Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Quyết tâm trong 10 ngày tới khoanh vùng và dập dịch, chúng ta đang chạy đua với thời gian"

Chiều 28/1, tại buổi họp quán triệt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam quyết tâm khoanh vùng và dập dịch bệnh trong 10 ngày.

"Nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều ca bệnh nữa"

Trong buổi họp quán triệt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Bộ Y tế chiều 28/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm nhiều như vậy, 84 bệnh nhân tại Hải Dương và Quảng Ninh.

"Sự cố như hôm nay chúng ta đều đã lường trước được. Nếu làm nghiêm, chúng ta sẽ tránh được những trường hợp đáng tiếc", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Đam phân tích, từ tình hình phức tạp của ổ dịch tại Chí Linh, Hải Dương hiện nay, các địa phương khác tuyệt đối không được chủ quan. Sau một thời gian xao nhãng, thì đây là lúc phải hết sức bình tĩnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Quyết tâm trong 10 ngày tới khoanh vùng và dập dịch, chúng ta đang chạy đua với thời gian - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi họp quán triệt công tác phòng chống dịch Covid-19

Ngay sau khi nhận được thông tin ca nghi nhiễm, Bộ Y tế đã cấp tốc chỉ đạo. Ngay đêm 27/1, Chí Linh đã lấy được 4.000 mẫu xét nghiệm trong khu nhà máy, từ đó phát hiện thêm 72 ca nhiễm. Vì đây là biến thể của chủng virus có tốc độ lây lan rất nhanh, nên theo nhận định ban đầu, nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều ca bệnh nữa.

"Nhưng không phải vì số lượng lớn mà chúng ta quá lo ngại. Chúng ta đã khoanh vùng và lấy mẫu rất rộng, rộng hơn các lần trước rất nhiều", phó thủ tướng nói. Ngoài Chí Linh, các tỉnh, huyện, xã, thôn khác của Hải Dương luôn phải trong tình trạng cấp bách, nếu cần thiết thì giãn cách.

Phó Thủ tướng thay mặt BCĐ quốc gia kêu gọi nhân dân, "Chúng ta biết rằng, phong toả là điều bất tiện vô cùng, nhưng chúng ta không thể làm khác. Nếu làm tốt, chúng ta sẽ kiểm soát tốt, sẽ sớm quay lại bình thường. Nếu chúng ta ngại khó, ngại khổ thì không thể lường được hậu quả". Ông Đam một lần nữa nhắc lại phương châm, nếu phát hiện ca nghi ngờ phải tiến hành khoanh vùng ngay lập tức. F1 phải coi như F0, F2 coi như F1.

Một điều quan trọng Phó Thủ tướng lưu ý, là cần giữ bằng được bệnh viện tại Chí Linh, Hải Dương. Ông yêu cầu các cơ sở y tế phải nâng một mức báo động. Tất cả y bác sĩ phải đặt trong tình trạng cảnh giác cao hơn một mức so với trước đây.

"Hải Dương là một trong số ít tỉnh có nhiều người già mắc bệnh nền nhiều nhất cả nước. Chủng virus này lây rất nhanh, nếu lây trong bệnh nhân và các y bác sĩ thì rất nguy hiểm. Chúng ta phải giữ chặt hệ thống y tế, theo dõi các bệnh nhân sát sao, tuyệt đối không để như Đà Nẵng", ông Đam nói.

Những nguồn lây bệnh chủ yếu?

BCĐ yêu cầu người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đặc biệt đeo khẩu trang. Các địa phương tăng cường xử phạt những người không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

"Một tỉnh như Hải Dương, Bộ Y tế đã chi viện 6 đơn vị tăng cường. Nếu chúng ta không nghiêm, có 2, 3 địa phương như Hải Dương, thì Bộ Y tế không chi viện nổi. Cả 10 nơi thì Bộ Y tế chịu. Đừng nghĩ rằng dịch ở đâu đâu, không xuất hiện tại địa phương mình. Chúng ta phải luôn cảnh giác cao độ, đừng để sau này phải hối hận", ông Đam nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Quyết tâm trong 10 ngày tới khoanh vùng và dập dịch, chúng ta đang chạy đua với thời gian - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng khẳng định quyết tâm khoanh vùng và dập dịch trong 10 ngày

Phó Thủ tướng phân tích 3 nguồn lây bệnh hiện nay. Thứ nhất, mầm bệnh trong cộng đồng. Nếu làm tốt biện pháp phòng dịch, mầm bệnh sẽ được phát hiện và xử lý.

Thứ hai, mầm bệnh từ nhóm người nhập cảnh hợp pháp được đưa vào khu cách ly. Kinh nghiệm sống còn là bệnh nhân 1.440 ở TP.HCM.

Thứ 3, nguồn bệnh từ người nhập cảnh bất hợp pháp. Tại các tỉnh biên giới, lực lượng biên phòng, công an hiện rất vất vả. "Chúng tôi phát động toàn dân tham gia vào cuộc chiến. Tất cả những ai có người nhà ở nước ngoài về đường bộ, thì vận động cam kết cách ly chính ngạch".

"Dù con virus lây lan nhanh, nhưng chúng ta phải cố gắng nhanh hơn nó. Ở Đà Nẵng, chúng ta mất 23 ngày để dập dịch. Quyết tâm trong 10 ngày tới khoanh vùng và dập dịch đợt này. Chúng ta đang chạy đua với thời gian. Tới đây, còn nhiều bệnh nhân nữa, chúng ta phải hết sức trách nhiệm. Tất cả vì sự yên bình của người dân, Chúng ta không thể chủ quan. Tôi luôn có niềm tin, nếu có vấn đề, người Việt Nam chúng ta sẽ làm rất tích cực", Phó Thủ tướng nói.

"Chúng ta phải đoàn kết, tất cả trí tuệ của Việt Nam sẽ tập trung để chữa trị cho người bệnh"

Trong cuộc họp, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh các địa phương phải chú trọng công tác khám, chữa bệnh những người ho, sốt, khó thở, thực hiện nghiêm quy định của Cục về tiêu chí bệnh viện an toàn. Trong dó, rà soát lại toàn bộ việc phân luồng, phát hiện cách ly, xét nghiệm và tổ chức điều trị. 

Với các phòng khám ngoài công lập phải báo ngay với CDC khi có những trường hợp nghi ngờ. "Chúng ta không thể xét nghiệm được 100 triệu người dân Việt Nam những tất cả những trường hợp có nghi ngờ thì không thể bỏ sót. Các bệnh viện, sở y tế phải nêu cao tinh thần cảnh giác", ông Khuê nói. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Quyết tâm trong 10 ngày tới khoanh vùng và dập dịch, chúng ta đang chạy đua với thời gian - Ảnh 3.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế

Các bệnh viện cần tăng cường khử khuẩn, có biển báo sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân để người dân đến bệnh viện. Người bệnh bước chân vào cổng bệnh viện phải sàng lọc ngay và tiến hành phân luồng. Thực tế có một số bệnh nhân vào trong bệnh viện, tiếp xúc với bảo vệ, người bảo vệ xe rồi mới phân luồng. 

Bài học ở Bệnh viện E và một số bệnh viện khác phải rút kinh nghiệm. Bệnh viện phải sàng lọc phía ngoài, không được phép cho vào bệnh viện khi chưa được sàng lọc, kiểm tra. Bệnh viện phải thông báo cho bệnh nhân hiểu về nơi điều trị, không giữ bệnh nhân, đồng thời, phối hợp với CDC để phát hiện sớm những ca bệnh nghi ngờ. 

"Ở giai đoạn trước, chúng ta đã khẳng định với những bệnh nhân không có diễn biến nặng thì có thể được điều trị ở tuyến huyện. Các bệnh viện phải sẵn sàng điều trị, xét nghiệm để phòng, chống dịch. Con số ca mắc có thể lên gấp nhiều lần. Vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo cần đặc biệt quan tâm", ông Khuê nhấn mạnh.

Trong giai đoạn hiện nay, những bộ phận ban đầu tiếp xúc với người bệnh phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện phòng hộ, đo nhiệt độ, phát khẩu trang, khai báo y tế. Khoa hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm phải trang bị đầu đủ các phương tiện y tế. Không có thầy thuốc thì không cứu chữa được bệnh nhân. Các trang thiết bị máy thở, thuốc phải được dự trữ để sẵn sàng đáp ứng. 

"Chúng ta phải đoàn kết, tất cả trí tuệ của Việt Nam sẽ tập trung để chữa trị cho người bệnh", Cục trưởng nhấn mạnh. 

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang