Nguyễn Hoa Minh An (sinh năm 2003), là cựu học sinh của trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, tỉnh An Giang. Trong những năm tháng phổ thông, cô bạn đạt được loạt thành tích cực khủng, bao gồm:
Quán quân cuộc thi Speak to Lead do đại sứ quán Mỹ tổ chức; Top 3 cuộc thi English Olympics of Vietnam của Viện kỉ lục Việt Nam; Finalist của cuộc thi EF Challenge 2020 (chưa tổ chức chung kết do dịch); Giải thưởng danh dự của cuộc thi hùng biện cấp Quốc gia của ĐH Ngoại ngữ Hà Nội; Giải nhất hùng biện cấp tỉnh 2019; Giải nhì học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh 2019 và 2020; Giải nhất Kể chuyện sách 2020.
Ngoài ra còn có: Huy chương đồng Olympic 30/04/2019; 50% học bổng cấp 3 trường Grier School; 50% học bổng cấp 3 CATS Boston Academy; Bằng khen học sinh có thành tích cao của tỉnh; Học bổng Tiếp sức tài năng của tỉnh An Giang.
Minh An cũng từng nhận được một chuyến trải nghiệm được hỗ trợ toàn phần đến Singapore của English Olympics of Vietnam; cùng một chuyến trải nghiệm được hỗ trợ bán phần đến Mỹ của West Virginia University.
Cô bạn cũng đạt GPA ba năm là 9.8 – 9.8 – 9.5; điểm IELTS: 7.5; SAT: 1360 và SAT Subject Math II là 780. Trong đợt tuyển sinh đại học Mỹ cho kì mùa thu vừa qua, Minh An đã đạt được hai học bổng du học Mỹ full-ride của Soka University of America và Catawba College. Ngoài ra, cô bạn 10X cũng trúng tuyển vào Fulbright, SMU và NUS của Singapore.
Dù có thành tích rất xuất sắc nhưng Minh An vẫn khiếm tốn cho biết, kết quả của An chưa là gì so với những bạn nộp hồ sơ xin học bổng cùng kỳ. Dù vậy, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn suốt nhiều tháng qua, cô bạn An Giang vẫn mạnh dạn chia sẻ lại bí quyết của mình để giúp ích cho các bạn học sinh có ước mơ du học.
Được biết, mức hỗ trợ mà gia đình chu cấp được cho An khi đi du học Mỹ là khoảng 10.000 USD/ năm (khoảng 226 triệu đồng). Cô bạn 10X chia sẻ về điều này: "An đến từ một tỉnh nhỏ không có nhiều cơ hội tham gia những kì thi cũng như hoạt động ngoại khóa, và An cũng không có giải HSG quốc gia.
Những kì thi lớn đều là An phải đi đến TP.HCM hoặc là Hà Nội để tham dự. Hơn nữa, budget của nhà An đối với việc du học Mỹ cũng vô cùng hạn chế. Thế thì, An đã làm thế nào để được học bổng toàn phần, cũng như là phải làm thế nào để tránh những sai lầm cũ của mình?".
Theo đó, Minh An chia sẻ những bí quyết mà bản thân đã áp dụng:
1. Phải chuẩn bị lộ trình thi những kỳ thi chuẩn hóa càng sớm càng tốt
Điểm SAT của An chỉ có 1360. Năm ngoái vì dịch COVID, các trường đại học đã thay đổi kì thi SAT thành optional, nhưng 10X vẫn muốn thử sức. Việc thi SAT đã khá khó nhằn với An vì cô bạn chỉ có thể tự học online, song song với việc ôn thi HSG trong trường và chỉ có thời gian làm quen với SAT trong vòng 1 tháng.
Thời gian đầu, An đã có cách học khá cực đoan, đó là bắt buộc bản thân ngày nào cũng phải thi thử ít nhất một đề. Vật cực tất phản, nên khi đi thi, 10X bị quá tải và không thể có kết quả tốt như mong đợi, thấp hơn nhiều so với kết quả thi thử.
"Nhưng khi đó cho dù An cũng muốn thi lại thì đã kín tất cả các slot trong năm đó rồi. Nên nếu các bạn muốn đi thi, hãy có một kế hoạch học tập và đi thi hợp lí nhé! Vì SAT năm ngoái là optional nên An đã tận dụng điều này. An sẽ lên Google và search 50th percentile SAT của trường mà An định nộp. Nếu điểm SAT của An rơi vào tầm 50th percentile của trường, An sẽ nộp điểm", An cho hay.
Việc thi IELTS của Minh An trái ngược với thi SAT. Bởi 10X đã đi thi IELTS vào cuối năm lớp 10, nên không cần lo lắng. Tuy nhiên khi làm trợ giảng cho Bootcamp chuẩn bị du học năm nay, nữ sinh này thấy nhiều bạn vẫn chưa thi IELTS và rất lo lắng không biết sẽ ra sao trong tình hình dịch.
Về điều này 10X đưa ra lời khuyên: "Các bạn cũng nên thi IELTS (TOEFL) càng sớm càng tốt, vì IELTS (TOEFL) là điều kiện cần thiết để nộp hồ sơ. Trong trường hợp không thể thi vì dịch, các bạn có thể xem xét email trường xin gia hạn deadline nộp IELTS, hoặc xem là trường của bạn có chấp nhận IELTS Indicator hoặc Duolingo English Test không. Đây là các kì thi online và rất dễ để ôn luyện và đăng kí thi. Năm ngoái thì An đã từng nộp DET (135) cho một trường vì trường không chấp nhận IELTS".
2. Lên danh sách trường hợp lý, dựa vào khả năng tài chính
Vì khả năng tài chính hạn hẹp, các trường mà An nộp vào đa số đều là LAC (viết tắt của loại trường đại học khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn - The Liberal Arts and Sciences Colleges) và từng có lịch sử hào phóng với học sinh quốc tế. Theo An, học sinh phải cẩn thận vì đôi khi trường có học bổng 100%, nhưng chi phí ăn ở của bang đó lại đắt hơn budget của gia đình. 10X cũng chia sẻ về một trường hợp khác được miêu tả rất chuẩn xác trên một page du học tên là "Du học Mỹ cũng Khương" mà bản thân đọc được như sau:
"Vì nhà không có điều kiện nên mình đang tìm học bổng từ 50% - 75%". Nhiều người khi hỏi xin thông tin về học bổng hoặc hỗ trợ tài chính thường dùng số phần trăm, nhưng cần hỏi lại: 50% là bao nhiêu? Đơn giản bởi vì tổng chi phí của mỗi trường mỗi khác, nên được hỗ trợ 50% sẽ là một khoản khác nhau đối với từng trường. Như:
1. Soka University of America (LAC #28) có tổng chi phí gồm tiền học, ăn ở, sách vở, và tiêu vặt là 51.096 USD/ năm. Nếu bạn giành được một khoảng hỗ trợ 50%, gia đình sẽ đóng 51.096 x 50% = 25.548 USD/ năm.
2. St. Lawrence University (LAC #54) có tổng chi phí là 78.136 USD/ năm. Hỗ trợ 50% tức là mình sẽ đóng 78.136 x 50% = 39.068 USD/ năm.
Cả 2 trường đều cho 50% tổng chi phí, nhưng mức đóng chênh lệch đến gần 14.000 USD/ năm, dễ gây hiểu lầm".
Chính vì vậy, tài chính là một yếu tố rất quan trọng trong quá chính chọn trường. Bạn phải tham khảo ý kiến gia đình, xem bố mẹ sẽ sẵn sàng ủng hộ bao nhiêu cho việc học của bạn. Rồi từ con số đó mới xem xét 4 yếu tố: Cost of attandance (Chi phí tham khảo), Average aid to international students (Mức hỗ trợ trung bình cho sinh viên quốc tế), Student's average contribution (Mức đóng góp trung bình của sinh viên), Percentage of students that receive aid (Số phần trăm sinh viên nhận được hỗ trợ),... Tất nhiên là còn nhiều yếu tố nữa để xem trường có phù hợp với bạn không, nhưng đó sẽ là những yếu tố chính giúp bạn đánh giá là liệu trường có hào phóng với sinh viên quốc tế hay không.
3. Dành nhiều thời gian cho bài luận
An nhận xét, viết luận là một trong những phần "chua" và "khó nhai" nhất. Có rất nhiều lúc 10X đã "mém" trễ deadline của trường vì bài luận. Vì 10X vốn dĩ đã không được tiếp xúc với phong cách viết luận chính xác từ trước, nên câu cú khá dông dài, dùng nhiều câu từ chưa chuẩn xác và còn đậm tư duy dùng tiếng Anh theo logic tiếng Việt.
Không chỉ thế, các đề luận của đại học Mỹ bao gồm cả chính lẫn phụ đều vô cùng súc tích, ngắn gọn và có các đề tài đánh sâu vào tìm hiểu đam mê, giấc mơ, kĩ năng giải quyết vấn đề của học sinh. Mỗi bài luận phải thể hiện rõ nét bạn là ai, bạn muốn gì và tại sao bạn xứng đáng. 10X nghĩ đây đều là điều khá lạ với tư duy của học sinh Việt Nam nói chung.
Minh An đã dành khá nhiều thời gian để lên Youtube, nghe những anh chị đã trúng tuyển vào các trường lớn thuộc khối Ivy League để đọc những bài luận của họ. Tất nhiên cô bạn cũng từng choáng váng, thắc mắc: Làm sao mà họ có thể viết được như vậy? Làm sao để mình cũng viết được?
"Thế nên, lời khuyên của An đó là hãy dành càng nhiều thời gian càng tốt để nghiên cứu về các bài luận, xem thế nào mới là một bài luận tốt, và quan trọng hơn nữa đó chính là tự hỏi bạn là ai, đâu mới là những yếu tố đã hình thành bạn. Vì thông qua bài luận, Ban tuyển sinh sẽ cảm nhận được đam mê, con người và đánh giá bạn có phù hợp với trường hay không", An đưa ra lời khuyên.
4. Tăng tỉ lệ đậu bằng cách thể hiện sự quan tâm đến trường
Trong hàng nghìn học sinh, hàng trăm học sinh quốc tế và hàng chục học sinh Việt Nam đang cùng nộp vào cùng trường hay cùng tranh học bổng với bạn, làm sao để nổi bật? Theo Minh An, nếu trường biết bạn đã có demonstrated interest (sự quan tâm với trường), thì khả năng trúng tuyển sẽ được nhích lên. Lí do là vì các trường đều có một số lượng học sinh có thể nhận mỗi năm và cũng như muốn biết nếu bạn được nhận thì có nhập học hay không.
Cũng theo Minh An, trước COVID và nếu ở gần trường, bạn có thể tham quan campus, liên hệ với Ban tuyển sinh gặp mặt cũng như nói chuyện. Ở Mỹ, đây được coi là informational interview (phỏng vấn thân mật): Một cơ hội để thí sinh gặp gỡ, trao đổi với giáo sư, program staff, học sinh để xem trường này có hợp với mình không. Đây cũng là cách để Ban tuyển sinh nhớ mình rõ hơn khi duyệt đơn nhập học.
Còn trong thời buổi COVID cũng như khoảng cách địa lí, Minh An đã làm những điều như sau:
- Like, follow và tương tác với những trang mạng xã hội của trường.
- Lên trang web của trường và đăng kí newsletter (thư tin). Điều này sẽ giúp bạn biết thêm về trường và cũng như viết được bài luận phụ "Why Us?".
- Email cho bản tin trên websiter của trường (tìm thông tin của họ dễ dàng trên web của trường), giới thiệu bản thân và hỏi những câu hỏi mà bản thân thắc mắc. Đừng hỏi những điều có thể dễ dàng tìm thấy trên web của trường, điều này cũng chứng minh bạn đã có nghiên cứu trường trước khi hỏi.
Email cho international admission officer (nhân viên tuyển sinh quốc tế) của trường xin một Zoom-call tầm 15 phút. Khi email, Minh An thường đính kèm lý lịch của bản thân. Đây là một cách để thực hiện informational interview trong thời buổi COVID, giúp cho Ban tuyển sinh nhớ rõ mình hơn. 10X An Giang đã chuẩn bị khá nhiều để giới thiệu bản thân, làm các mock interviews (các cuộc phỏng vấn giả) và cũng như chuẩn bị câu hỏi cho Ban tuyển sinh. Trong vòng năm ngoái, cô bạn đã có khoảng 10 cuộc informational interviews.
Minh An cũng đưa ra các lưu ý: "Thứ nhất, không phải trường nào cũng cân nhắc yếu tố demonstrated interest của học sinh. Đó đa phần là trường top, được nhận vào là ai cũng muốn đăng ký học như Williams, Harvard, Princeton.
Những trường công siêu to như Penn State, Ohio State cũng không xét vì họ nhận rất nhiều đơn mỗi năm. Nhưng cũng có nhiều trường top cao như Bates College xét yếu tố demonstrated interest ở mức "Important". Nếu muốn biết trường có cần DI không, hãy tra cứu Common Data Set for + tên trường.
Thứ hai, nếu bạn không có demonstrate interest thì được không? Vẫn được! Bạn vẫn có thể tập trung vào những yếu tố quan trọng khác như GPA, hoạt động ngoại khóa và luận. Nhưng nếu bạn tự tin vào khả năng Speaking của mình thì bạn hoàn toàn có thể demonstrate interest để nổi bật hơn trong vô vàn thí sinh và tăng tỉ lệ đậu của bản thân. Nó cũng sẽ thể hiện bạn là một học sinh tự tin và chủ động.
5. Hãy có một người bạn đồng hành
"Tự apply được không? Được. Nhưng sẽ cần rất nhiều sự tự tìm tòi, khả năng quản lý thời gian tốt và nếu lí tưởng hơn nữa là có những người bạn đồng hành. Mình thấy điều này phù hợp hơn với các bạn ở thành phố lớn vì thường các trường lớn ở các TP lớn mỗi năm sẽ có khá nhiều học sinh đi du học, các bạn hoàn toàn có thể kết nối và hỏi họ về quá trình du học.
Thật ra An nghĩ những gia đình và các bạn học sinh ở tỉnh nhỏ như An đều có một tư tưởng mơ hồ như này: Đó là các bạn học sinh xuất sắc sẽ tự tìm được học bổng chứ không cần ai trợ giúp. Các trung tâm du học ở chỗ mình thì có nghĩa là xuất khẩu lao động. Đây là một tư tưởng mà mình cũng không rõ đến từ đâu. Nhưng mình đã có một thời gian khá khó khăn khi bắt đầu tự tìm hiểu, có lẽ là sự thiếu định hướng, không có ai đồng hành bên cạnh và khó khăn trong việc lọc thông tin trong những group du học", Minh An chia sẻ.
10X An Giang bắt đầu tìm hiểu học bổng từ năm lớp 10, nhưng đến năm lớp 12 vẫn chưa thật sự hiểu về quá trình nộp hồ sơ đại học. Sau đó, cô bạn may mắn tìm được người đồng hành, chỉ dẫn cho mình.
6. Thất bại là mẹ thành công
Lần đầu bị từ chối, 10X An Giang cảm thấy nhiệt huyết, cảm xúc dành cho ngôi trường mơ ước đều tan vỡ. Lần thứ 2, thứ 3 bị từ chối, An cảm thấy lo lắng. Lần thứ 5, 6, 7, khi bị từ chối bởi những ngôi trường an toàn với lý do những trường đó không đủ tài chính cấp học bổng cho mình, 10X cảm thấy khó hiểu và giận dữ, với chính bản thân mình.
Lần thứ 8, thứ 9, An bình tĩnh hơn và có phần chấp nhận việc mình có thể không bao giờ đi du học được. "Có lẽ ngay từ đầu, đối với một học sinh quốc tế cần nhiều tài chính như mình thì không có trường nào là safe school.
Sau khi gần như chấp nhận điều đó, mình lại không cảm thấy quá trình của bản thân là vô nghĩa. Ngay cả bây giờ nhìn lại, mình thấy thành quả lớn nhất không phải là hai học bổng toàn phần, mà là một sự trưởng thành vượt trội.
Trong suốt quá trình, cái nhìn của An về Mỹ nói riêng, thế giới nói chung, và quan trọng nhất chính là về bản thân An, đã trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. An biết mình là ai, muốn gì. Và sau 9 lần thất bại, An đã thành công.
Nếu năm nay bạn cũng bị từ chối như An, đừng vội buồn rầu nhé. Mình và bạn bè hay đùa nhau: Du học Mỹ tức là đạng "đánh bạc". Thế nhưng, mỗi sự thất bại là một bài học, là một bước đệm cho bạn đi lên con đường thuộc về bạn. Thất bại hôm nay, sẽ là thành công ngày mai", An đưa ra lời khuyên.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.