Nỗ lực chuyển đổi số trong trường học

(lamchame.vn) - Ngành Giáo dục các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện chuyển đổi số hiệu quả...

Thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, ngành Giáo dục các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai ứng dụng một cách hiệu quả.

Thúc đẩy giáo dục trực tuyến, điện tử

Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động xã hội bị đình trệ, chuyển đổi số trở thành giải pháp nhằm thực hiện “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Sau khi học sinh trở lại trường, ngành Giáo dục các địa phương đã tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, dạy và học.

Thông qua nền tảng dạy học trực tuyến K12.Online, 356/364 cơ sở giáo dục tại Hậu Giang tham gia; 1.889/4.825 giáo viên truy cập sử dụng và đăng tải 1.112 bài giảng, 1.205 bài kiểm tra với 27.782 câu hỏi được khởi tạo, 9.846 lớp học ảo được thiết lập. 100% các trường học trên địa bàn tỉnh đã kết nối Internet cáp quang tốc độ cao và phủ sóng wifi miễn phí. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 đạt 97%...

Ngoài ra, để đẩy mạnh ứng dụng CNTT toàn diện, Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang đã thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua hệ thống một cửa điện tử của tỉnh. Đã có 63/65 TTHC cấp tỉnh của ngành cung cấp qua dịch vụ công mức độ 4. Việc ứng dụng phần mềm một cửa trong giải quyết TTHC đã tiết kiệm khá lớn thời gian giải quyết hồ sơ.

“Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến học sinh và phụ huynh về việc thúc đẩy phát triển giáo dục trực tuyến, điện tử. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung triển khai các ứng dụng chuyển đổi số trong nhà trường bao gồm: Sổ liên lạc, học bạ điện tử, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu ngành, dạy học trực tuyến… Ngành cũng rà soát, cập nhật, công bố TTHC, danh mục TTHC thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4...”, bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm.

Tại Cần Thơ, việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành được thực hiện từ nhiều năm trước. Đặc biệt, năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành đã linh hoạt thích ứng, bảo đảm mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh vừa hoàn thành chương trình giáo dục.

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, thông tin: Thời gian qua, ngành Giáo dục thành phố nỗ lực ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, dạy học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục. Việc thúc đẩy số hóa trong toàn ngành còn góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai đề án chuyển đổi số của thành phố.

Hiện nay, tất cả cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT đều sử dụng phần mềm quản lý học sinh SMAS; điện tử hóa hồ sơ sổ sách đối với công chức, viên chức tại các đơn vị. Ngành Giáo dục còn ứng dụng các phần mềm khác trong quản lý như: VNEDU quản lý trường mầm non tại địa chỉ https://www.vnedu.vn; đánh giá khẩu phần ăn dinh dưỡng cho trẻ mầm non Nutrikid, Kidsmart, Happykid...; phần mềm xếp thời khóa biểu TKB 9.0, Vietschool.

Nỗ lực chuyển đổi số trong trường học - Ảnh 1.

Ứng dụng CNTT giúp bài học trở nên sinh động.

Định hướng chuyển đổi số

Tại TP Cần Thơ, ngành Giáo dục đã triển khai, hướng dẫn các đơn vị một số hình thức tổ chức dạy học qua ứng dụng CNTT. Các trường cũng chủ động xây dựng kế hoạch trang bị phòng học đa phương tiện (phòng học được trang bị tivi thông minh, kết nối mạng Internet thông suốt…) để tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá bảo đảm chất lượng giáo dục.

Theo ông Trần Thanh Bình, nhờ ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động dạy học, các trường phổ thông ở Cần Thơ đã thực hiện đúng kế hoạch năm học; sĩ số học sinh được duy trì, củng cố kiến thức thường xuyên… Mục tiêu đến năm 2025, ngành Giáo dục sẽ đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày đối với mỗi nhà giáo, người học.

Theo đó, 50% học sinh và nhà giáo có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến; định hướng học sinh, sinh viên sử dụng một số nền tảng dạy và học trực tuyến là sản phẩm trong nước, đạt trên 50%; khai thác kho học liệu trực tuyến quốc gia đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông…

“Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, có 50% học sinh, học viên và mỗi giáo viên có đủ điều kiện (phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả hoạt động dạy học trực tuyến; 50% trường THPT, THCS triển khai các khóa đào tạo kiến thức số, kỹ năng số với 30% học sinh phổ thông tham gia. Hình thành kho học liệu dạy học trực tuyến cấp tỉnh đáp ứng nhu cầu học tập cho 60% nội dung chương trình giáo dục phổ thông”, bà Hà thông tin thêm.

Còn theo bà Nguyễn Thúy Hà - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, ngành Giáo dục đặt mục tiêu đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy học trên môi trường số thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày đối với mỗi giáo viên, người học.

Tại An Giang, ngành Giáo dục cũng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, thiết thực và hiệu quả dựa trên nền tảng hệ thống các phần mềm hỗ trợ quản lý, điều hành; phần mềm quản lý nhà trường đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành và các hạ tầng thông tin dùng chung khác để tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số để đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kết hợp học trên lớp và học trực tuyến, kiểm tra và đánh giá kết quả dạy và học với các nền tảng giáo dục mới.

Một trong những giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực GD-ĐT được ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang chia sẻ là phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, số hóa tài liệu, giáo trình giảng dạy của đội ngũ giáo viên.

Sở cũng chỉ đạo phòng GD&ĐT và các trường THCS trực thuộc chủ động đề xuất nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số của ngành, đơn vị theo từng năm học; chủ động đề xuất, triển khai các chương trình cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị; bảo đảm bố trí tối thiểu 2% nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số tại mỗi đơn vị.

“Các đơn vị chủ động lựa chọn giải pháp triển khai, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn, phát huy tính chủ động, sáng tạo; phối hợp chặt chẽ với bộ phận tham mưu của sở để kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện kế hoạch”, ông Trần Tuấn Khanh lưu ý.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang