Ngoài tã giấy, yếm, bình sữa, núm giả, máy hút sữa đều là những vật dụng cần thiết, những vật dụng dưới đây các mẹ nên mua cho trẻ.
1. Thảm xốp chống trơn
Thảm xốp chống trơn giúp trẻ luyện tập khả năng lật người, bò, hơn nữa trẻ có thể cùng bố mẹ chơi đùa trên thảm xốp, giúp tăng khả năng gắn kết giữa trẻ và bố mẹ. Tuy nhiên, thảm xốp chống trơn nên có độ dày đảm bảo để hạn chế trẻ trượt ngã, và nên thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ.
2. Xe đẩy
Xe đẩy là vật dung cần thiết giúp bố mẹ chăm sóc trẻ trở nên thuận tiện và dễ dàng, đặc biệt mỗi khi đưa trẻ ra ngoài, hoặc đi dạo ở bất cứ đâu.
Nguyên tắc vàng khi chọn xe đẩy:
- Trọng lượng nhẹ, kiểu dáng nhỏ gọn, tiện lợi khi sử dụng.
- Chỗ ngồi hoặc nằm êm ái giúp trẻ cảm thấy thoải mái.
- Đảm bảo về độ an toàn, chất liệu, phanh, giảm rung chấn.
- Thích hợp sử dụng cho trẻ hơn 6 tháng tuổi đến 3, 4 tuổi.
- Không nên chọn xe đẩy giá rẻ, bởi giá tiền thường đi liền với chất lượng.
3. Đai địu
Đai địu giúp giảm nguy cơ mỏi tay, trượt tay do mẹ bồng bế trẻ trong thời gian dài. Việc sử dụng đai địu sẽ giúp trẻ áp sát gần mẹ, khiến trẻ cảm nhận sự an toàn.
Tuy nhiên, trẻ mới sinh có cột sống chưa phát triển hoàn thiện, không thích hợp sử dụng đai địu trong thời gian dài. Lời khuyên dành cho các mẹ là, chỉ nên sử dụng đai địu đối với trẻ hơn 3 tháng tuổi và sử dụng đúng tư thế.
4. Túi ngủ
Túi ngủ là lựa chọn tối ưu giữ ấm cho trẻ, và khiến trẻ không thể tốc ra như khi đắp chăn. Túi ngủ thường có 2 kiểu là túi ngủ kén và túi ngủ tách chân. Lời khuyên dành cho các mẹ là nên dùng túi ngủ kén cho trẻ chưa biết lật. Sau khi trẻ biết lật người, nên chuyển sang sử dụng túi ngủ tách chân sẽ tốt hơn.
5. Nhiệt kế
Trẻ mắc bệnh cảm sốt là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Bố mẹ nên chuẩn bị sẵn một nhiệt kế điện tử hoặc nhiệt kế hồng ngoại đo tai, trán. Thiết bị này giúp kiểm tra thân nhiệt của trẻ và sử dụng rất tiện lợi.
Ngoài những vật dụng cần thiết, có những vật dụng mẹ không nên mua cho trẻ:
1. Đai tập đi, xe tập đi
Đai tập đi, xe tập đi có thể giúp trẻ tránh bị thương khi ngã. Tuy nhiên, do tính linh động của xe tập đi kết hợp với tốc độ di chuyển của trẻ quá nhanh, nếu trẻ va vào chạm cầu thang, khu vực không bằng phẳng, bố mẹ chưa phản ứng kịp thì trẻ sẽ bị ngã.
Khi trẻ thường xuyên sử dụng đai tập đi, xe tập đi, trẻ sẽ không thể cảm nhận sự thăng bằng, ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể, không tốt cho quá trình tập đi.
Nghiêm trọng hơn, việc này còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển chi dưới của trẻ. Khung xương của trẻ nhỏ vẫn còn mềm. Nếu trẻ sử dụng đai tập đi, xe tập đi sẽ khiến các chi dưới của cơ thể quá tải áp lực, dẫn đến tình trạng chân vòng kiềng ở trẻ. Điều này còn khiến trọng lực đổ dồn về hai bên đầu gối, sau độ tuổi trưởng thành, trẻ sẽ dễ bị đau khớp hoặc mắc các bệnh liên quan đến khớp.
2. Gối định hình
Nhiều bố mẹ đã sớm mua gối định hình cho trẻ sử dụng, với mong muốn hộp sọ của trẻ không bị biến dạng khi ngủ. Thực tế, gối định hình là một vật dụng khá nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Bởi khi trẻ ngủ và lật người sang một bên có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp của khoang mũi và miệng, gia tăng nguy cơ trẻ ngạt thở và tử vong.
3. Thanh chắn giường
Nhiều bố mẹ lo ngại trẻ mắc kẹt lan can giường, bị thương khi va chạm giường, hoặc muốn tránh trường hợp trẻ ngã từ trên giường xuống đất nên đã trang bị thanh chắn giường cho trẻ.
Thực tế, theo một số liệu nghiên cứu từ năm 1985 đến 2005 của Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ cho thấy, có 11 trường hợp trẻ úp mặt vào thanh chắn giường dẫn đến ngạt thở và tử vong, có 13 trường hợp trẻ lọt thỏm giữa thanh chắn giường và mép giường, ngoài ra có 3 trường hợp trẻ bị dây cố định thanh chắn giường siết chặt dẫn đến tử vong.
Năm 2005, Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đưa ra lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh là không nên sử dụng thanh chắn giường cho trẻ nhỏ.
4. Miếng cắn răng, ngậm nướu
Miếng cắn răng, ngậm nướu nếu không đảm bảo độ cứng an toàn, trẻ có thể cắn gãy và mắc kẹt ở cổ họng. Vấn đề cần bố mẹ lưu tâm chính là chất lượng của miếng cắn răng, ngậm nướu cho trẻ nhỏ. Bên trong miếng cắn răng, ngậm nướu có thể tồn tại vô số vi khuẩn và nấm mốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
Những vật dụng tưởng hữu ích nhưng không thiết thực như mẹ nghĩ:
1. Áo chống bức xạ cho bà bầu
Áo chống bức xạ "dỏm" (ảnh trái) và áo chống bức xạ "chuẩn" (ảnh phải)
Thông thường, các tia bức xạ phát ra từ máy chụp X - quang, CT, chụp cộng hưởng từ, tia gamma đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng mẹ. Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, các mẹ bầu rất hiếm tiếp xúc với những nguồn phát ra tia bức xạ nên không cần quá lo lắng.
Hiện nay, nhiều cửa hàng rao bán áo chống bức xạ "dỏm" cho bà bầu, kiểu áo nhìn vẻ ngoài không khác so với áo thông thường, có giá từ vài trăm đến vài triệu.
Thực tế, những loại áo chống bức xạ "chuẩn" sẽ trải qua nhiều công đoạn chế tác nên giá thành cực kì đắt đỏ, trang phục của áo chống bức xạ sẽ ôm trọn từ đầu đến chân, trọng lượng của áo chống bức xạ rất nặng bởi làm từ kim loại nặng để chống bức xạ. Nếu các mẹ bầu mặc vào, e là chỉ có thể ngồi hoặc nằm im một chỗ, hoặc phải nhờ người giúp đỡ mới có thể di chuyển, chứ không có chuyện kiểu dáng thời trang, đa dạng nhiều chủng loại như các loại áo chống bức xạ đang được rao bán cho bà bầu.
2. Máy hâm sữa
Máy hâm sữa có vẻ hữu ích, nhưng thật ra ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ. Hâm sữa trong khoảng thời gian dài sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi, chất lượng dinh dưỡng trong sữa giảm, trẻ uống sữa hâm nóng nhiều lần sẽ tăng nguy cơ đau bụng.
3. Máy hút mũi
Máy hút mũi có công suất đủ lớn để hút đờm, mũi ở sâu bên trong mũi/họng của trẻ, nhưng nó chỉ hữu ích trong một vài trường hợp. Bởi nếu nước mũi của trẻ dạng đặc thì máy hoạt động không hiệu quả, hơn nữa lực hút của máy có thể ảnh hưởng đến niêm mạc mũi của trẻ.
4. Phao cổ
Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ cảnh báo: Không có nghiên cứu cho thấy ích lợi và an toàn khi cho trẻ dưới 1 tuổi học bơi, hơn nữa việc sử dụng phao cổ có thể mắc kẹt ở vùng đầu và cổ của trẻ, khiến trẻ dễ bị sặc nước và hô hấp khó khăn.
5. Giày cho trẻ sơ sinh
Trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa biết đi, thậm chí đứng không vững nên mẹ không cần thiết mang giày cho trẻ. Khi trẻ đã biết leo trèo, biết đứng, lời khuyên dành cho các mẹ là nên để trẻ đi chân trần. Bởi hệ thần kinh cảm giác ở lòng bàn chân của trẻ đang phát triển, đi chân trần sẽ giúp trẻ giữ thăng bằng và điều chỉnh bước đi tốt hơn.
Theo Sohu
Theo Trí thức trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.