Để đối phó với những căng thẳng và áp lực, con người có xu hướng tìm đến những triết lý sống để xoa dịu tinh thần. Một số triết lý có thể kể đến như hygge - triết lý của người Đan Mạch coi hạnh phúc bắt nguồn từ những điều đơn giản, lagom - tư duy biết đủ của người Thụy Điển. Giờ đây, thêm một xu hướng mới là triết lý sống niksen của người Hà Lan.
Niksen là gì?
Theo bà Carolien Hamming, giám đốc điều hành trung tâm trị liệu giúp khách hàng xử lý stress và phục hồi sau kiệt sức CSR Centrum ở Hà Lan cho biết, niksen có nghĩa là chẳng làm gì cả, ngồi không hoặc làm gì đó không có mục đích. Bạn có thể thực hành niksen bằng cách đi ra ngoài, ngắm nhìn mọi thứ xung quang hoặc nghe nhạc, miễn là làm mà không nhằm mục đích nào.
Ruut Veenhoven, giáo sư xã hội học đến từ Đại học Erasmus Rotterdam, chuyên nghiên cứu về hạnh phúc cho biết niksen giống như bạn ngồi yên trên ghế hoặc nhìn lơ đãng ra ngoài cửa sổ. Bạn không làm gì cả mà chỉ để tâm trí mình lang thang.
Lợi ích của lối sống niksen
Theo bà Hamming, trước kia ở Hà Lan, niksen từng bị coi là tư duy lười biếng, trái ngược với tinh thần làm việc năng suất của người Hà Lan. Nhưng khi mức độ stress của con người tăng lên đã khiến nhiều người trở nên mệt mỏi, triết lý niksen lại trở thành một biện pháp tích cực có thể chống lại stress.
Eve Ekman, giám đốc đào tạo Trung tâm Greater Good Science thuộc Đại học California (Mỹ) chia sẻ: "Tất cả chúng ta đều tìm cách thư giãn và kết nối". Theo bà, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng niksen đem đến nhiều lợi ích, giúp giảm thiểu bệnh lo âu, ngăn ngừa quá trình lão hóa và tăng cường khả năng phòng tránh bệnh cảm lạnh.
Một lợi ích khác của niksen là kích thích khả năng sáng tạo. Giáo sư Veenhoven cho biết: "Khi chúng ta không làm gì, não bộ sẽ vẫn xử lý thông tin để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng". Vậy nên ngay cả khi đang mơ màng, bạn vẫn có thể nghĩ ra những giải pháp đột phá hoặc những ý tưởng kinh doanh táo bạo.
Các công trình khoa học cũng chỉ ra rằng, việc làm những việc đơn giản, thả lỏng tâm trí có thể thúc đẩy khả năng giải quyết vấn đề mà bạn đã mắc kẹt từ lâu. Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên tạp chí Frontiers in Psychology cho biết, quá trình này có thể truyền cảm hứng cho mỗi cá nhân, giúp họ nhận ra những điều cần làm để đạt được mục tiêu đó.
Thực hành niksen như thế nào?
Đối với nhiều người, để bản thân nhàn rỗi chẳng dễ như tưởng tượng. Trên thực tế, rất khó để bạn ngồi yên và nhìn ra cửa sổ trong một lúc lâu. Bà Hamming cho biết, lúc đầu bạn sẽ cảm thấy hơi kỳ quái bởi con người vốn đã quen với việc bận rộn, luôn phải hoạt động. Bà khuyến khích khách hàng của mình vượt qua sự khó chịu ban đầu, dành ra vài phút mỗi ngày để thực hành triết lý niksen. Lý tưởng nhất là dành hẳn một buổi tối mỗi tuần để không làm gì cả.
"Hãy dám nhàn rỗi", bà nói. "Việc bạn cần làm là cứ mặc kệ để cuộc sống tự đi theo hướng của nó và giải phóng chính mình khỏi những lo toan bộn bề trong chốc lát".
Nhược điểm của lối sống niksen
Niksen cũng có một vài nhược điểm. Theo bà Ekman, việc thả lỏng tâm trí quá lâu có thể khiến bạn bị "cuốn vào trong những suy nghĩ" thay vì cảm thấy sảng khoái. Trong nghiên cứu "Những mặt lợi và hại của việc thả lỏng tâm trí" tiến hành năm 2013 trên Frontiers in Psychology chỉ ra rằng, sau khi để tâm trí đi lang thang quá lâu, các tình nguyện viên bị tăng nhịp tim trong 24 tiếng và cảm thấy khó ngủ vào đêm hôm sau. Tuy nhiên, các tác giả nhấn mạnh những hệ quả này không được dùng để đoán biết tình trạng cảm xúc lâu dài của cá nhân. Bên cạnh đó, mơ màng về gia đình và bạn bè có thể làm tăng mức độ hài lòng về cuộc sống.
Tất nhiên, bạn không thể luyện tập niksen liên tục vì chúng ta không thể suốt ngày không làm gì. Ông Veenhoven khuyên mỗi người nên kết hợp hài hòa thời gian nhàn rỗi với một lối sống năng động. Đây mới là cách tốt nhất để vận dụng triết lý niksen vào đời sống.
"Nghỉ ngơi là cách khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn sau mỗi hoạt động. Nhưng đó không phải con đường chính dẫn tới hạnh phúc", giáo sư cho biết. Theo một nghiên cứu năm 2016 cũng đã chỉ ra người thường tham gia vào các hoạt động thường hạnh phúc hơn nhờ các mối quan hệ xã hội và tự tin vào năng lực bản thân.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.