Là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19, Mỹ hiện ghi nhận trên 84,94 triệu ca mắc và hơn 1,028 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ có thêm hơn 11.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC của Mỹ đã hối thúc các bậc phụ huynh ở nước này tiêm thêm mũi vaccine tăng cường cho trẻ em từ 5 -11 tuổi, qua đó trẻ em được bảo vệ tốt hơn trước những hiểm họa của đại dịch COVID-19. Giới chức y tế Mỹ dự đoán, số ca nhập viện và tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước này sẽ tiếp tục tăng cao trong những tuần tới.
Cụ thể, CDC đề nghị nên tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Đây là loại vaccine an toàn, việc tiêm mũi tăng cường sẽ bảo vệ tốt hơn cho trẻ trước chiều hướng các ca nhiễm vẫn chưa giảm.
Tại Mỹ, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em ở độ tuổi 5 - 11 đang thấp hơn các nhóm khác, ước mới đạt 30%. và số liệu của CDC cho thấy, trẻ em chưa tiêm chủng trong độ tuổi này có tỷ lệ nhập viện cao gấp đôi so với trẻ đã được tiêm 2 mũi. Từ khi dịch bùng phát, đã có 4,8 triệu trẻ em trong độ tuổi 5 - 11 ở Mỹ bị nhiễm COVID-19, 15.000 trẻ đã nhập viện, nhiều em đã tử vong.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 21/5, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,13 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 665.600 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,76 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tâm thần của người dân Canada. Theo Chỉ số sức khỏe tâm thần hàng tháng của LifeWorks, 46% người dân nước này đang cảm thấy gia tăng độ nhạy cảm với căng thẳng so với hồi trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần tổng thể; 49% người Canada đang làm việc nói rằng họ nhận thấy đồng nghiệp của mình nhạy cảm hơn với căng thẳng, với 46% cảm thấy điều tương tự đối với bản thân họ. Ngoài ra, 45% người Canada có việc làm cho biết, đại dịch đã tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của họ.
Theo LifeWorks, những người được hỏi dưới 40 tuổi có nguy cơ gia tăng độ nhạy cảm với căng thẳng cao hơn 50% so với những người lớn tuổi hơn. Những người bị giảm lương hoặc làm việc ít giờ hơn cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng này cao hơn 30%. 17% người dân Canada đang vật lộn với căng thẳng hoặc sức khỏe tâm thần không có khả năng tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia.
Bà Anna Teresa Palamara, người phụ trách các bệnh truyền nhiễm của Viện Y tế quốc gia Italy (ISS), cho biết, nguy cơ bị tái nhiễm COVID-19 đã tăng gấp 18 lần với biến thể Omicron. Phát biểu khi công bố báo cáo giám sát đại dịch COVID-19 hàng tuần của ISS và Bộ Y tế Italy, bà Palamara nêu rõ: "Các ca tái nhiễm đang gia tăng, lên trên 6% tổng số ca nhiễm mới. Tuy nhiên những ca tái nhiễm này không phải các ca bệnh nặng".
Báo cáo trên cũng cho biết, tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 của Italy tuần này đã giảm xuống 0,89 so với 0,96 của tuần trước, cho thấy sự lây lan có xu hướng giảm dần. Số ca mắc trung bình trên 100.000 dân tuần này cũng giảm xuống 375/100.000, so với con số 458/100.000 dân của tuần trước. Tỷ lệ số ca mắc mới được phát hiện thông qua theo dõi tiếp xúc và theo dõi hoạt động là ổn định, ở mức 12% so với 13% của tuần trước. Số ca mắc mới được phát hiện thông qua các triệu chứng đã tăng nhẹ, từ 43% lên 45%. Số ca mắc mới COVID-19 tại Italy đã giảm đều đặn trong vài tuần qua.
Theo số liệu chính thức của Bộ Y tế Italy, trong ngày 21/5, Italy có 23.976 ca mắc COVID-19 mới và 91 người thiệt mạng.
Khoảng 9 triệu người trong số 29,7 triệu người trưởng thành Canada mắc COVID-19 do Omicron. (Ảnh: AP)
Gần 30% người trưởng thành ở Canada đã nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19. Trong nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Tạp chí Y học New England, các nhà khoa học của viện Angus Reid thuộc Đại học Toronto (Canada) đã tiến hành phân tích hơn 5.000 mẫu máu của người trưởng thành Canada trong khoảng thời gian từ ngày 15/1 đến ngày 15/3. Kết quả cho thấy, ước tính có khoảng 9 triệu người trong số 29,7 triệu người trưởng thành Canada mắc COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron vào đầu năm nay, trong khi con số này trong 4 đợt lây nhiễm trước đó chỉ 10%. Trong số những ca mắc đó, có 1 triệu người trong số 2,3 triệu dân số trưởng thành chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19, chiếm 40% tổng số người trưởng thành chưa được tiêm phòng.
Kể từ ngày 23/5, việc đeo khẩu trang không còn bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng ở Bỉ như tàu điện, tàu điện ngầm, xe bus, tàu hỏa, xe taxi. Tại cuộc họp ngày 20/5, Ủy ban Tham vấn quốc gia về COVID-19 (CODECO) quyết định, người dân chỉ bắt buộc phải đeo khẩu trang tại các phòng khám, bệnh viện, nhà thuốc và tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Tại các phòng mạch tư như nha khoa, trị liệu, tâm lý, nếu không thể đảm bảo khoảng cách 1,5 m, người dân vẫn được khuyến nghị đeo khẩu trang.
Bên cạnh đó, CODECO quyết định bãi bỏ tất cả hạn chế đi lại, theo đó các biện pháp còn lại liên quan đến cách ly, tiêm chủng, xét nghiệm được dỡ bỏ, ngoại trừ những người trở về từ một quốc gia nơi biến thể đáng lo ngại vẫn hoành hành. CODECO cũng thông báo ngừng triển khai phong vũ biểu, công cụ cung cấp hiệu lực của các biện pháp mới trong trường hợp số ca lây nhiễm vượt quá mức nhất định.
Đây là những biện pháp hạn chế cuối cùng mà Chính phủ Bỉ dỡ bỏ. Điều này là cho thấy, một cuộc sống hoàn toàn bình thường đã quay trở lại quốc gia châu Âu này như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Ngày 21/5, Bộ Y tế Phillipines (DOH) thông báo đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.4 của Omicron tại nước này. Bệnh nhân là một công dân Philippines vừa tới Trung Đông vào đầu tháng 5. Theo DOH, bệnh nhân không có triệu chứng và đã về Philippines vào ngày 4/5. Người này đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 khoảng 4 ngày sau đó.
DOH cho biết, BA.4 là biến thể gây quan ngại, đồng thời cảnh báo biến thể này nhiều khả năng có thể lây lan nhanh do né tránh được hàng rào miễn dịch. Mặc dù Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) không nhận thấy sự thay đổi nghiêm trọng nào giữa các ca nhiễm BA.4 với những ca nhiễm các biến thể phụ khác của Omicron nhưng DOH cho rằng Philippines vẫn cần thận trọng bởi xu hướng lây lan nhanh có thể khiến số ca nhiễm tăng mạnh, gây áp lực cho hệ thống y tế. Do đó, DOH hối thúc chính quyền tại địa phương ghi nhận ca nhiễm BA.4 đầu tiên nhanh chóng truy vết và cách ly những người có nguy cơ tiếp xúc với bệnh nhân.
Các biến thể phụ BA.4 và BA.5 lần đầu tiên được phát hiện tại Nam Phi lần lượt vào tháng 1 và tháng 2 năm nay. Kể từ thời điểm đó, BA.4 và BA.5 đã trở thành những biến thể chủ đạo tại quốc gia này. Tính đến ngày 21/5, Philippines ghi nhận tổng cộng trên 3,68 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 60.455 người tử vong. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Philippines đã trải qua 4 làn sóng dịch bệnh với số ca nhiễm mới theo ngày đạt đỉnh ở mức 39.004 ca vào ngày 15/1 vừa qua.
Từ ngày 1/6 tới, Thái Lan sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp nghiêm ngặt nhất để phòng chống dịch COVID-19, chính thức bước sang giai đoạn mới sống chung với COVID-19. Thái Lan sẽ không yêu cầu người có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 phải cách ly y tế, thay vào đó chỉ cần tự theo dõi sức khỏe trong 10 ngày.
Chính phủ Thái Lan cũng điều chỉnh phân loại vùng theo tình hình dịch COVID-19. Những tỉnh vùng xanh lá cây và xanh lam, trong đó có thủ đô Bangkok, sẽ được phép mở cửa trở lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ về đêm, không giới hạn số lượng người tụ tập. Trong khi đó, các tỉnh vùng vàng được phép tụ tập không quá 1.000 người ở ngoài trời và không quá 75% số ghế tại sân vận động, nhà hát.
Malaysia khuyến khích trẻ em tiêm vaccine COVID-19. (Ảnh: AP)
Về quy định nhập cảnh, công dân Thái Lan sẽ không cần phải đăng ký "ThaiPass". Du khách nước ngoài đến Thái Lan vẫn phải đăng ký "ThaiPass" và phải mua bảo hiểm COVID-19, nhưng kết quả xét duyệt sẽ được thông báo ngay lập tức. Du khách nhập cảnh Thái Lan sẽ không phải cách ly y tế bắt buộc dù chưa tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19, thay vào đó họ chỉ cần có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính tại sân bay.
Malaysia đang bước vào tuần cuối cùng của Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Từ ngày 1/6 tới, chương trình này sẽ không còn được miễn phí. Các điểm tiêm chủng đang làm việc hết công suất do số trẻ nhỏ bắt đầu đi tiêm phòng tăng vọt trong tuần vừa qua.
Malaysia sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho trẻ em với liệu trình hai mũi cách nhau 8 tuần. Mục tiêu là 70% trẻ trong độ tuổi đến trường được tiêm ít nhất một mũi trong vòng 2 tháng đầu tiên. Theo thống kê của Bộ Y tế Malaysia, tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 30% trẻ em trong độ tuổi 5 - 11 đã hoàn thành tiêm chủng.
Tình hình dịch bệnh tại Triều Tiên đã ổn định và được kiểm soát. Đây là thông tin được hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải trong ngày 2/5. Theo KCNA, giới chức y tế Triều Tiên đang nỗ lực kiểm soát sự lây lan của virus, đảm bảo công tác điều trị cho các bệnh nhân
So với giai đoạn đầu khi số ca sốt đột ngột tăng, Triều Tiên hiện đã đạt được một số thành tựu khi tăng cường nghiên cứu và phân tích sự thay đổi trong diễn biến của bệnh, cũng như những phản ứng và dấu hiệu lâm sàng trong quá trình điều trị. Công tác kiểm tra sức khỏe cho toàn bộ người dân đang được đẩy mạnh trên toàn quốc.
Hiện tổng số trường hợp bị sốt được ghi nhận tại Triều Tiên là hơn 2,4 triệu người, nhưng 75% số người đã bình phục. Số ca tử vong là 66 người.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông bị mắc COVID-19 sẽ được phép tham gia các kỳ thi ở trường bắt đầu từ học kỳ này. Nhằm đảm bảo quy tắc phòng dịch, những học sinh đã và đang mắc COVID-19 sẽ được phép đến trường và dự thi nhưng phải tuân theo hướng dẫn y tế nghiêm ngặt. Các trường học được yêu cầu chuẩn bị các phòng thi riêng biệt, xác định những thí sinh nhiễm virus SARS-CoV-2 và báo cáo danh sách cho cơ quan y tế một ngày trước kỳ thi. Các trường học cũng phải thực thi các quy tắc về giãn cách, đeo khẩu trang, ăn riêng và ngồi so le để ngăn dịch bệnh lây lan.
Với quy định mới, ngành giáo dục Hàn Quốc hướng tới công bằng với những học sinh đã bỏ lỡ kỳ thi do bị COVID-19 trong các học kỳ trước. Theo kế hoạch, các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên khắp Hàn Quốc sẽ tổ chức kỳ thi cuối kỳ từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 tới.
Thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ duy trì các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt, trong bối cảnh lực lượng chức năng vẫn phát hiện những ca lây nhiễm trong cộng đồng thông qua các cuộc xét nghiệm sàng lọc. Đến nay, dịch vụ ăn, uống tại các nhà hàng vẫn bị cấm, trong khi học sinh vẫn chưa được tới trường học trực tiếp.
Chính quyền thủ đô Bắc Kinh vẫn đang nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát dịch từ cuối tháng 4 vừa qua, theo đó áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại, yêu cầu người dân làm việc tại nhà, đóng cửa nhiều cửa hàng và trung tâm giải trí.
Trong khi đó, thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đã ghi nhận một số ca mắc mới COVID-19 ngoài khu vực cách ly. Đây là những ca lây nhiễm mới phát hiện được lần đầu tiên sau 5 ngày thành phố này không có ca mắc mới nào, làm dấy lên quan ngại nhà chức trách sẽ áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt tại khu vực có ca mắc.
Việc một quận tại Thượng Hải ghi nhận ca mắc mới được cho là sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch mở cửa trở lại của thành phố này vào ngày 1/6 tới. Giới chức thành phố cho biết, kể từ ngày 22/5 tới, các công viên tại những khu ngoại ô Thượng Hải và các tuyến tàu điện ngầm sẽ hoạt động trở lại. Tuy nhiên, những hoạt động vui chơi bên trong công viên vẫn phải tạm dừng.
Trong bối cảnh số ca mắc giảm dần, Thượng Hải đã cho phép lượng người lưu thông trên đường phố nhiều hơn. Các khu vực dân cư quản lý số người ra khỏi nhà thông qua thẻ thông hành để ra ngoài đi bộ hoặc đến các siêu thị.
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.