NSND Lan Hương: "Tôi cho con dâu về ngoại đón Tết”

NSND Lan Hương nổi danh "mẹ chồng khó tính nhất Vịnh Bắc Bộ" trong phim "Sống chung với mẹ chồng", nhưng ngoài đời, nữ nghệ sĩ vô cùng tâm lý. Bà chia sẻ, nếu con dâu quê ở xa, bà sẵn sàng cho con về bên ngoại đón Tết.

“Nhà tôi năm nào cũng gói bánh chưng”

- Nhiều người tò mò ngày Tết của NSND Lan Hương thế nào, bà có thể tiết lộ?

- NSND Lan Hương: Ngày Tết của tôi đơn giản lắm, sáng mồng một, mồng hai dậy sớm làm cơm thắp hương. Bây giờ mâm cỗ ngày Tết cũng đơn giản không cầu kỳ quá. Sau đó, cả nhà sẽ rồng rắn đi thăm hỏi gia đình người thân, chúc thọ các bậc cao niên. Mồng một thăm hỏi họ nội, mồng hai họ ngoại, mồng ba mới đi chơi bạn bè.

Đặc biệt, ngày Tết bao giờ tôi cũng ra chùa vào thời khắc giao thừa hoặc sáng mồng một để cầu bình an cho cả nhà.

NSND Lan Hương. Ảnh: FBNV

- Bà thấy Tết xưa và Tết nay có gì khác nhau?

- Từ xưa đến nay nhà tôi vẫn giữ nếp đón Tết truyền thống như vậy. Tôi may mắn hơn nhiều người vì không phải đón Tết xa nhà. Nhà tôi ở Gò Đống Đa, nhà chồng ở Khâm Thiên, ngày Tết vẫn có thể chạy qua chạy lại giữa hai nhà cho trọn vẹn.

So với ngày xưa, Tết bây giờ không quá cầu kỳ mà dễ dàng hơn nhiều. Nhà tôi bây giờ vẫn tự gói nem, gói giò, làm bánh chưng. Công việc nội trợ mẹ tôi vẫn là người tổng chỉ huy, đương nhiên con cháu cũng phải xúm vào làm.

Con dâu tôi cũng rất chịu khó học hỏi. Về làm dâu năm trước năm sau đã giúp mẹ gói bánh chưng được rồi. Lúc đầu cháu gói còn chưa đẹp nhưng rồi dần dần đã vuông vức hơn rất nhiều. Tự gói bánh cũng có cái hay, bởi mình sẽ có những cái bánh hợp khẩu vị, bởi người thì thích ăn toàn thịt nạc, người lại thích bánh nhân ngọt...

Đêm giao thừa nhà tôi thường ra bờ hồ xem bắn pháo hoa, sau đó trở về nhà thắp hương bàn thờ gia tiên, cả nhà quây quần cùng nhau. Đặc biệt thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới các thành viên trong gia đình cũng có mặt đông đủ nhất có thể để chúc nhau những điều tốt đẹp và may mắn cho một năm mới. Ai có những nỗi buồn, sự không may trong năm cũ sẽ được động viên và hướng tới một năm mới tốt lành hơn. Trước đây, khi ở với mẹ chồng tôi (lúc bà còn sống), giao thừa cũng chúc tết bà xong chạy xuống ngoại chúc tết ông bà ngoại rồi về. May mắn vì hai nhà cũng gần!

- Thời gian vừa qua trên các diễn đàn bàn luận sôi nổi câu chuyện các nàng dâu lấy chồng xa đón Tết nội hay Tết ngoại. Bà có ủng hộ việc con dâu về ngoại đón Tết?

- Trong xã hội hiện đại quan điểm dâu, rể không nặng nề như trước nữa. Tôi quan niệm, bố mẹ bên nào cũng là bố mẹ, vẫn phải đầy đủ lễ nghĩa, có yêu thương mọi người thì mọi người mới yêu thương mình. Thời phong kiến quan niệm con gái đi lấy chồng là con người ta, phải chăm lo công việc cho nhà chồng, thế nhưng nhiều người quên mất đi làm dâu thì họ cũng có bố mẹ trông ngóng. Ngày tết con cái không về bố mẹ nào cũng chạnh lòng, có con cái quây quần bên cạnh sẽ mang lại niềm ấm áp cho những bậc sinh thành. Thế nên, các bậc làm cha làm mẹ cũng nên rộng lượng hơn một chút. Các con dù thế nào vẫn là con mình.

Con dâu tôi thì ở Vân Hồ, không xa lắm. Thông thường ngày 30 Tết, tôi hỏi con dâu nếu nhà ngoại thắp hương buổi sáng thì nhà mình làm buổi chiều, còn ngược lại, để con dâu cũng được về ngoại ăn cỗ tất niên.

NSND Lan Hương bên gia đình: Ảnh: NVCC 

- Nếu có con dâu quê ở xa, bà có đồng ý cho con về ăn Tết nhà ngoại?

- Tôi luôn ủng hộ. Không những thế mình còn khuyến khích các con khi về ngoại phải có cái lễ để lễ gia tiên cho trọn đạo con cháu.

Tục mừng tuổi đang bị biến tướng

- Mừng tuổi đầu năm mới là một tục lệ đẹp ngày Tết, thế nhưng hiện nay đang bị biến tướng. Nhiều người coi trọng giá trị đồng tiền hơn là ý nghĩa mà nó mang lại. Bà nghĩ sao về điều này?

- Đúng là tục lệ này ngày càng bị biến tướng. Khi được lì xì xong, nhiều đứa trẻ thường rút ngay tờ tiền xem mệnh giá, nếu tiền nhỏ là xị mặt ra, đòi tờ tiền khác. Đấy là do cách giáo dục từ gia đình, bố mẹ. Đã là tiền mừng tuổi thì dù to hay nhỏ vẫn nên trân trọng.

Ngày xưa đời sống khó khăn, lì xì cho các cháu nhỏ cũng là để các cháu có chút tiền mua đồ chơi, quần áo. Giờ thì tôi thấy việc mừng tuổi cho các cụ già quan trọng hơn. Đó là sự động viên cho các cụ phấn khởi. Được con cháu quan tâm các cụ sẽ vui, sống thọ hơn.

- Không chỉ tục mừng tuổi mà ngay cả việc biếu quà Tết cũng mang mục đích riêng không còn đơn thuần là tình cảm, bà có đồng tình với ý kiến này?

- Đúng thế, ngày trước chỉ là nhà ai có gì ngon hoặc sản vật gì thì chia sẻ cho nhau. Bây giờ quà tết cũng bị soi quà to hay nhỏ, giá trị hay không. Điều này khiến cho mọi người khó xử. Quà tết khi đó không còn dừng lại ở giá trị tình cảm mà nó như sự trả ơn, nhất là những người nào mang nợ. Thậm chí nhà không có điều kiện vẫn phải cố. Vô hình chung việc làm này trở thành gánh nặng và mất dần ý nghĩa.

“Tôi không đồng tình gộp Tết ta vào Tết tây”

- Còn ý kiến gộp Tết ta vào Tết tây, bà thấy sao?

Tôi không bao giờ đồng tình với việc gộp Tết, mà muốn giữ Tết cổ truyền. Các cụ xưa có câu rất hay, giỗ cha không bằng lo ba ngày Tết. Dù đi xa đến đâu, dịp Tết ai cũng muốn về quê hương xum họp gia đình. Với những người đi làm ăn xa, đây là thời gian gia đình đoàn tụ, cho dù khó khăn đến mấy, Tết về ai cũng phải lo dọn dẹp sửa sang nhà cửa, tu sửa bàn thờ tổ tiên, sắm sanh đồ ăn ngon thết đãi khách và để gia đình no đủ cả năm. Đấy cũng là nét văn hóa của người Việt.

