Để nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh, cần bố sung đầy đủ các chất dinh dưỡng đảm bảo cho hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Thời tiết lạnh và dễ thay đổi của mùa đông là giai đoạn mà cả người lớn và trẻ nhỏ đều dễ bị ốm. Vì vậy nhiều khuyến cáo được đưa ra nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể thông qua chế độ dinh dưỡng cũng như luyện tập thể thao hàng ngày rất cần thiết để giúp phòng bệnh cho cả gia đình...
Các bệnh thường gặp trong mùa đông
Bệnh về đường hô hấp: Viêm phế quản cấp: mầm bệnh gây viêm phế quản cấp mùa đông thường là virut cúm influenza A và B, hiện nay có thể là virut cúm A/H1N1 và H5N1, các virut parainfluenza, virut hợp bào hô hấp... Khi bị nhiễm virut, cơ thể giảm sức đề kháng nên dễ bị bội nhiễm bởi các loại vi khuẩn thường trú ở đường hô hấp.
Hen phế quản: người bị hen rất nhạy cảm với mọi kích thích gây bệnh như nhiệt độ lạnh, hóa chất, khói bụi, nấm, mốc, vi khuẩn; các yếu tố nội tại trong cơ thể như: nội tiết tố, dị ứng nguyên như thức ăn, thuốc chữa bệnh...Bệnh hen nếu không kiểm soát tốt sẽ rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tính mạng.
Bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Đợt cấp của tâm phế mạn: mùa lạnh, bệnh tim phổi mạn tính gây ra bởi các bệnh phổi mạn tính như viêm phế quản mạn tính, hen, giãn phế quản, giãn phế nang, lao phổi... rất dễ bị nhiễm khuẩn tạo nên những đợt bệnh cấp tính. Bệnh thường đột ngột diễn biến nặng, khó thở nhiều, có khi chỉ sau vài đợt bệnh cấp là dẫn đến tử vong.
Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng: chứng bệnh này trong mùa đông đáng chú ý nhất là: viêm phổi ở những người không có bệnh tật (tuổi dưới 60), yếu tố gây bệnh thường gặp nhất là S. pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, các virut hô hấp, Chlamydia pneumoniae, H. influenzae... Viêm phổi ở những người có bệnh (tuổi trên 60), chủ yếu do S. pneumoniae, các virut hô hấp, H. influenzae, trực khuẩn Gram (-) ái khí, tụ cầu vàng và các loại khác gây bệnh.
Suy hô hấp: Chứng suy hô hấp mùa lạnh thường do nhiễm khuẩn, ở người có bệnh phổi - phế quản mạn tính, ở người nhiễm virus (cúm...). Suy hô hấp do nhiễm khuẩn điều trị hiệu quả hơn suy hô hấp ở người bị bệnh phổi mạn tính. Suy hô hấp sau cúm thường rất nặng, tử vong cao.
Đau đầu trong mùa đông: Cứ vào mỗi dịp thời tiết thay đổi, số lượng người đến khám chuyên khoa thần kinh vì đau đầu tăng lên rõ rệt. Trong đó, hai dạng đau đầu cơ bản là đau cả đầu hoặc đau nửa đầu với các triệu chứng âm ỉ, tê buốt đầu cách hồi, hoặc đau dồn dập, dữ dội, choáng váng… gây nhiều phiền toái trong công việc, cuộc sống.
Đau đầu do thời tiết thường xảy ra ở những người nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ, độ ẩm, áp suất không khí... Các tác nhân này tác động đến sự co, giãn của các mạch máu trong sọ và hóa chất trung gian có khả năng gây viêm, làm khởi phát tình trạng đau đầu. Những người hay bị stress, căng thẳng trong cuộc sống, công việc, thiếu ngủ còn có thể bị đau nửa đầu. Đau đầu thời tiết hay đau vỏ đầu là do mạch máu dưới da co thắt. Vì vậy, nếu tình trạng đau vỏ đầu, đau đầu khi trời lạnh tái diễn nhiều lần phải được thăm khám, điều trị giảm đau, giãn cơ, tăng cường sức bền thành mạch.
Đau nhức xương khớp: Thời tiết lạnh khiến cho các bệnh liên quan đến xương khớp dễ tái phát hoặc đối với những người có hệ xương khớp không tốt thì thời tiết lạnh là thời điểm dễ mắc bệnh nhất, với triệu chứng điển hình là đau nhức các khớp bé trong cơ thể như: khớp cổ tay, khớp bàn tay, khớp đốt ngón tay, khớp cổ chân… Bệnh kéo dài có thể dẫn tới cứng khớp, khó cử động, dính khớp và mất dần chức năng vận động của khớp gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người bệnh. Do vậy, vào mùa đông, cơ thể cần luôn giữ ấm, đồng thời kết hợp với việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng nhằm nâng cao hệ miễn dịch, tăng khả năng phòng chống bệnh, giảm đau nhức cho người bệnh. Do vậy, vào mùa đông, cơ thể cần luôn giữ ấm, đồng thời kết hợp với việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng nhằm nâng cao hệ miễn dịch, tăng khả năng phòng chống bệnh, giảm đau nhức cho người bệnh.
Cảm lạnh: Thời tiết mùa đông nhưng không ổn định, cộng với việc nhiều người chủ quan mặc không đủ ấm, bị khí lạnh cùng các tác nhân gây bệnh như virut xâm nhập cơ thể gây ra bệnh cảm lạnh. Triệu chứng của bệnh là toàn thân đau ê ẩm, ngạt mũi, chảy nước mũi, sốt nhẹ, sợ gió, sợ lạnh.
Các biện pháp giúp tăng cường sức đề kháng trong mùa đông
Bổ sung dinh dưỡng: Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết là việc làm quan trọng để đảm bảo cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Chính bởi vậy, thực đơn hàng ngày cần có đủ chất đạm, tinh bột, vitamin, khoáng chất và chất xơ là điều đặc biệt quan trọng. Cần lưu ý, chất đạm có vai trò chủ đạo giúp duy trì sức khỏe cho miễn dịch của cơ thể. Chất đạm hay acid amin không chỉ có chức năng tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động, sản sinh men tiêu hóa, hình thành cơ bắp và xương mà còn tạo ra kháng thể, tăng cường hệ miễn dịch đẩy lùi các tác nhân gây bệnh. Mùa đông cơ thể dễ mất nước, do vậy cần uống đủ nước để các cơ quan trong cơ thể hoạt động trơn tru. Cần tăng cường bổ sung năng lượng từ hoa quả và rau xanh để cơ thể thêm sức chống lạnh…
Chế độ luyện tập: Theo các chuyên gia, 20 phút tập thể thao mỗi ngày, 5 ngày một tuần sẽ giúp cơ thể giảm một nửa nguy cơ bị cảm lạnh mùa đông, đồng thời cũng giúp đẩy lùi và phục hồi sau thời gian bị bệnh tốt hơn. Không nên tập quá lâu ngoài trời, bởi khi các cơ bắp rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, sức đề kháng giảm thì bạn rất dễ bị cảm lạnh. Hãy xem xét đến các bài tập mà bạn có thể tập tại nhà với tay không hoặc các dụng cụ đơn giản như chống đẩy, gập bụng, yoga, tạ cá nhân,... Điều này vừa giúp các cơ duy trì được sự dẻo dai vừa đảm bảo an toàn cho cơ thể.
Link gốc: https://suckhoedoisong.vn/phong-benh-hay-gap-mua-ret-cho-ca-nha-n139853.html
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.