Our Blues lãng mạn hoá việc mang thai tuổi vị thành niên: Nỗi lo giới trẻ bị đầu độc

Việc hai nhân vật Young Joo (Roh Yoon Seo) và Jung Hyun (Bae Hyun Sung) mang thai ngoài ý muốn đang được che lấp bởi câu chuyện tình yêu trong Our Blues. Khán giả cùng giới chuyên môn tranh cãi và cho rằng đây là hướng đi đáng tiếc của phim.

Our Blues là một trong những dự án phim được quan tâm gần đây khi quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng. Tuy nhiên, phim cũng vấp phải tranh cãi vì mối quan hệ giữa hai nhân vật Young Joo (Roh Yoon Seo) và Jung Hyun (Bae Hyun Sung). Hai học sinh xuất sắc có mối quan hệ tình cảm rồi đi quá giới hạn và Young Joo mang thai.

Từ đây, tranh cãi nổ ra vì ê-kíp cố lãng mạn hoá việc mang thai khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chuyên gia cho rằng tô hồng việc mang thai ngoài ý muốn ở tuổi đời quá trẻ như cách ê-kíp phim Our Blues đang làm có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ. Khán giả trẻ khi xem phim có thể xem nhẹ vấn đề này dẫn đến việc quan hệ và mang thai quá sớm.

Lãng mạn hoá việc mang thai ở tuổi vị thành niên

Young Joo là một sinh viên kiểu mẫu có ước mơ vào đại học ở Seoul. Young Joo coi đảo Jeju - nơi cô sống từ nhỏ - như một ngôi làng buồn tẻ. Ban đầu khi phát hiện có thai với bạn trai Jung Hyun, Young Joo quyết định bỏ cái thai. Bất chấp việc ban trai can ngăn, Young Joo tỏ thái độ cương quyết.

Young Joo và bạn trai quyết định đến một cơ sở chuyên phẫu thuật phá thai. Khi hai người bước vào phòng siêu âm, bác sĩ giải thích vị trí đầu, tay, chân của thai nhi. Bác sĩ nói thai nhi có sức khoẻ tốt và đề nghị hai người nghe tim thai. Young Joo khi đó phản ứng mạnh. Cô liên tục nói: "Bác sĩ đừng làm như vậy, em sợ lắm. Làm ơn, em không muốn nghe".

Khi rời bệnh viện và về nhà, Young Joo nói với bạn trai: "Em thực sự chỉ tin tưởng anh". Chủ đề mang thai ở tuổi vị thành niên ở Our Blues đang được gói gọn trong câu chuyện tình yêu giữa hai nhân vật. Việc mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên được ê-kíp phim xây dựng theo hướng lãng mạn, đặc biệt sau khi nhân vật nữ nghe tim thai và quyết định sinh con.

Our Blues lãng mạn hoá việc mang thai tuổi vị thành niên: Nỗi lo giới trẻ bị đầu độc - Ảnh 1.
Our Blues lãng mạn hoá việc mang thai tuổi vị thành niên: Nỗi lo giới trẻ bị đầu độc - Ảnh 2.

Young Joo mang thai khi đang đi học

Trong cảnh Young Joo nói chỉ tin tưởng bạn trai, bầu trời bất ngờ đổ mưa dù trước đó hoàn toàn tạnh ráo và không có dấu hiệu nào của việc mưa rơi. Hai người mỉm cười sau đó hôn nhau. Một đoạn nhạc lãng mạn được phát lên và xoá bỏ luôn vấn đề đáng lo ngại là mang thai ở độ tuổi quá trẻ. Lúc này, tình yêu của các nhân vật trẻ được tôn vinh dù vấn đề của cái thai chưa được giải quyết.

Hành vi của bác sĩ trong bộ phim càng khó hiểu. Là một trung tâm chuyên phá thai nhưng người này nói sức khoẻ của đứa trẻ tốt và đề nghị hai người nghe nhịp tim của thai nhi. Đây là hành động được đánh giá không thực tế.

Một bộ phim có nhiều đối tượng người xem, đặc biệt khán giả trẻ như Our Blues lãng mạn hoá việc có thai ở tuổi vị thành niên được đánh giá là gây nguy hại cho giới trẻ. Sự lãng mạn mà Our Blues dựng lên có thể khiến giới trẻ lầm tưởng và bớt cảnh giác về việc mang thai ngoài ý muốn.

Chưa kể, nó che đậy thực tế khắc nghiệt của việc làm cha mẹ ở tuổi vị thành niên và trước hôn nhân ở Hàn Quốc nói riêng, trên thế giới nói chung. Từ đó có thể dẫn đến tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn cao, đồng nghĩa tỷ lệ phá thai cao. Việc này không chỉ ảnh hưởng tương lai mà quan trọng là vấn đề sức khỏe của các bà mẹ trẻ. Theo khán giả, bộ phim nên xây dựng tình tiết theo hướng giáo dục giới trẻ, quan hệ an toàn thay vì tô hồng một vấn đề nghiêm trọng.

Our Blues lãng mạn hoá việc mang thai tuổi vị thành niên: Nỗi lo giới trẻ bị đầu độc - Ảnh 3.

Việc bộ phim tạo tình tiết lãng mạn xoay quanh chuyện mang thai ngoài ý muốn khiến khán giả giận dữ

Thực tế khắc nghiệt của việc làm cha mẹ ở tuổi vị thành niên

Vào ngày 11/ 4/2019, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã ra phán quyết rằng tội phá thai là vi hiến, tuyên bố rằng quyền tự quyết của phụ nữ cần được tôn trọng và tội phá thai trở nên vô hiệu vào ngày 1/1/2021. Vẫn còn một chặng đường dài phía trước nếu không có sự bổ sung thể chế, nhưng chừng nào hệ thống phá thai bị bãi bỏ thì phá thai là quyền chứ không phải tội ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông vẫn ở ngoài đó và kể những câu chuyện thật đáng buồn, tội lỗi cho những ai đang có ý định phá thai. Họ cũng chỉ trích gay gắt vấn đề việc mang thai ngoài ý muốn khi tuổi đời còn quá trẻ và rồi quyết định nạo phá thai.

Theo tờ Herald POP của Hàn Quốc, các chuyên gia lo ngại về văn hóa tình dục của thanh thiếu niên đang bị đặt trong một môi trường nghèo nàn. Năm 2018, độ tuổi trung bình của trẻ vị thành niên quan hệ tình dục lần đầu giảm xuống còn 13,6 tuổi.

Tờ Oh My News trích dẫn một cuộc khảo sát do Smart School Uniform thực hiện trên 689 thanh thiếu niên. 64,7% số người được hỏi trả lời rằng cảm thấy tiêu cực với việc sinh con (21,9% trả lời rất tiêu cực). Đây là con số áp đảo. Điều tra của Cục Thống kê Quốc gia (năm 2020) cho thấy số thanh thiếu niên sinh con trong một năm là 918 em. 11 người trong số đó dưới 15 tuổi.

Our Blues lãng mạn hoá việc mang thai tuổi vị thành niên: Nỗi lo giới trẻ bị đầu độc - Ảnh 4.

Young Joo sốc khi đối mặt với việc mang thai ngoài ý muốn

Our Blues lãng mạn hoá việc mang thai tuổi vị thành niên: Nỗi lo giới trẻ bị đầu độc - Ảnh 5.

Nói với Herald POP, các chuyên gia cho rằng vai trò của người lớn là giúp những thanh thiếu niên chưa hình thành khái niệm tình dục đúng đắn đối mặt với mức độ nguy hiểm của việc mang thai ở tuổi vị thành niên, khi cơ thể họ chưa trưởng thành. Đồng thời, cho họ thấy thực tế sau khi sinh con rất khốc liệt, chứ không lãng mạn, nhẹ nhàng như một bộ phim hay một vở kịch.

Gần đây, có một chương trình đề cập đến thực trạng mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên. Đó là chương trình tạp kỹ High School Mom And Dad của đài MBN. High School Mom And Dad cũng nhận nhiều lời nhận xét tiêu cực vào thời điểm ra mắt.

Sự chỉ trích vẫn tồn tại xoay quanh High School Mom And Dad nhưng vì là một chương trình tạp kỹ nên nó cho thấy thực tế rõ ràng và chân thực hơn về những gì các bậc cha mẹ ở lứa tuổi thanh thiếu niên phải đối mặt. Chương trình thuê những người hướng dẫn giáo dục giới tính và cố vấn tâm lý để chẩn đoán vấn đề đồng thời rút ra những khía cạnh giáo dục từ câu chuyện của các ông bố, bà mẹ trẻ.

Lee Si Hoon, một giảng viên giáo dục giới tính xuất hiện trong High School Mom And Dad nhấn mạnh: "Tôi nghĩ việc người lớn không giáo dục trẻ em là một điều vô trách nhiệm".

Giới chuyên gia cho rằng thật đáng tiếc cho một bộ phim truyền hình như Our Blues lại thiếu nội dung giáo dục. Việc hai học sinh trung học mang thai chỉ được dùng làm tư liệu để thể hiện tình yêu là không phù hợp với xu hướng của thời đại. Những câu chuyện mang thai ở tuổi vị thành niên này có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ vị thành niên.

Nguồn ảnh: tvN

 

Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/our-blues-lang-man-hoa-viec-mang-thai-tuoi-vi-thanh-nien-noi-lo-gioi-tre-bi-dau-doc-162220505200024526.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang