa lon Pepsi cho viên cảnh sát và mọi người cùng vui vẻ thưởng thức Pepsi.
Ngay lập tức, quảng cáo trên đã hứng chịu gạch đá của cộng đồng mạng, vì theo họ, nó được lấy cảm hứng từ cuộc biểu tình của những người tham gia phong trào "Black Lives Matter" chống lại bất bình đẳng và bạo lực của cảnh sát với người Mỹ gốc Phi.
Quảng cáo của Dove bị tố phân biệt chủng tộc
Trong quảng cáo của Dove, một người phụ nữ da màu đã cởi bỏ áo phông của mình và biến thành một người phụ nữ da trắng.
Ngay khi nhận được cảnh báo từ người dùng facebook, chiến dịch này đã được Dove gỡ bỏ khỏi hệ thống. Tuy nhiên, Naomi Blake đã lưu lại đoạn video và một nghệ sĩ trang điểm người Mỹ có tên Naythemua đã chia sẻ lại đoạn video này trên twitter với dòng trạng thái: “Tôi đang lướt facebook thì quảng cáo của Dove xuất hiện. Tôi đã ngừng lại xem nhưng cái gì thế này?”.
Dưới bài viết, Naythemua đã bày tỏ quan điểm rằng, mọi người cảm thấy bị xúc phạm nếu người phụ nữ da trắng đã biến thành một phụ nữ da đen. Điều này cũng giống như người da đen cảm thấy tổn thương và bị xúc phạm bởi cách Dove quảng cáo.
“Hoa Kỳ nói gì với người da đen? Chúng ta chỉ đánh giá con người bởi màu da của họ, chúng ta duy trì cách nghĩ này ngay tại một đất nước văn minh như Mỹ sao? Không thể nào!”, bà nhấn mạnh.
Một cư dân mạng nói: “Cái mà Dove cố gắng truyền đạt trong này còn gì ngoài việc phân biệt chủng tộc trắng trợn cơ chứ?”
Một người khác lên tiếng: “Tôi thực sự cảm thấy nó thật đáng ghét! Đây không phải là một sai lầm, họ biết hành động này tội lỗi nhưng vẫn cố tình thực hiện nó”.
Một phụ nữ khác tức giận: “Đây là một sự thiếu suy nghĩ chưa từng có! Những người làm quảng cáo này nên cảm thấy tự xấu hổ!”
Ngay khi nhận được hàng loạt phản hồi tiêu cực, Dove đã gỡ bỏ quảng cáo trên và viết lời xin lỗi qua Twitter: “Hình ảnh chúng tôi vừa đăng trên Facebook đã bỏ qua màu da đại diện của người phụ nữ. Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì sự tổn thương mà hành động này gây ra”.
H&M cũng bị tố quảng cáo phân biệt chủng tộc
H&M - thương hiệu "thời trang ăn liền" Thụy Điển đã từng phải lên tiếng xin lỗi vì hình ảnh quảng bá sản phẩm bị cho là phân biệt chủng tộc trên website bán hàng tại Anh khiến cư dân mạng phẫn nộ.
Cụ thể, hãng này đã sử dụng người mẫu nhí da đen mặc chiếc áo in dòng chữ “coolest monkey in the jungle" (chú khỉ ngầu nhất trong rừng). Bên cạnh đó là 2 mẫu nhí da trắng, một mặc áo hình thú không in chữ, một mặc áo in hình hổ kèm dòng chữ “survival expert” (chuyên gia sinh tồn).
“Monkey” (con khỉ) trong lịch sử là từ mang ý nghĩa phân biệt chủng tộc đối với người da đen, gợi đến sự sỉ nhục mà những người da màu phải chịu đựng vài thế kỷ trước.
"Chúng tôi chân thành xin lỗi vì đã xúc phạm mọi người với hình ảnh chụp mẫu áo hoodie trẻ em của mình. Hình ảnh trên đều đã được gỡ khỏi tất cả các kênh trực tuyến của chúng tôi và sản phẩm đó sẽ không được bán tại Mỹ", H&M nhanh chóng lên tiếng sau phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng Twitter và một số mạng xã hội khác.
Nhà mốt D&G
Cũng liên quan đến sự cố về việc ăn bằng đũa, nhà mốt D&G đã nhận "quả đắng" tại thị trường đông dân Trung Quốc.
Hình ảnh trong quảng cáo được đầu tư kỹ lưỡng và thời thượng nhưng lại có chi tiết một người mẫu Trung Quốc lóng ngóng dùng đũa để thưởng thức những món ăn phương Tây.
Đoạn quảng cáo đã nhận được phản ứng dữ dội của dư luận. Việc marketing đề cập tới văn hóa một cách không tinh tế của D&G đã khiến họ nhận hậu quả ngay lập tức. Nhà mốt này phải hủy bỏ show diễn tại Trung Quốc và phải đối mặt với khủng hoảng bị tẩy chay tại đây.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.