Những gia đình Việt kiều ở nước ngoài dù không được nghỉ làm những ngày này nhưng họ vẫn tổ chức đón Tết cổ truyền một cách ấm cúng. Tại sao mình ở trong nước lại bỏ đi nét văn hóa rất đẹp ấy.

Ngoài ra, ngày Tết tiết trời cũng rất đặc biệt. Đó là thời điểm lập xuân, có hoa đào, hoa mai nở. Nếu gộp Tết Nguyên Đán vào tết dương lịch hoá ra chúng ta đón tết vào giữa mùa đông à?

- Là người Hà Nội gốc, bà thấy Tết ở Hà Nội có gì đặc biệt?

Ai ở Hà Nội sẽ thấy ngày Tết nơi đây rất đáng yêu, có mưa xuân lây phây, không khí lãng mạn khó tả. Ngày Tết ai ra đường cũng rất đẹp, ai cũng diện những bộ cánh đẹp nhất, gương mặt người nào cũng rạng rỡ. Đặc biệt, Hà Nội những ngày này có rất nhiều mùi vị đặc biệt, mùi thơm của hoa, mùi bánh chưng, lá mùi....

- Với nhiều người điều đáng sợ nhất ngày Tết là phải vào bếp, nghệ sĩ Lan Hương thì sao?

- Nhiều người nói rằng ngày Tết mệt mỏi, nào phải mua sắm, dọn dẹp, nấu món này món kia nhưng tôi thấy không có gì đáng sợ. Mình làm bằng tâm nguyện của mình, tấm lòng của mình, nhiều cũng được ít cũng được, không cứ phải mâm cao cỗ đầy.

Có những cậu con trai nói thương vợ ngày Tết tất bật nhưng sao họ không góp một tay đỡ đần cho vợ. Ví dụ như nhà tôi gói bánh chưng thì việc luộc vớt bánh, ép bánh là chồng và con trai tôi làm. Mọi người cùng xúm tay vào, mỗi người một việc. Ngoài ra, trong lúc luộc bánh có thể chuẩn bị nồi măng to để ăn dần trong mấy ngày Tết.

- Mâm cỗ ngày Tết của gia đình “mẹ chồng khó tính nhất màn ảnh” có gì đặc biệt?

- Thì cũng gồm những món cơ bản ngày Tết. Như cỗ ngày xưa có: thịt bò kho, giò xào, thịt gà, canh măng, canh bóng, thịt đông... Cỗ ngày nay có thêm hải sản, nhiều nhà còn có món thịt nguội, thịt hun khói…

Nhiều món ăn đã được chế biến khác đi, nhưng tôi nghĩ điều đó không quan trọng bằng tình cảm và sự kính trọng mình hướng tới tổ tiên ông bà, cha mẹ.

- Ngày Tết nhiều người chọn đi du lịch thay vì ở nhà đón Tết, với NSND Lan Hương thì sao?

- Với tôi ngày Tết là thời gian dành cho gia đình, còn đi du lịch có thể đi trong năm hoặc ra Tết. Như năm nay, sau Tết cả đại gia đình tôi sẽ đi Thái Nguyên chơi, vừa để thăm người thân vừa như một chuyến du xuân.

- Trong ngày đầu năm bà mong ước điều gì cho năm mới Mậu Tuất 2018?

- Tôi muốn gửi lời chúc tới mọi người một năm mới an vui, hạnh phúc, ai cũng có sức khoẻ và đạt được mơ ước của mình.

Riêng bản thân, tôi mong muốn có được sức khỏe để tiếp tục công hiến cho khán giả. Cũng mong khán giả đón nhận mình qua những bộ phim, vai diễn mới và nhận được những lời đóng góp chân thành từ mọi người.

- Cảm ơn NSND Lan Hương đã chia sẻ. Chúc bà năm mới vạn sự như ý!

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang