Làn sóng Covid-19 lần thứ hai càn quét qua nước Pháp
Trong nhiều tháng qua, nước Pháp áp đặt ngày càng nhiều các biện pháp để chống dịch Covid-19 nhưng tất cả đều chưa có hiệu quả. Ngày 30/10, nước này chính thức bước vào giai đoạn tái phong tỏa toàn quốc. Tuy nhiên, theo giới khoa học, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 2 này còn khốc liệt hơn rất nhiều so với làn sóng đầu tiên, xảy ra vào cuối năm 2019, đầu năm 2020. Quá trình tái phong tỏa toàn quốc tại Pháp khả năng còn kéo dài đến hết năm 2020, thậm chí lâu hơn.
Làn sóng dịch Covid-19 đầu năm 2020 tại Pháp đã khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng, hàng trăm nghìn ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được chính thức xác nhận thông qua xét nghiệm, bên cạnh con số hàng triệu ca nhiễm theo ước tính của các bác sĩ. Các bệnh viện quá tải bệnh nhân nhập viện điều trị các triệu chứng của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là các phòng cấp cứu luôn rơi vào tình trạng hoạt động vượt quá công suất. Sau quá trình phong tỏa kéo dài gần hai tháng (từ 16/3 - 11/5), nước Pháp dỡ dần phong tỏa. Dịch bệnh tạm lắng giúp nước Pháp có thời gian nghỉ ngơi, hệ thống bệnh viện được giải tỏa.
Làn sóng dịch đầu năm 2020 đã làm bộc lộ nhiều bất cập của nước Pháp trong chống dịch, từ thái độ chủ quan trước dịch bệnh của cả lãnh đạo chính trị cũng như người dân, tới tình trạng thiếu thốn trang thiết bị y tế (khẩu trang, nước rửa tay, xét nghiệm…). Sau khi dịch bệnh tạm lắng, một cuộc điều tra về cách thức quản lý dịch bệnh đã được tiến hành với mục tiêu rút ra các bài học để chống chọi với các đợt dịch sau. Hàng loạt quan chức y tế, lãnh đạo chính phủ và các bộ ngành phải lần lượt điều trần trước Quốc hội Pháp. Gần nhất là hồi giữa tháng 10/2020, cơ quan chức năng đã khám xét nơi ở và nơi làm việc của cựu Thủ tướng Edouard Philippe, cựu Bộ trưởng Y tế Agnès Buzyn và đương kim Bộ trưởng Y tế Olivier Véran, những người có vai trò quyết định trong quản lý dịch Covid-19, để phục vụ điều tra.
Những tưởng khi đã rút ra nhiều bài học xương máu từ đợt dịch đầu tiên, có thời gian hàng tháng nghỉ ngơi, có tâm thế chủ động trong đón nhận làn sóng dịch thứ 2, thì nước Pháp sẽ khống chế được dịch bệnh ngay khi nó có dấu hiệu bùng phát trở lại. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một kịch bản khác, dịch Covid-19 cứ tăng tốc mỗi ngày, dù chính phủ Pháp có làm gì, áp dụng bao nhiêu biện pháp. Trước khi buộc phải phong tỏa toàn quốc lần thứ hai, Pháp đã phải áp đặt lệnh giới nghiêm tại 9 khu vực đô thị lớn trên toàn quốc, rồi mở rộng ra 54 tỉnh thành. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm được đánh giá là vô tác dụng và lãng phí thời gian, khi người dân nước này chỉ điều chỉnh thời gian sinh hoạt mà không hề giảm tiếp xúc.
Tái phong tỏa – lựa chọn không thể tránh khỏi
Và rồi việc Tổng thống Pháp công bố tái phong tỏa toàn quốc chẳng hề gây bất ngờ với ai, kể cả người dân chứ chưa nói đến giới khoa học. Tái phong tỏa toàn quốc tại Pháp là điều không thể tránh khỏi và có thể được coi là thất bại toàn diện của chính phủ Pháp trong quản lý dịch Covid-19.
Trong những ngày cuối tháng 10/2020, tất cả các chỉ số liên quan dịch Covid-19 đều bùng nổ (số lượng ca nhiễm mới hàng ngày lên tới hơn 50.000 ca, thực tế khoảng 200.000 ca mỗi ngày theo các nhà khoa học; số người chết vì Covid-19 có ngày đã vượt quá 500 người (trong cả hệ thống bệnh viện và các trung tâm chăm sóc người cao tuổi), cao hơn cả giai đoạn dịch đầu năm; số ca nhập viện cấp cứu lúc đó đã là khoảng 3 nghìn ca, chiếm hơn 1 nửa khả năng tối đa của hệ thống bệnh viện).
Vài giờ trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực, Bộ trưởng Y tế nước này thừa nhận, trong 2 tuần (tức là đến giữa tháng 11), số ca nhập viện cấp cứu sẽ ngang bằng hoặc nhiều hơn số ca trong thời kỳ đỉnh dịch hồi tháng tư (khi đó là hơn 7.000 ca cấp cứu), cho dù nước Pháp có làm bất cứ điều gì cũng không thể thay đổi được tình thế.
Thực tế, làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 này còn mạnh hơn nhiều so với làn sóng dịch đầu năm. Đến ngày 28/10, các nhà khoa học Pháp thừa nhận, còn lâu nước này mới đạt đỉnh dịch trong đợt dịch thứ 2. Các nhà khoa học trong Hội đồng khoa học (đơn vị tập hợp các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực dich tễ học, có nhiệm vụ tư vấn cho chính phủ Pháp các biện pháp quản lý dịch Covid-19) phải thừa nhận bị bất ngờ bởi tính khốc liệt của làn sóng dịch thứ hai này.
Hội đồng này cũng thừa nhận, làn sóng thứ hai này mạnh hơn và còn có thể kéo dài hơn trong nhiều tháng nữa, trước mắt nước Pháp sẽ là nhiều tháng khó khăn chồng chất. Tính đến ngày 2/11, Pháp đã ghi nhận hơn 37.000 ca tử vong kể từ đầu năm, với hơn 3.700 ca cấp cứu trong hệ thống bệnh viện. Theo các nhà khoa học, số ca cấp cứu trong giai đoạn đỉnh dịch thứ hai này có thể lên tới 9.000 ca, so với hơn 7.000 ca trong đỉnh địch đầu năm.
Cũng theo ước tính, đến ngày 12/11, Pháp sẽ đón nhận khoảng 6.000 – 6.600 ca cấp cứu, trên tổng số 6.300 giường bệnh cấp cứu. Hệ thống bệnh viện sẽ chứng kiến áp lực như giai đoạn đầu năm, thậm chí hơn, và sẽ quá tải nghiêm trọng trước khi đỉnh dịch thứ 2 xuất hiện. Việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19 cũng sẽ khó khăn hơn, chỉ các bệnh nhân đã hôn mê hoặc phải đặt nội khí quản mới được vào phòng cấp cứu, các bệnh nhân nặng khác chỉ được chăm sóc trong phòng bệnh có hệ thống giám sát. Nói cách khác, hoạt động của hệ thống bệnh viện cũng phải có sự thay đổi để thích ứng với tình hình khủng hoảng y tế. Theo các nhà khoa học Pháp, chỉ khi một loại vaccine hiệu quả xuất hiện, tình hình mới có thể trở lai bình thường được.
Hậu quả kinh tế do dịch Covid-19, đặc biệt là quá trình phong tỏa toàn quốc kéo dài gần 2 tháng hồi đầu năm, lên nền kinh tế và xã hội Pháp là vô cùng nặng nề. Khi dỡ phong tỏa toàn quốc hồi tháng 5/2020, tình hình đã được cải thiện, các chuyên gia kinh tế dự báo, kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng âm nhiều phần trăm trong năm 2020 và hậu quả kinh tế còn kéo dài nhiều năm sau đó.
Với mục tiêu vực dậy nền kinh tế, chính phủ nước này bơm 100 tỷ euro vào nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp hoạt động trở lại, giúp cỗ máy kinh tế vận hành trở lại. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ hai ập đến như một đòn trời giáng vào các hy vọng của nước Pháp. Trong lĩnh vực xã hội, hậu quả nặng nề nhất mà dịch Covid-19 mang đến là sự rối loạn của hệ thống giáo dục, nguy cơ tụt lùi đối với các học sinh, đặc biệt là sự bất bình đẳng mà con em các gia đình nghèo, khó khăn phải hứng chịu.
Với mục tiêu không để nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, không để học sinh phải nghỉ học lâu hơn nữa, nước Pháp áp đặt quá trình tái phong tỏa với nhiều quy định được nới lỏng hơn. Nhiều cơ sở công, các trường học sẽ tiếp tục hoạt động bình thường (trừ cấp đại học sẽ dạy và học trực tuyến). Các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, người lao động được khuyến khích làm việc nhiều nhất có thể… Tuy nhiên, chính việc phong tỏa toàn quốc với các quy định nửa vời, không hạn chế triệt để tiếp xúc xã hội, sẽ không thể khiến nước Pháp nhanh chóng dập được dịch.
Mục tiêu trong 5 tuần phong tỏa, số ca nhiễm hàng ngày sẽ giảm từ khoảng 40.000 – 50.000 ca hiện nay xuống còn 5.000 ca khó có thể đạt được. Vì vậy, quá trình tái phong tỏa sẽ còn phải kéo dài hơn, đến hết năm 2020, thậm chí đến đầu năm 2021. Dịch Covid-19 tại Pháp nhìn chung chưa thể sớm chấm dứt. Hội đồng khoa học nước này còn lo ngại, nhiều làn sóng dịch nữa sẽ ập đến trong mùa đông và mùa xuân sắp tới./.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.