Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, thật ra vẫn chưa có có câu trả lời rõ ràng tại sao số ca mắc giảm mạnh và chính phủ Nhật Bản cũng vẫn đang đi tìm nguyên nhân của hiện tượng này trên cả phương diện khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Mặc dù vậy, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu vẫn cố tìm hiểu nguyên do từ giới y khoa và từ chính những người dân mà ông đã gặp. Từ những gì quan sát được, theo ông có 3 nguyên nhân dẫn tới việc các ca nhiễm ở Nhật Bản giảm đột ngột, đó là:
1. Mức độ phủ vaccine cao
Không thể phủ nhận vai trò của vaccine. Hiện nay tiến độ phủ vaccine của Nhật rất tốt. Thời gian tiêm cũng đã đủ để vaccine phát huy tối đa tác dụng phòng vệ. Cho đến nay, đã có 79,2% người dân (100triệu/125,8 triệu dân) tiêm mũi 1 và 76,9% tiêm đủ 2 mũi. Đây là yếu tố quan trọng trong thành quả chống dịch của Nhật Bản.
2. Thay đổi chiến lược xét nghiệm
Chiến lược xét nghiệm tại Nhật Bản có thay đổi. Họ chỉ xét nghiệm miễn phí những người có triệu chứng nghi nhiễm virus và những người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh. Ngoài ra, chính phủ Nhật vừa bổ sung khoản ngân sách để làm xét nghiệm PCR miễn phí cho những người không thể tiêm vaccine. Chính sách này kéo dài đến tháng 3/2022.
Những đối tượng khác muốn xét nghiệm sẽ phải tự trả tiền (ví dụ nhóm chuyên gia bao gồm PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nếu muốn đăng ký xét nghiệm PCR tại Nhật sẽ phải trả chi phí khoảng 200USD).
Ngoài ra, người dân có thể mua test nhanh kháng nguyên đang được bán tự do ở ngoài để tự kiểm tra, tuy nhiên, theo PSG Hiếu quan sát, rất ít người dân làm điều này. Số lượng xét nghiệm trên toàn quốc giảm đi rõ rệt so với lúc cao điểm. Cũng có khả năng người nhiễm không có triệu chứng nên không xét nghiệm và tự khỏi.
3. Tuân thủ 5K
Tuân thủ 5K là "đặc sản" của người Nhật. Đeo khẩu trang đã thành thói quen ngấm sâu vào ý thức của họ. Thậm chí, một người bạn Nhật Bản của PGS Hiếu cho hay, nếu không đeo khẩu trang cô cảm thấy mình đang bị thiếu một cái gì đó.
Hơn nữa, người Nhật thường không nói chuyện ở nơi công cộng. Những việc tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại có ý nghĩa lớn trong việc phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.
Tất nhiên còn nhiều yếu tố khác cần phân tích như thuyết virus "tự hủy" do nhà di truyền Ituro Inoue đặt ra. Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn chưa được kiểm chứng. Những người đồng nghiệp Nhật Bản của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đang đi tìm hiểu giả thuyết này, trong khi những người đồng nghiệp khác tại Nara lại cho rằng người Nhật có hệ miễn dịch đặc biệt. Tuy nhiên, họ vẫn chưa trả lời được câu hỏi vì sao có thời điểm số ca mắc mới tại Nhật lên tới gần 20.000 người/ngày.
COVID-19 vẫn còn là bài toán khó cho nhân loại nhưng PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng chính tâm lý bình tĩnh, không run sợ trước loại virus này là sức mạnh giúp người Nhật đánh bại được chúng.
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.