Phát ngôn phản cảm về văn hóa đàn ông: Sự "bao dung lỗi" khiến người sống có trách nhiệm nổi cáu!

(lamchame.vn) - Trong khi chính nam giới cũng không dám lên tiếng biện hộ nếu mình hành động vô trách nhiệm, thì lại có một số phụ nữ "bao dung" cho những lỗi lầm ấy bằng lý do đặc tính về giới...

Gần đây khi xôn xao chuyện 2 nghệ sĩ Việt bị cáo buộc “xâm hại tình dục đối với trẻ vị thành niên 17 tuổi” và “xâm phạm quyền riêng tư” thì không ít những ý kiến xung quanh bày tỏ quan điểm, nhiều nghệ sĩ cũng đã lên tiếng.

Trong đó có 2 nữ nghệ sĩ đã có ý bênh vực đồng nghiệp của mình và bày tỏ quan điểm rằng “lang chạ là văn hóa đàn ông” hoặc “đàn ông đi nước ngoài ông nào chẳng thử... không chủ động thì cũng bị tác động bởi bạn bè hoặc fan mời, tặng".

Phát ngôn "lang chạ là văn hóa đàn ông": Sự bao dung thiển cận khiến người có trách nhiệm nổi cáu! - Ảnh 1.

Kiều Thanh, người có phát ngôn gây tranh cãi "lang chạ là văn hóa đàn ông".

Phát ngôn bao dung hay xúc phạm?

Mặc dù có dụng ý bênh vực khi cho rằng đàn ông có chuyện ngoài luồng là bình thường, để nói rằng "bạn mình" không phải thành phần cá biệt. Nhưng phát ngôn này lại gây ra những tranh cãi lớn. Nhiều người đàn ông không cho rằng đây là sự bao dung, họ cảm thấy bị xúc phạm với nhận định "vơ đũa cả nắm" một cách thiếu khách quan này.

Không ít người đã nói rằng họ không thử khi đi ra nước ngoài, cũng như đàn ông không có thứ văn hóa nào được gọi tên là "lang chạ". Họ không đồng ý khi những nữ nghệ sĩ kia cho rằng cứ đàn ông là có những "đặc tính xấu" giống nhau, rằng hành động của họ dễ bị chi phối bởi giới tính chứ và luôn có những thời khắc "lí trí đi vắng".

Tuy nhiên, nếu ngẫm kĩ thì không chỉ riêng 2 nghệ sĩ này phát ngôn như trên mà nó cũng đã ăn sâu vào tư tưởng cuộc sống hàng ngày ở ta trong một cơ số phụ nữ. Một bà mẹ chồng "động viên" nàng dâu tha thứ cho con trai mình với "lỗi" phản bội bằng câu nói "đàn ông năm thê bảy thiếp là bình thường, miễn là nó còn biết quay đầu lại".

Trong 1 số trường hợp người ta dường như dễ tha thứ hơn với lỗi ngoại tình của khi họ nói rằng nó đã diễn ra là vì thứ khác đang điều khiển anh ấy. Rằng đó chỉ là 1 cuộc vui qua đường mà xong chuyện là các anh quên luôn cuộc vui vừa diễn ra. Em (vợ của anh ta) mới là chân ái, mới là điều còn lại, là điều sau cùng!

Vâng và chỉ chờ như thế, các chị em lại hát “dẫu có lỗi lầm” để bao dung, tha thứ và cho rằng đó là đặc tính của giới khiến đàn ông các anh dễ trở nên “mất nết” như vậy chứ không phải là do khối óc của anh ta điều khiển.

"Cách bao dung lỗi" cần thay đổi

Sự tha thứ, bao dung luôn là điều cần thiết trong cuộc sống này vì vốn dĩ không có ai hoàn hảo, nhưng tha thứ hoặc biện minh 1 cách mù quáng cho một hành động thiếu tính trách nhiệm của đàn ông có lẽ không bào giờ là một tư tưởng nên có.

Bởi vì:

- Việc vô tình nhóm tất cả đàn ông vào cùng một nhóm dễ bị phần bản năng chi phối khiến những người đàn ông có trách nhiệm cảm thấy bị xúc phạm. Nhiều người đã nói rằng không phải cứ đi ra nước ngoài là nghĩ đến chuyện bậy bạ và họ càng không ủng hộ "văn hóa lang chạ" mà người ta gán cho mình.

- Hơn nữa, việc phụ nữ dễ dàng đồng tình cho rằng đàn ông "5 thê 7 thiếp" hay qua đường với ai đó là chuyện bình thường, tức là họ cũng đã dường như dễ dãi hơn với những tiêu chí mong muốn ở người bạn đời, bạn trai của mình, phần biết sống trách nhiệm và nghĩ đến hậu quả mà làm người ai cũng phải có.

- Một mặt khác việc đồng tình rằng đàn ông "có quyền" lang chạ tức là dù đàn ông có làm gì thì phụ nữ cũng luôn là người bị đổ lỗi: "ăn mặc như thế thì làm gì mà chẳng bị sàm sỡ" hoặc "tại sao lại đồng ý đi riêng với nó đến chỗ đó để xảy ra cơ sự", "không đong đưa, lúng liếng với nó chắc gì nó đã...", hoặc rằng "thằng đàn ông nào đi ra ngoài chẳng như vậy, miễn là cuối cùng nó còn biết quay về, biết có trách nhiệm với vợ con là được"...

Phát ngôn "lang chạ là văn hóa đàn ông": Sự bao dung thiển cận khiến người có trách nhiệm nổi cáu! - Ảnh 2.

Kim Oanh cũng có phát ngôn biện hộ cho đồng nghiệp gây sóng dư luận.

- Còn chưa kể thói quen lăng nhăng đó không chỉ là câu chuyện về lòng tin, sự chung thủy, về tư cách đàn ông mà còn là những hệ lụy có thể nhìn thấy trực tiếp ở câu chuyện có tính khoa học là sức khỏe. Từ vấn đề tình dục không an toàn có thể xảy ra những bi kịch khác. Và cuối cùng người gián tiếp phải chịu hậu quả do thứ lỗi mình không hề gây ra lại vẫn là phụ nữ.

"Lang chạ" không phải là một hành động mà là TƯ CÁCH!

TS Nguyễn Phương Mai, người tích cực đấu tranh cho bình đẳng giới, cũng đã từng nói về phát ngôn "lang chạ là văn hóa đàn ông" rằng: "Đó là cách vơ đũa cả nắm, gộp mấy chục triệu đàn ông Việt Nam vào một rọ. Phát ngôn ấy cho rằng sự lang chạ, ngoại tình, ăn vụng bên ngoài, đi tìm của lạ là một phần BẢN CHẤT của tất cả đàn ông. Ai không có chắc có lẽ không phải đàn ông đích thực. Đó cũng là tư tưởng coi thường đàn ông, đặt họ ở tầm bản năng thay vì bản lĩnh, nhìn họ như những con đực đói sex. Nó gạt ra ngoài những người đàn ông văn minh, chung thủy, những người đàn ông theo đuổi những giá trị khác biệt hơn là sự phồn thực nông nổi của thịt da. Nó cũng gạt ra ngoài những người đàn ông trưởng thành, chín chắn, có lý trí, có khả năng kiểm soát bản thân, biết nhìn nhận ham muốn nhưng cũng biết điểm dừng để tôn trọng chính mình và những người mình yêu thương".

Nhà văn Trang Hạ, một người đấu tranh tích cực cho quyền lợi của phụ nữ, cũng không đồng tình với việc cho rằng đàn ông lang chạ là chuyện bình thường vì NGOẠI TÌNH KHÔNG PHẢI LÀ MỘT HÀNH ĐỘNG MÀ LÀ TƯ CÁCH: "Ngay cả trước khi có tờ giấy hôn thú, nếu lăng nhăng, thiếu thái độ đứng đắn với những mối quan hệ được gọi là yêu đương đều có thể được gọi là ngoại tình. Tôi khẳng định không có ngoại tình 1 lần hay nhiều lần mà chỉ có ngoại tình hay không mà thôi".

Thực tế, mặc dù suy nghĩ trong đầu không ít người vẫn cho rằng đàn ông lang chạ là chuyện bình thường, nhưng đó là điều cần phải thay đổi. Và chúng ta không nên cho rằng đó là điều dễ hiểu, dễ chấp nhận. 

Ngày nay, càng có nhiều phụ nữ chọn cuộc sống độc thân, thực chất không phải vì họ không yêu thích cuộc sống gia đình mà vì họ cầu toàn đòi hỏi 1 người bạn đời chất lượng. Cũng như trong một cuộc hôn nhân, các cô vợ sẽ không dễ dàng tha thứ cho tội ngoại tình của các ông chồng vì họ không chấp nhận một người đàn ông lừa dối và sống vô trách nhiệm.

Vì vậy, đàn ông hay là con người nói chung luôn phải biết rõ ranh giới của trách nhiệm, đạo đức để hành động sao cho đúng. Biết tiến lên là điều tốt, nhưng biết điểm dừng cũng quan trọng không kém.

Vì vậy, trong tất cả chúng ta đều không được phép biện minh cho bất cứ hành động sai trái nào của chính mình, cũng như cho phép cả một giới được phép dùng 2 chữ "giống đực" để dễ dàng cho qua một lỗi lầm đáng ra họ phải chịu trách nhiệm.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang