Hành động phát tán tin nhắn ngoại tình được cộng đồng mạng gọi là “bóc phốt”, kéo theo đó là những lời nói, hành động xúc phạm lẫn nhau, công khai đời tư, thông tin cá nhân...
Các bài “bóc phốt” này thường nhận được lượt xem, chia sẻ rất cao, người bình luận, bàn tán bên trong các bài viết cũng tăng liên tục. Thậm chí, có những trang/nhóm mạng xã hội được lập ra để tập trung các bài đăng “bóc phốt” nhằm tăng lượt tương tác từ việc đáp ứng sự tò mò, hiếu kỳ của một số người dùng mạng xã hội.
Theo Luật sư Huy Thành (văn phòng luật Huy Thành), hiện nay nhiều “chính thất” dựa vào sức mạnh của công nghệ 4.0 để "đánh ghen' và sỉ nhục danh dự của “tiểu tam”, đối phương mà không hề biết những hành vi này đã vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 21 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác".
Đồng thời, điều 38 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình thì hành vi phát tán ảnh chụp màn hình nội dung tin nhắn lên mạng xã hội khi chưa được phép của người trong cuộc đều là hành vi vi phạm pháp luật và tùy theo tính chất, mức độ gây thiệt hại sẽ có chế tài xử phạt tương ứng.
Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, người đăng tải có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng.
Bên cạnh đó, còn phải buộc cải chính thông tin nếu thông tin đang phát tán là không đúng sự thật và phải buộc xin lỗi công khai đối với những người bị ảnh hưởng, trừ trường hợp họ có đơn không yêu cầu theo quy định tại khoản 13 Điều 7 Nghị định trên.
Nếu “bóc phốt” mà xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:
“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định".
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.