Phát hiện thêm 70 thi thể trôi sông Ấn Độ, phân hủy nặng đến mức không thể xét nghiệm tử thi

Tất cả các thi thể được tìm thấy trong tình trạng phân hủy nặng, các bác sĩ từ chối tiến hành khám nghiệm tử thi.

Theo thông tin mới nhất trên báo Hindustan Times, chính quyền địa phương Ấn Độ vừa phát hiện thêm ít nhất 70 thi thể trên sông Hằng đoạn qua quận Buxar, bang Bihar, hôm 11/5, làm dấy lên những suy đoán rằng đây là thi thể của nạn nhân Covid-19.

Quan chức quận Buxar, ông Aman Samir, cho biết các nhà chức trách đã vớt 71 thi thể trong 24 giờ qua tại thị trấn Chausa. Cũng tại địa điểm này 1 ngày trước, các nhà chức trách phát hiện 30 thi thể trôi trên sông.

Samir cho biết ông đã đề xuất tiến hành khám nghiệm tử thi các thi thể nhưng điều đó không thể thực hiện được.

Ông nói: "Các bác sĩ từ chối khám nghiệm tử thi vì thi thể đang trong tình trạng phân hủy nặng. Những người này có vẻ đã tử vong 5-6 ngày".

Phát hiện thêm 70 thi thể trôi sông Ấn Độ, phân hủy nặng đến mức không thể xét nghiệm tử thi - Ảnh 1.

Cảnh sát ở có mặt tại hiện trường, nơi phát hiện ít nhất 70 thi thể bên bờ sông Hằng đoạn qua thị trấn Chausa, Buxar, hôm 11/5. (Ảnh: PTI)

Các quan chức chính quyền quận cho biết một số thi thể đã được phủ vải liệm.

Cách Chausa khoảng 40 km về phía thượng nguồn sông Hằng, ít nhất 12 thi thể khác được tìm thấy trôi nổi ở các khu vực Bara và Gahmar thuộc quận Ghazipurm, bang Uttar Pradesh. Chính quyền địa phương đã bắt đầu một cuộc điều tra về vấn đề này.

"Các quan chức của chúng tôi đã có mặt tại hiện trường và một cuộc điều tra đang được tiến hành. Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu xem những thi thể này đến từ đâu", một quan chức của quận Ghazipur cho biết. Thị trấn Bara giáp với Buxar. Còn Gahmar cách đó 2 km.

Việc thu hồi các thi thể đã phân hủy ở sông Hằng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở bang Bihar và Uttar Pradesh, đặc biệt là vì dòng sông là nguồn nước uống và sinh kế của người dân.

Các nhà hoạt động địa phương cáo buộc rằng đây là thi thể của bệnh nhân Covid-19, những người không được tổ chức tang lễ đàng hoàng do sự thiếu thốn và lo sợ về virus ở các vùng nông thôn.

Tại Buxar, chính quyền quận cho biết DNA của các thi thể sẽ được bảo quản. "Ở Buxar và cả ở Bihar có phong tục hỏa táng thi thể. Nhưng trong khi một nhóm các quan chức đã được cử đến quận Ghazipur của Uttar Pradesh để tìm sự thật, người ta đã phát hiện ra rằng một số người dân tin vào phong tục thả thi thể xuống sông", ông Samir nói.

Chính quyền địa phương cũng đang thực hiện các nghi thức cuối cùng cho các thi thể. "Do không biết người chết theo đạo nào và do thi thể đang trong tình trạng phân hủy nên đã có quyết định chôn toàn bộ thi thể. Chúng tôi đã đào những hố chôn lớn", các quan chức cho biết thêm.

Một số quan chức đứng đầu thị trấn cho biết ở địa phương của họ có hành động thả thi thể xuống sông. Người đứng đầu thị trấn Mubarakpur (bang Uttar Pradesh), ông Shyamnarayan Singh, cho biết một số gia đình đã thả thi thể người chết xuống sông vì họ không đủ tiền hỏa táng. "Ở nông thôn, điều này đã diễn ra trong một tuần qua", một người từng đứng đầu thị trấn Gahmar (bang Uttar Pradesh), ông Durga Chaurasia, cho biết.

Ấn Độ, nơi hứng chịu một trong những làn sóng Covid-19 tồi tệ nhất trên thế giới, ghi nhận gần 370.000 ca mắc mới và hơn 3.700 ca tử vong mới hôm 10/5.

Làn sóng Covid-19 khủng khiếp đã đẩy hệ thống y tế Ấn Độ đến bờ vực sụp đổ - bệnh viện hết giường, oxy và thuốc. Các nhà hỏa táng không còn chỗ hỏa táng thi thể, buộc nhà chức trách phải hỏa táng nạn nhân Covid-19 trong công viên, bãi đỗ xe và thậm chí cả vỉa hè.

Các chuyên gia cảnh báo 'tận thế y tế' tại Ấn Độ có thể ảnh hưởng tới toàn thế giới.

Hôm qua, Reuters đăng tải một bài viết phản ánh người dân Ấn Độ vẫn tiếp tục trát phân bò lên người để 'chữa Covid-19' - một hành động mà các bác sĩ cảnh báo là mang lại nhiều rủi ro. Và hôm 9/5, hàng nghìn người Ấn Độ vẫn đổ đến Badaun, bang Uttar Pradesh để tham dự đám tang của một giáo sĩ nổi tiếng, bất chấp quy định cấm tụ tập đông người.

Không chỉ Nepal, một số quốc gia láng giềng khác của Ấn Độ như Sri Lanka, Pakistan, Nepal... cũng đang chứng kiến làn sóng COVID-19 gia tăng. Đặc biệt, Nepal đang bị cảnh báo có thể trở thành 'Ấn Độ thứ 2' ở châu Á .

(Nguồn: Hindustan Times)

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang