Nữ sinh bị sùi mào gà, giang mai cùng lúc
Anh Ngô Tấn Huỳnh (biệt danh Huỳnh Sachi, chuyên viên tư vấn hỗ trợ cộng đồng) chia sẻ, gần đây, anh mới tiếp nhận một nữ sinh viên năm 2 bị giang mai và sùi mào gà cùng lúc.
Cụ thể, cô gái 19 tuổi, lên TP.HCM để học tập như bao bạn bè khác. Cô có ngoại hình xinh đẹp, muốn đi làm thêm để tăng thu nhập. Được vài người bạn giới thiệu vào một nhóm kín, cô làm quen với 2 người đàn ông.
Kết quả ghi nhận, cô và 2 bạn trai đều âm tính với các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Cô cũng yên tâm với "công việc" này.
Một năm sau, cô phát hiện sự bất thường. Nhiều nốt lạ bỗng nhiên mọc lên ở vùng kín, đau khi "quan hệ". Cô quyết định tìm đến anh Ngô Tấn Huỳnh để được kiểm tra và tư vấn.
Nhận thấy đây là một ca bệnh sùi mào gà, anh Huỳnh tiếp tục cho bệnh nhân làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh lây qua đường tình dục khác. Kết quả tiếp tục ghi nhận, bệnh nhân nữ còn bị giang mai.
"Mình khuyên bệnh nhân nên đến bệnh viện Da liễu để điều trị sùi mào gà, giang mai, sau đó cần tiến hành tiêm phòng viêm gan B, dùng PreP để phòng ngừa HIV. Đồng thời thông báo đến 2 bạn tình, để đi tầm soát và cùng điều trị kịp thời, tránh lây bệnh cho những người khác. May mắn, cô gái hiện đã ổn định tâm lý và yên tâm điều trị", anh Huỳnh kể.
Anh Ngô Tấn Huỳnh cảnh báo, hiện nay nhiều bạn trẻ bị ảnh hưởng bởi những trào lưu yêu người có điều kiện (Sugar baby, Sugar daddy...) để được chu cấp về sinh hoạt, tiền ăn học... mà không chú ý giữ an toàn. Bên cạnh nguy cơ lây nhiễm bệnh do không dùng bao cao su khi quan hệ như HIV, giang mai, lậu, sùi mào gà..., phụ nữ còn dễ bị ung thư cổ tử cung.
Trong bất kỳ mối quan hệ nào, chuyên gia khuyên chị em nên sử dụng bao cao su để đảm bảo an toàn tình dục. Bên cạnh đó, chị em nên đi tiêm phòng ung thư cổ tử cung để bảo vệ chính mình.
Một số lưu ý cần nắm rõ khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung
Không chỉ chị em phụ nữ mà cả đàn ông cũng có thể tiêm phòng ung thư cổ tử cung, phòng tránh những rủi ro đáng tiếc cho bạn tình. "Việc tiêm phòng ung thư cổ tử cung không đảm bảo 100% tránh lây nhiễm bệnh nhưng việc tiêm phòng sớm sẽ ngăn chặn tử vong do ung thư cổ tử cung", anh Ngô Tấn Huỳnh nhấn mạnh.
Việc tiêm vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung thực chất là phòng một số type HPV. Hiện tại Bộ Y tế Việt Nam mới cấp phép cho sử dụng vaccine ngừa ung thư cổ tử cung ở độ tuổi từ 9 - 26. Đối với những trường hợp trên 26 tuổi nên đến trung tâm tiêm chủng để bác sĩ có thể tư vấn trực tiếp cho từng trường hợp cụ thể.
Nhiều người khá e ngại, liệu quan hệ tình dục, đã có con hoặc từng nhiễm HPV rồi tiêm ngừa ung thư cổ tử cung liệu còn có tác dụng hay không. Đây là câu hỏi của rất nhiều chị em phụ nữ hiện nay quan tâm. Các chuyên gia cho biết, vaccine phòng ung thư cổ tử cung không có chống chỉ định với người đã có quan hệ tình dục. Vì vậy, người đã quan hệ tình dục, đã có con hoặc đã từng nhiễm HPV vẫn có thể tiêm ngừa vaccine HPV.
“Vaccine phòng ung thư cổ tử cung vẫn có tác dụng khi tiêm cho những người đã từng quan hệ tình dục, thậm chí đã từng nhiễm virus HPV”, anh Ngô Tấn Huỳnh nhấn mạnh. Bởi trên thực tế, virus HPV rất dễ tái nhiễm - tức là sau khi cơ thể đào thải virus vẫn có thể nhiễm lại chúng. Miễn dịch tự nhiên của cơ thể không đủ để phòng được tái nhiễm, nhưng vaccine lại có thể làm được điều này.
Bên cạnh đó, HPV có nhiều loại khác nhau. Việc bạn đã từng bị nhiễm một loại HPV nào trước đây thì vẫn nên tiêm phòng vaccine. Điều này giúp bảo vệ cơ thể tránh lây nhiễm những loại HPV khác.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.