Phụ huynh: 'Nhiều lúc nổi cáu với con vì quá mệt, chỉ ao ước trường mầm non mở lại'

Nhiều phụ huynh có con đến tuổi học mầm non tại Hà Nội mong muốn trường được mở cửa trở lại để giảm áp lực tại nhà, tập trung được vào công việc.

Mệt mỏi, áp lực vì con không được đến trường

Chiều 4/4, Hà Nội ra thông báo cho trẻ đi học lại, nghe chồng nói nên chị Nguyễn Huyền Diệu (Vĩnh Hưng, Hoàng Mai) mừng, vội tìm mấy trang báo đọc để nắm tình hình chuẩn chị cho con tới trường. Nhưng chị hụt hẫng với dòng thông tin trẻ mầm non tiếp tục ở nhà.

Chị Diệu cho biết, nhà chị có hai con gái 1 và 3 tuổi. Vợ chồng chị mở trung tâm gia sư nên rất bận rộn, không có nhiều thời gian cho con. Hồi đầu chị thuê giúp việc để chăm hai bé, nhưng giúp việc sau đó nghỉ vì nhà có người ốm. Chị không thuê thêm được ai vì mức lương mong muốn của họ khá cao, từ 10 đến 12 triệu cho việc chăm hai bé.

"Hai vợ chồng tôi đi dạy và làm trung tâm gia sư, tháng kiếm được khoảng 30 triệu đồng, tiền thuê giúp việc trông hai đứa hết 10 triệu, chưa kể chi tiêu ăn uống, đám đình trong nhà tôi nên không thể kham nổi", chị Diệu nói và cho biết chị đã tìm các giáo viên mất việc vì dịch Covid-19, gửi nhờ con sang nhà cô trông hộ và dạy bé một số kỹ năng.

Chị Diệu gửi hai bé với giá 6 triệu đồng/ tháng, so với giá thuê giúp việc giảm một nửa. Tuy nhiên bà mẹ hai con có nhiều điều không an tâm khi gửi con sang nhà cô.

Chị chia sẻ vì gửi sang nhà cô nhờ chăm nên không hề có camera để quan sát hoạt động của con trong ngày, mọi hình ảnh chỉ bị động được cô giáo gửi cho một hai bức.

"Nhiều lúc tôi cũng lo lắng con mình ăn, ngủ ở lớp thế nào, nhưng vì công việc, để có thu nhập trang trải cho gia đình, tôi đành chấp nhận gửi con đi", chị Diệu mong muốn trường mầm non sớm mở cửa trở lại để chị cho bé lớn 3 tuổi được đến trường công, giảm bớt gánh nặng học tư.

Phụ huynh: Nhiều lúc nổi cáu với con vì quá mệt, chỉ ao ước trường mầm non mở lại - Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh mong muốn trường mầm non được mở cửa trở lại.

Dịch dã đã khiến việc đi chơi của các con bị hạn chế, khả năng giao tiếp của các bé cũng kém, chị mong sớm mở lại trường để các con có nơi vui chơi, học tập phát triển bản thân.

Cùng mong muốn lớp mầm non được mở cửa trở lại, chị Phạm Thi Thanh Quỳnh (sống tại HH Linh Đàm) chia sẻ, phải xin cơ quan làm việc tại nhà từ ngày trường mầm non đóng cửa đến bây giờ để trông con.

Chị Quỳnh có 3 con, con gái đầu năm nay vào lớp một trong khi hai em bé đều trong độ tuổi học mầm non. Từ ngày trường đóng cửa, dù nhà đã có dì giúp đỡ trông con, nhưng chị Quỳnh vẫn phải mang việc cơ quan về nhà làm hỗ trợ chăm các bé vì có tận 3 con nhỏ.

Bà mẹ tâm sự việc chăm ba con cùng một lúc cộng với khối lượng công việc cơ quan giao khiến chị chịu nhiều áp lực. "Nhiều lúc mình nổi cáu với con vì quá mệt, chỉ ao ước trường mầm non mở cửa trở lại để cho con đến trường", chị nói.

Để có thời gian hoàn thành công việc trong ngày, có hôm chị Quỳnh cho con xem tivi nhiều giờ liền. Dù biết không tốt nhưng bà mẹ ba con cho biết chỉ có cho con xem tivi chúng mới ngồi yên để chị làm việc.

Để giảm bớt áp lực cho bản thân, người phụ nữ đăng bài trên các nhóm trẻ tìm cô giáo trông hộ. Bà mẹ 35 tuổi từng tìm nhiều nhóm lớp nhưng học phí cho cả 3 đứa cao hơn nhiều so với thu nhập của chị.

"Một ngày học tư tại nhà cô hết 200 nghìn cho một bé, đấy là những lớp gần nhà, lớp xa nhà rẻ hơn một chút nhưng mình lại không thể đưa đón 3 đứa cùng lúc được", chị Quỳnh cho biết đã cho 2 bé gái đi học, bé trai nhỏ hơn ở nhà cùng chị.

Trẻ mầm non cần thiết phải đến trường

Liên quan đến vấn đề có nên mở cửa lại trường mầm non hay không, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non.

"Không nên chờ đợi việc tiêm vắc xin cho trẻ rồi mới cho trẻ đến trường", ông Phu nói.

Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí, khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm, không lây nhiễm...

PGS Trần Đắc Phu cho rằng phần lớn trẻ em nhiễm Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ, nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học.

 Ông Phu nói vừa qua, trẻ em ở nhà dương tính rất nhiều vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, khi người lớn mắc bệnh lây cho trẻ. Nếu đến trường làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà.

Phụ huynh: Nhiều lúc nổi cáu với con vì quá mệt, chỉ ao ước trường mầm non mở lại - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

"Hiện nay, chúng ta đã chuyển từ chiến lược Zero Covid sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Chuyển từ cấm đoán (cấm các hoạt động, cấm đi lại…) sang kiểm soát rủi ro… còn kiểm soát rủi ro khi cho trẻ đến trường là trẻ bị nhiễm thì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đối với trẻ đó, lớp học có trẻ bị F0", nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói và cho biết chúng ta mở cửa đồng bộ nhưng cũng dự phòng đồng bộ, nới lỏng chứ không buông lỏng. 

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh hiện nay, đối với trẻ chưa tiêm vắc xin và không tiêm vắc xin thì nhiều quốc gia đã hối thúc đi học

Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, ngoài việc tổ chức và thực hiện tốt quy định phòng chống dịch của Chính phủ, của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn cần sự phối hợp tốt giữa gia đình với nhà trường và cơ quan y tế.

"Khi đi học, các trường vẫn phải triển khai các biện pháp phòng bệnh. Phụ huynh cũng cần phối hợp tốt với nhà trường để đảm bảo an toàn cho các cháu", nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nói.

Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng, từ tiêm vắc xin Covid-19 cho người lớn trong nhà, tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi đến tiêm phòng cho các nhân viên trường học và trẻ nhỏ.

Ngày 4/4, Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng đã có văn bản thống nhất về nguyên tắc theo đề xuất của Sở GD-ĐT Hà Nội về việc cho học sinh các khối từ lớp 1 đến lớp 6 ở 30 quận, huyện, thị xã trở lại trường học trực tiếp.

Theo đó, UBND TP đồng ý cho học sinh các khối lớp 1- 6 sẽ đi học trở lại từ ngày 6/4 (thứ Tư) và học các ngày trong tuần theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Riêng trẻ mầm non vẫn nghỉ học tại nhà.

https://soha.vn/phu-huynh-nhieu-luc-noi-cau-voi-con-vi-qua-met-chi-ao-uoc-truong-mam-non-mo-lai-20220405111510868.htm

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang