Oái oăm 2 "trường phái" đặt tên cháu gái của bà nội và bà ngoại

Anh Phạm Văn Hà (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể lại câu chuyện 'gian nan' đặt tên cho con gái mình, đứa cháu gái duy nhất của nhà nội, nhà ngoại.

Năm 2019, gia đình anh Hà chào đón người con thứ hai. Con đầu là con trai, hơn nữa bà nội, bà ngoại đều có nhiều cháu trai nên rất mong có cô cháu gái này.

Khi vợ anh mang thai biết là con gái, hai gia đình đã bắt đầu nghĩ tên đặt cho bé như thế nào. Gia đình nhà vợ anh ở Hà Nội, lại có nhiều người sống ở nước ngoài nên bà ngoại rất “sính” tên Tây.

Trong khi đó, nhà nội lại sống ở quê. Ông bà nội cũng có 4 cháu trai nên rất mong ngóng cháu gái và cũng tự nghĩ ra tên cho cháu gái. Bà nội nhờ thầy xem tướng ở quê tìm tên hay cho cháu gái. Bà muốn tên cháu vừa hay vừa phải đảm bảo nguồn cội.

Vợ chồng anh Hà đứng giữa không biết đặt tên con như thế nào. Vợ anh thì rất "AQ", hầu như đều để ông bà đặt tên cho các cháu. Anh Hà càng không quan trọng tên, dù sao cứ có tên để gọi là được, không nên quá xấu.

Oái oăm 2

Ảnh minh họa.

Bà nội muốn tên cháu là những loài cây tùng, cúc, trúc, mai... vì cháu mệnh mộc nên sau này cháu lớn lên cái tên của cháu sẽ dưỡng chính mệnh cháu. Đó là lý giải của bà nội. Sau khi lọc hết tên trùng với các cụ trưởng bối trong họ, bà quyết đặt tên cháu là Trúc.

Thế nhưng bà ngoại chê tên Trúc "quê", bà ngoại cũng cố tìm cho cháu một cái tên hay nhưng luôn gắn thêm 1 từ tiếng Anh. Bà ngoại muốn cháu giống 2 anh đang sống ở Canada phải thêm chữ Jenny, Kennedy hoặc Jimmy vào tên để sau này tương lai cháu ra nước ngoài sẽ dễ phiên âm tên hơn.

Bà ngoại sính ngoại, bà nội sính nội. Hai vợ chồng anh Hà đau đầu chẳng kém gì vì sợ đặt tên nào cũng khiến hai bên nội ngoại phật lòng.

Cuối cùng, khi sinh con ra vợ chồng anh Hà tạm bỏ trống tên con trong giấy chứng sinh vì xin nghĩ tên sau.

Một tuần liền, hai vợ chồng anh Hà âm thầm bàn bạc nhau và chọn tên cháu là Phạm Nguyễn An Na vừa thỏa mãn hai bà, vừa phù hợp với pháp luật Việt Nam về Luật Hộ tịch.

Theo anh Hà, bà nội thích cháu tên loài cây và phải có nguồn cội nên anh chọn cây "Na" đặt tên con. Bà ngoại sính ngoại phải có tý tây tây nên anh chọn "An Na". Viết kiểu gì cũng rất Tây và nguồn cội.

Xu hướng đặt tên con sính ngoại

Theo chuyên gia xã hội học PGS. Trịnh Hòa Bình, trường hợp như nhà anh Hà cũng không phải hiếm, có nhiều người thích đặt tên con cháu kèm theo tên tiếng Anh.

Tên nước ngoài kèm theo họ Việt xưa nay không phải là ít, song phần lớn những tên gọi này có nguồn gốc từ những cuộc hôn nhân của một bộ phận người Việt với người nước ngoài, hay người Việt sống ở nước ngoài nhiều năm, họ sinh con đẻ cái tại nước đó và đặt tên con như một cách giúp đứa trẻ hoà nhập với môi trường học tập tại những nước này.

Thậm chí, nhiều ông bố, bà mẹ không biết một chữ tiếng Anh nhưng vẫn đặt tên con như thế. PGS. Trịnh Hòa Bình cho rằng đó là do xu hướng phim ảnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ. Đây là một điều đáng buồn trong xã hội hiện nay, trẻ học đòi theo phương Tây đến mức cái tên cha mẹ đặt cho cũng không thích mà chỉ thích tên ngoại.

Khi đặt tên, vị chuyên gia xã hội học cho rằng cái tên không chỉ là để gọi, để phân biệt người này với người khác mà còn chứa đựng biết bao sự mong muốn, sự kỳ vọng và bản sắc của dân tộc. Tên nước ngoài nghe hiện đại, lạ tai nhưng không thể hiện được cảm xúc, không tạo ra sự thân mật, gắn bó.

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang