Mới đây, các bác sĩ tại Viện sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho một nữ bệnh nhân tên Q.T.N (học sinh lớp 9, Sóc Sơn, Hà Nội) được chẩn đoán rối loạn hành vi trầm cảm có yếu tố tiền sử.
Theo lời kể của mẹ bệnh nhân, nữ sinh là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh chị em. Từ bé đến khi lớp 6 bệnh nhân học lực giỏi. Tuy nhiên, năm lớp 8 và lớp 9, do dịch phải học online, kỹ năng sử dụng máy tính và tra cứu tài liệu của N không tốt mà khối lượng bài vở nhiều hơn, tốc độ giảng bài của giáo viên cũng nhanh hơn. Điều này khiến cho bệnh nhân không theo kịp bài giảng của giáo viên. Vì vậy, kết quả các bài thi của bệnh nhân chỉ được điểm khá.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như trước năm học lớp 7, nữ sinh vẫn có bạn bè trong lớp nhưng không có bạn thân. N luôn chủ động giúp đỡ các bạn khi cần, ngay cả khi không được yêu cầu. Nhưng ngược lại, khi bệnh nhân cần thì các bạn lại từ chối và thường xuyên xa lánh, chê bai,…
Thêm nữa, N luôn không tự tin về hình thể bản thân, luôn nghĩ rằng mình béo và xấu với số cân nặng 53kg, 156cm.
Từ khi học online, sự tương tác với thầy cô và đặc biệt với các bạn ngày càng ít hơn, khiến bệnh nhân cảm thấy chán nản buồn phiền.
Mẹ N thấy kết quả học tập giảm sút nên đã nhờ cô giáo cho N đến nhà học, các bạn trong lớp biết chuyện thì đã tẩy chay N.
N có yêu đương trên mạng, đối phương học lớp 12, cả hai chưa gặp nhau bên ngoài bao giờ, nhưng bệnh nhân tốn tiền và thời gian để trò chuyện với người yêu.
Bệnh nhân có biểu hiện nặng nhất là vào cuối tháng 10, N chán nản buồn phiền hơn, hay khóc lóc, tự ti bi quan, cảm thấy chán sống, có ý tưởng muốn chết. Sau đó, bệnh nhân giải toả căng thẳng bằng cách dùng mảnh thủy tinh cứa vào cổ tay, vết rạch nông, có chảy ít máu. Sau khi tự làm đau bản thân, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu.
Gia đình đã đưa bệnh nhân đi khám tại viện nhi, được tư vấn tâm lý nhưng không thuyên giảm. Cùng thời điểm này N có triệu chứng hồi hộp, run tay, khám tại viện nhi được chẩn đoán là bệnh cường giáp và được điều trị bằng thuốc.
Đến 21/2, các triệu chứng của bệnh nhân nhiều hơn, N thường xuyên cứa tay làm đau bản thân, ngủ không sâu giấc, gia đình đưa bệnh nhân ra điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán rối loạn hành vi trầm cảm có yếu tố tiền sử.
Điều trị được 13 ngày, N mắc COVID nên gia đình xin ra viện về cách ly và điều trị tại nhà, bệnh nhân uống thuốc theo đơn, tuy nhiên các triệu chứng không thuyên giảm nhiều. N lo lắng về việc mình mắc COVID và biểu hiện hậu COVID.
Triệu chứng rối loạn ngày càng nặng hơn, N thường xuyên nghe tiếng nói trong đầu sỉ nhục mình, nói mình là gánh nặng cho bố mẹ, N được đưa vào viện lần nữa và được chẩn đoán: Hội chứng trầm cảm, yếu tố tiền sử, hành vi tự hủy hoại.
N được điều trị bằng thuốc trầm cảm cùng thư giãn tập luyện, trị liệu tâm lý. Đến nay tinh thần N đã ổn định và có nhiều cải thiện hơn hẳn.
Những dấu hiệu thường có ở người có hành vi tự sát
Theo BSCK2. Nguyễn Hoàng Yến (Phòng trẻ em và thanh thiếu niên, Viện sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai), các biểu hiện thường có ở người có hành vi tự sát bao gồm:
- Ngôn ngữ có lời trực tiếp: thể hiện bằng ý định từ bỏ cuộc sống hoặc cảm thấy mọi thứ đều vô vọng và mong muốn kết thúc tất cả.
- Ngôn ngữ có lời gián tiếp: có thể thể hiện qua những câu nói như "không thấy bất cứ điều gì đáng sống", "chúng ta có lẽ sẽ không gặp nhau nữa"...
- Ngôn ngữ trực tiếp không lời: như mua trữ thuốc, vũ khí..
- Ngôn ngữ gián tiếp không lời: viết thư tuyệt mệnh, vun vén công việc cá nhân, cho những vật gắn bó yêu quý, liên hệ các cơ sở y tế...
https://soha.vn/nu-sinh-lop-9-thoat-tram-cam-nho-dieu-tri-tam-ly-kip-thoi-20220407163456873.htm
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.