BS Phí Văn Công: Nếu bố mẹ không từ bỏ thói quen này, có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của con

Có rất nhiều thói quen ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ mà bố mẹ vẫn nghĩ là bình thường.

Nếu cơ thể trẻ có miễn dịch tốt sẽ giúp trẻ có sức đề kháng để vượt qua những bệnh tật tấn công. Vì vậy, những giải đáp dưới đây của bác sĩ Phí Văn Công - Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội) xung quanh chủ đề này sẽ cung cấp những thông tin giúp các bố mẹ nắm rõ hơn về tầm quan trọng của miễn dịch, cũng như những thói quen gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ.

Hệ miễn dịch có vai trò quan trọng như thế nào đến sự phát triển của trẻ nhỏ?

Hệ miễn dịch của trẻ trong độ tuổi từ 0-3 tuổi còn yếu và chưa hoàn thiện, do đó đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Cơ thể có các cách khác nhau để tự bảo vệ mình khỏi các yếu tố gây hại. Ví dụ như da cũng là một hàng rào bảo vệ như vậy. Da có nhiều lớp và lớp ngoài cùng là lớp thượng bì, không thấm nước cũng như không cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus xâm nhập qua. Từ đó, khi cơ thể tiếp xúc với rất nhiều bụi bẩn bên ngoài, nhưng nếu da còn nguyên vẹn thì các tác nhân đó chỉ dừng lại ở bên ngoài mà thôi.

Trong trường hợp da bị tổn thương, chẳng hạn như trầy xước. Khi đó, vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào cơ thể qua vết thương đó. Nhưng vi khuẩn không dễ dàng xâm nhập như vậy, khi tiếp cận đến vết thương đó, vi khuẩn lại gặp phải sự chống đỡ khác của cơ thể là các tế bào bạch cầu. Phải vượt qua các lớp như vậy thì các tác nhân gây bệnh mới có thể gây bệnh cho cơ thể. Do đó, nếu hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh, để vượt qua những hàng rào như vậy không phải dễ. Nhưng nếu hệ miễn dịch của trẻ yếu, việc đó lại đơn giản hơn và trẻ dễ bị ốm hơn.

Từ khi còn trong bụng mẹ, hệ miễn dịch của trẻ đã bắt đầu hình thành để bảo vệ cơ thể. Giống “mỗi lần vấp ngã là một lần đứng dậy và mạnh mẽ hơn”, hệ miễn dịch của trẻ cũng vậy. Qua quá trình lớn lên, cơ thể trẻ “va vấp”, tiếp xúc với nhiều tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus… dần dần hệ miễn dịch trẻ hoàn thiện hơn.

BS Phí Văn Công: Nếu bố mẹ không từ bỏ thói quen này, có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của con - Ảnh 1.
 

Hệ miễn dịch khỏe mạnh có tính quyết định đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Một trẻ có hệ miễn dịch yếu (suy giảm miễn dịch), trẻ ốm nhiều và nặng hơn các trẻ khác, từ đó trẻ cũng ăn kém hơn, hấp thu dinh dưỡng kém hơn và phát triển kém hơn các trẻ khác. Ngược lại trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh thì ít ốm hơn, từ đó phát triển cũng tốt hơn các trẻ cùng trang lứa.

Vì sao ở độ tuổi từ 0-3 là giai đoạn trẻ hay bị ốm vặt, đặc biệt là những bệnh liên quan đến hệ hô hấp như: viêm phế quản, viêm phổi, tai mũi họng…?

Như đã nói ở trên, không phải tự nhiên mà trẻ có được một hệ miễn dịch khỏe mạnh như người trưởng thành. Phải trải qua quá trình tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh thì hệ miễn dịch của trẻ mới được rèn luyện để hoàn thiện. Trẻ càng nhỏ càng ít tiếp xúc với các mầm bệnh, lớn dần thì tiếp xúc nhiều dần. Đến khi trẻ tiếp xúc hết với các nguyên nhân gây bệnh chủ yếu thì cũng là lúc hệ miễn dịch của trẻ hoàn thiện (đối với trẻ bình thường).

Trẻ dưới 6 tháng tuổi, nếu được bú sữa mẹ hoàn toàn thì ít ốm hơn do trẻ được nhận kháng thể từ mẹ truyền sang qua sữa.

Khi trẻ ngoài 6 tháng, lượng sữa mẹ ít dần, trẻ cũng được cho ra môi trường ngoài nhiều hơn, từ đây trẻ bắt đầu “con đường” ốm của mình. “Con đường” này là tất yếu và trẻ nào cũng phải trải qua.

Đến khi trẻ bắt đầu đi lớp, trẻ ốm nhiều hơn, nhất là các bệnh lý của đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản… vì trẻ lây nhau. Chỉ cần 1 trẻ bị ốm, chơi cùng nhau, nếu không giữ gìn vệ sinh tốt, trẻ nọ ho ra, trẻ kia nhận lấy thì rất dễ lây.

Thường đến ngoài 3 tuổi, trẻ đã tiếp xúc với nhiều tác nhân gây bệnh, hệ miễn dịch của trẻ cũng đã đươc “rèn luyện” nhiều và trở nên khỏe mạnh hơn.

Những thói quen nào của người lớn vô tình gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ nhỏ?

Thực ra, hiện nay chúng ta đang có rất nhiều thói quen ảnh hưởng không tốt đến trẻ mà chúng ta vẫn đang nghĩ là bình thường. Lấy ví dụ như thói quen “tự nhận mình là bác sĩ”. Khi con bị ốm, rất nhiều người trong chúng ta (không phải tất cả) đều đoán con bị cái này, con bị cái kia. Từ đó ra hiệu thuốc, kể đôi ba triệu chứng. Cô bán thuốc cũng nhanh tay “bốc” cho vài thuốc, rồi bố mẹ về cho trẻ uống. Câu chuyện bệnh và điều trị bệnh không đơn giản như vậy. Nhiều khi thăm khám kỹ càng cũng chưa chắc điều trị khỏi và dứt điểm.

Khi được bác sĩ khám bệnh, chẩn đoán ra bệnh rồi kê đơn thì đơn thuốc đó đã được cân nhắc kỹ càng về tác dụng của thuốc đối với con và các tác dụng phụ có thể gặp phải (bất cứ thuốc nào cũng có thể xảy ra tác dụng phụ).

Thuốc được chia ra làm 2 loại: Thuốc kê đơn (cần có chỉ định của bác sĩ) và thuốc không kê đơn (có thể tự mua mà không cần bác sĩ chỉ định). Thuốc kê đơn là thuốc cần cân nhắc kỹ càng trước khi uống vì có thể có tác dụng phụ gây nguy hiểm nếu không dùng đúng liều lượng và độ tuổi.

BS Phí Văn Công: Nếu bố mẹ không từ bỏ thói quen này, có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của con - Ảnh 3.

Thuốc kê đơn là thuốc cần cân nhắc kỹ càng trước khi uống vì có thể có tác dụng phụ gây nguy hiểm nếu không dùng đúng liều lượng và độ tuổi (Ảnh minh họa).

Thêm một mối lo nữa chính là việc hiện nay ngoài thị trường, thuốc kê đơn đang được bán quá dễ dàng ngoài, nhất là kháng sinh.

Bản thân tôi thấy, có rất nhiều trường hợp viêm mũi họng, viêm đường hô hấp trên chủ yếu do virus gây ra và các triệu chứng của bệnh nhân cũng hướng đến một bệnh lý do virus (kháng sinh không diệt được virus) nhưng khi phụ huynh tự đi mua thuốc cho con, lại được một túi thuốc xanh, đỏ, tím, vàng, kháng sinh đủ loại mang về và bố mẹ vô tư cho con uống. Chính việc uống kháng sinh không đúng như vậy làm phát triển sự kháng thuốc của vi khuẩn, dẫn đến việc điều trị khó khăn hơn.

Đó là một ví dụ điển hình về thói quen của bố mẹ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Tất nhiên, rất nhiều người (không phải tất cả) đang coi đó là việc bình thường. Thế nhưng, đây không phải điều chúng ta nên làm khi muốn con trẻ phát triển hoàn thiện hệ miễn dịch, thay vào đó hãy từ bỏ thói quen tự ý kê đơn và tuyệt đối không cho trẻ uống kháng sinh trong trường hợp chưa thật sự cần thiết.

 

Link gốc: https://lotus.vn/w/blog/bs-cong-neu-bo-me-khong-tu-bo-thoi-quen-nay-co-the-anh-huong-den-he-mien-dich-cua-con-160524385006842485.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang