Liên tục những ngày qua, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phía Bắc chất lượng không khí cực thấp, AQI đo được duy trì trong ngưỡng tím (rất xấu), thậm chí có lúc chạm ngưỡng nâu – mức cảnh báo nguy hại cho sức khỏe. Không khí ô nhiễm, bụi mịn PM2.5 tăng cao, người dân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, những người có tiền sử bị bệnh hô hấp mạn tính đều đứng trước nỗi lo về sức khỏe.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, làm việc tại khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho rằng, chỉ khi nào giảm bớt được nguồn khí thải và thời tiết chuyển biến tốt, chất lượng không khí ở Hà Nội cùng một số tỉnh miền Bắc mới được cải thiện hơn. “Còn nói bao giờ chấm dứt tình trạng trên thì rất khó”, ông Cơ nói.
Tuy nhiên, GS Cơ nhấn mạnh về yếu tố thời tiết thì con người khó can thiệp. Vì vậy thay vì chờ mưa, Hà Nội nên có những biện pháp cụ thể trước mắt để giảm tình trạng ô nhiễm.
Việc có thể làm ngay của Hà Nội hiện nay đó là hạn chế các nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông, hạ tầng đô thị hay các công trình xây dựng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng đang đưa ra đề án nhằm xóa sổ than tổ ong trong năm 2020 và cấm xe máy trong năm 2030. Theo ông Cơ, những đề án này đang hướng tới việc giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí nhưng lại chưa phù hợp. Bởi nhiều người lao động ở Hà Nội vẫn đang ở mức thu nhập thấp và trung bình. Nên dù có tốt thì những giải pháp trên cũng không phải là cách “dành cho mọi người”.
Tại sao Hà Nội không lên tiếng?
Theo GS Hoàng Xuân Cơ, thời gian qua dù báo chí lên tiếng, chuyên gia lên tiếng, Bộ TNMT và Bộ Y tế lên tiếng, thậm chí bác sĩ cũng đưa ra khuyến/cảnh báo nhưng cho tới thời điểm hiện tại, Hà Nội vẫn chưa có phát ngôn nào giải thích cho người dân hiểu.
Thừa nhận bài toán về ô nhiễm không khí là vấn đề lớn, cần lộ trình, kế hoạch rõ ràng và mất rất nhiều thời gian, nhưng theo ông Cơ khi người dân đang hoang mang thì chính quyền nên lên tiếng, thông tin giải thích rõ cho mọi người.
“Việc ô nhiễm không phải của riêng ai. Bởi vậy, việc chính quyền lên tiếng giải thích là điều cần thiết để trấn an mọi người”, ông Cơ nhấn mạnh.
Là chuyên gia nghiên cứu về môi trường, ông Cơ cho biết, ô nhiễm không khí kéo dài kéo theo chỉ số AQI những ngày qua liên tục báo “tím” có lúc chạm ngưỡng nâu như vậy, nhưng chưa hẳn đánh giá chính xác chất lượng không khí có thực sự ô nhiễm đến vậy hay không.
Nhưng ông cũng lưu ý nguyên nhân khiến Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc bị ô nhiễm không khí chung lại vẫn là do con người, do thói quen sinh hoạt, tập tục kéo dài nhiều năm và cũng bắt nguồn từ quá trình đô thị hóa gây nên.
“Nếu nói là vì sao không khí ô nhiễm thì tôi tôi nghĩ là do tất cả chúng ta, đừng đổ lỗi cho ai cả. Chính phương tiện hàng ngày chúng ta đi, nhà chúng ta xây và thói quen xấu kéo dài nhiều năm nay khiến cho không khí ô nhiễm, biến đổi khí hậu ngày càng rõ. Tất nhiên muốn phát triển thì phải đánh đổi, nhưng không phải đánh đổi bằng mọi giá”, GS Cơ nói.
Người dân nên làm gì?
Theo BS CKII Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương, với tình trạng không khí ô nhiễm nặng như hiện nay, không riêng gì người già, trẻ nhỏ hoặc những người có tiền sử mắc bệnh về hô hấp mãn tính hay tim mạch, có xu hướng cần hít thở nhiều mà cả người bình thường trong những ngày này cũng nên hạn chế ra đường.
Nếu bất đắc dĩ có việc phải ra ngoài, người dân cần thực hiện những lưu ý sau:
- Đeo khẩu trang hoạt tính: Những loại khẩu trang này sẽ làm giảm số lượng các chất ô nhiễm hít phải, ngăn ngừa các vấn đề về hô hấp như: ngứa cổ họng, khó thở, thở khò khè, ho…
- Đeo kính để bảo vệ mắt, giảm tác hại của không khí ô nhiễm. Nhỏ dung dịch làm sạch và khử trùng mắt sau khi về nhà.
- Tránh lui tới những nơi có đông phương tiện qua lại, khu vực đông đúc, khu công nghiệp, gần đường cao tốc hoặc đường lớn.
- Nếu nhà ngay mặt đường, tránh mở cửa sổ phía ngoài đường. Nếu đó là cửa sổ duy nhất trong nhà, hãy mở khi thời tiết mát mẻ, trời tối, ít phương tiện qua lại.
- Tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch bằng việc thường xuyên tập thể dục cũng như thay đổi chế độ ăn tốt cho sức khỏe. Tránh tập thể dục, hoạt động thể chất vào giờ cao điểm để hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
- Chú ý chế độ ăn uống với các loại thực phẩm giàu vitamin, rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước để giúp cơ thể tăng sức đề kháng, miễn dịch, hỗ trợ cơ thể dẻo dai có khả năng loại bỏ độc tố, chống lại bệnh tật.
- Hạn chế đốt nhiều vàng mã, giấy và than tổ ong để giảm thiểu tối đa mức độ ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm. Sau khi từ bên ngoài về, nên rửa sạch mặt, mũi, nhỏ nước rửa mắt, mũi để trôi sạch bụi bẩn.
- Người Hà Nội và vùng bị ô nhiễm nên hạn chế tập thể dục buổi sáng, bởi quá trình tập thể dục khiến lượng bụi vào cơ thể nhiều hơn.
Đợt ô nhiễm không khí tại Hà Nội bắt đầu từ 8/12, khi chỉ số chất lượng không khí liên tục duy trì ở ngưỡng tím – rất xấu (AQI >200). Tiêu biểu là các khu vực Thành Công, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Cừ…
Đặc biệt, theo thống kê của ứng dụng Airvisual, có những thời điểm ngày 14/12, AQI một số khu vực tại Hà Nội vượt ngưỡng tím lên nâu – nguy hại (AQI>300), bao gồm: Hồ Tây, 412, Sài Đồng (Long Biên) 357, Tô Ngọc Vân 359.
Ứng dụng PAMair cũng đưa ra bảng đo chất lượng không khí của Hà Nội “dày đặc” màu tím với ngưỡng rất xấu.
Nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân, ngày 14/12 vừa qua, Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng đưa ra những khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội có xu hướng ngày càng phức tạp. Do vậy, thành phố nên đưa ra nhiều biện pháp khẩn cấp để cải thiện tình trạng này, nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.