Sáng 31-12, nguồn tin của báo Người Lao Động xác nhận khuya 30-12, Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp ông Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, ngụ quận 1, TP HCM) do có hành vi đồng phạm giúp sức với bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1996, quê Gia Lai). Lệnh bắt khẩn cấp ông Nguyễn Kim Trung Thái đã được VKSND quận Bình Thạnh phê chuẩn.
"Công an thực hiện lệnh bắt khẩn cấp ông Thái để điều tra hành vi giúp sức cho người tình là bà Quỳnh Trang trong việc bạo hành đến chết cháu bé 8 tuổi. Hành vi bạo hành là không thể tha thứ, vi phạm nghiêm trọng pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật", nguồn tin của Báo Người Lao Động nói.
Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái
Trước đó, sau khi sự việc xảy ra, Công an quận Bình Thạnh đã bắt khẩn cấp bà Trang về tội "Hành hạ người khác". Việc không bắt giam ông Thái về hành vi giúp sức và việc bắt bà Trang tội "Hành hạ người khác" bị dư luận phản ứng gay gắt.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ với Báo Người Lao Động:
"Với tư cách là một người đã từng tham gia xây dựng pháp luật nhiều năm, trong đó có Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em sau này là Luật trẻ em, Luật Phòng chống Bạo lực gia đình…nói chung là rất nhiều đạo luật liên quan đến việc bảo vệ sinh mệnh con người, cùng với tư cách là một người bà, một người mẹ, tôi thấy nhói lòng, nhói tim và không chịu nổi, không nghĩ ra được một sự tàn nhẫn, mất hết tính người của một người phụ nữ chưa có con với một đứa trẻ mới 8 tuổi".
Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia dình và Trẻ em Việt Nam cảm thấy đau đớn khi nhìn thấy những vết thương thâm tím, chi chít trên cơ thể cháu bé. Bà Lê Thị Thu nói rằng các cơ quan chức năng cần xem xét khởi tố người cha với những tội danh phù hợp mới thích đáng với bản chất vụ việc.
"Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990. Và đối với Việt Nam, những người có độ tuổi dưới 16 tuổi được coi là trẻ em.
Trong đó có 54 điều và 29 quyền. Trong 10 quyền cơ bản thì có Quyền được trợ giúp ngay lập tức trong trường hợp khẩn cấp và thảm họa, và được bảo vệ khỏi sự tàn ác, bỏ bê, lạm dụng, khai thác và bách hại; Quyền có một gia đình, được sự chăm sóc của cha mẹ và có một chỗ trú ngụ an toàn", bà Lê Thị Thu nói.
Nguyễn Võ Quỳnh Trang
Đồng tình với việc khởi tố ông Nguyễn Kim Trung Thái, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM đau xót chia sẻ:
"Hàng chục năm tham gia xét xử các vụ án hình sự về bạo hành trẻ em, tôi đau đớn khi nhìn thấy vết thương trên cơ thể của cháu. Có lẽ cháu rất cô đơn và đau đớn trước khi chết vì có cha cũng như không. Trong một thời gian dài cháu bị đánh đập tàn nhẫn, cha ruột dẫn cháu đi khâu.Vết thương cũ chưa lành thì vết thương mới xuất hiện, mưng mủ và không được chăm sóc y tế. Khi nhập viện, bác sĩ thấy trên cơ thể có vết thương tím mờ, tím đậm chi chít thì thử hỏi sao không đớn đau.
Việc khởi tố cha ruột tội "Cố ý gây thương tích" giúp sức cho Trang là cần thiết. Bởi lẽ ông ta biết con mình bị đánh nhưng vẫn không lên tiếng là đồng lõa với người tình".
Về tội danh đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang, bà Nguyễn Thị Thu Thủy nhận định:
"Khi vụ án được phát hiện, lời khai ban đầu đã thể hiện rất rõ và cơ quan điều tra khởi tố một tội danh rõ ràng để điều tra là phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là lời khai và vết thương trên cơ thể cháu bé rõ mồn một đã là chứng cứ thuyết phục cho tội danh "Cố ý gây thương tích" với tình tiết tăng nặng là hậu quả chết người mà người chết lại là trẻ em thì khó tha thứ. Chính vì vậy, việc thay đổi tội danh mới thuyết phục dư luận và đúng pháp luật".
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.