Đến nay, trong khi các châu lục khác đang phải chống chọi với đại dịch Covid-19 thì có một lục địa vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh nào. Đó là Nam Cực lạnh giá cằn cỗi, nơi mà cái lạnh và bóng tối của mùa đông đang đến rất nhanh.
Nhiều người nói rằng Nam Cực từ chỗ là nơi "nguy hiểm" bậc nhất với mức nhiệt có thể giảm xuống gần -90 độ C và vận tốc gió lên tới 322 km/giờ, nay đã trở thành nơi "an toàn" nhất trước dịch Covid-19 tính đến thời điểm này. Trong vài tháng qua, khoảng 4.000 người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đã theo dõi diễn biến dịch Covid-19 từ Nam Cực.
Khí hậu ở Nam Cực rất khắc nghiệt.
Alberto Della Rovere (35 tuổi), người đứng đầu đoàn thám hiểm của Ý đến Nam Cực cho biết bạn bè đồng nghiệp của anh tại quê nhà nhắn tin qua ứng dụng WhatsApp: "Tốt hơn hết cậu nên ở lại, Nam Cực rất an toàn đấy".
Hiện tại, ngay cả trong thời gian bình thường, chỉ có một số người hạn chế được phép rời và đến Nam Cực. Nhân viên y tế cũng bắt đầu kiểm tra các dấu hiệu của Covid-19 và các bệnh khác. Alberto tự tin nói: "Bây giờ, Nam Cực là nơi an toàn nhất thế giới vì không có liên hệ với bên ngoài và cách rất xa mọi khu dân cư". Một nhân viên của trạm nghiên cứu của Mỹ đã đăng bức ảnh chụp nhiều thùng giấy vệ sinh với chú thích "Đừng lo lắng cho chúng tôi".
Những người đóng quân ở Nam Cực có thể chưa nhiễm Covid-19 nhưng họ sẽ gặp rủi ro lớn nếu bị như vậy. Hầu hết các cơ sở chỉ có khả năng xử lý một trường hợp đơn lẻ và họ sẽ phải vật lộn để ngăn chặn tình trạng lây lan nhanh.
Tim Heitland, điều phối viên y tế của một trạm nghiên cứu của Đức cho biết phần lớn các trạm chỉ có một bác sĩ trong suốt mùa đông. Và tất nhiên, chẳng ai đảm bảo rằng đại dịch sẽ không lan đến tận Nam Cực! Ông Jeff Ayton, Giám đốc y tế Bộ phận Nam Cực của Úc cho biết: "Không lục địa nào miễn nhiễm với virus corona, kể cả Nam Cực".
Nam Cực là nơi đặt các cơ sở nghiên cứu của 28 quốc gia trên thế giới. Đa số nhân viên đều ở lại đây từ một đến hai mùa để tiến hành hoặc hỗ trợ nghiên cứu khoa học.
Dân số của lục địa này cao nhất vào mùa hè, từ tháng 10 đến tháng 2. Đến mùa đông, Nam Cực rơi vào bóng tối và nhiệt độ giảm mạnh, khiến nhiều trạm nghiên cứu đóng cửa. Trong thời gian này, ở nguyên trong trạm (dù có dịch bệnh hay không) là một việc được nhiều người thực hiện do điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt.
Khi dịch Covid-19 đang lây lan theo cấp số nhân ở phần còn lại của thế giới, cuộc sống ở Nam Cực vẫn diễn ra bình thường, chỉ có điều, mọi người chăm dùng nước rửa tay hơn. Tuy đến nay, dịch Covid-19 vẫn chưa xuất hiện và nghe có vẻ xa vời nhưng việc giữ cho Nam Cực an toàn khỏi virus corona là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia có căn cứ ở đó.
Một nhà nghiên cứu ở Nam Cực.
Ông Michelle Rogan-Finnemore, thư ký Hội đồng Quản lý Chương trình Quốc gia ở Nam Cực (COMNAP) nói: "Tôi tham gia vào hoạt động ở Nam Cực từ năm 1988 nhưng chưa bao giờ chứng kiến thế giới phải đối mặt với thách thức như Covid-19".
Trong điều kiện hạn chế như ở Nam Cực, các bệnh truyền nhiễm luôn là vấn đề đáng quan tâm. Một người giải thích: "Sống tại Nam Cực giống như sông trên Mặt Trăng hay Sao Hỏa vậy. Chúng tôi không thể đưa người về ngay lập tức. Tại các trạm của Úc, chúng tôi phải chuẩn bị trước 9 tháng để tiến hành sơ tán y tế".
Tuy chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào nhưng các nhân viên y tế ở Nam Cực có rất nhiều lý do để lo lắng. Một người chia sẻ: "Nếu bạn mắc bệnh truyền nhiễm ở một nơi xa xôi hẻo lánh với cơ sở y tế hạn chế, nó sẽ là gánh nặng đối với bác sĩ của trạm đó vì không có y tá hay chuyên gia chăm sóc sức khỏe nào hỗ trợ.
Trong khi nhiều quốc gia đã đóng cửa các trạm để nghỉ đông trước đợt bùng phát dịch, cơ sở McMurdo của Mỹ (quy mô lên tới 1.000 người) mới chỉ hoàn thành chương trình mùa hè. Hiện nhiều máy bay vẫn qua lại để đưa người đi và đến trạm. Những ai muốn tới Nam Cực đều được kiểm tra và phải cách ly dưới sự giám sát của cố vấn y tế. Dù vậy, họ không được xét nghiệm Covid-19.
Tuy các trạm đều bị cô lập nhưng điện thoại và Internet vẫn được duy trì để giúp họ cập nhật tình hình thế giới. Ý kiến về đại dịch của mọi người cũng rất khác nhau: Trong khi có người mong muốn sớm về nhà đoàn tụ với gia đình, một số người nói rằng họ muốn ở lại Nam Cực cho an toàn.
Link báo gốc: http://ttvn.toquoc.vn/noi-duy-nhat-tren-trai-dat-covid-19-chua-ben-mang-den-khong-co-virus-corona-thi-cung-chang-the-ra-khoi-nha-5202027372543105.htm
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.