Nhiều thế hệ học sinh lâu nay vẫn luôn thấy học môn Toán thật khô khan vì trang sách chỉ có những con số và những dạng bài tập quen thuộc. Thế nên các nhà làm sách đã mạnh dạn đưa ra các tình huống khác nhau để giúp các em cảm thấy mới mẻ, hứng thú hơn. Dẫu vậy, sự sáng tạo đôi khi lại khiến cả học sinh và lẫn phụ huynh phải... rùng mình.
Trong chương trình Toán lớp 2 của trường tiểu học Alaska, Cầu Giấy, Hà Nội, bài toán đưa ra là:
Một con rồng có 3 cái đầu. Mỗi khi người hùng chặt đứt một cái đầu nó, ba cái đầu mới sẽ được mọc lên thay thế thái cũ.
Người anh hùng đã chặt một cái đầu và thêm 2 cái đầu khác của nó. Hỏi con rồng khi đó có tất cả bao nhiêu cái đầu?
Sẽ chỉ là một bài toán tính thông thường nếu như tình huống đưa ra không mang tính rùng rợn "chặt đầu".
Một phụ huynh đọc xong phải thốt lên: "Từ ngữ trong đề bài câu số 10 không phù hợp với trẻ lớp 2". Hay "Dù là tình huống giả tưởng và cho các em thấy sức mạnh người hùng nhưng đọc xong mình cũng nổi gai ốc".
Trước đó, mạng xã hội cũng xôn xao với bài toán "nghịch dao cụt ngón tay". Mặc dù chỉ là sách tham khảo bán trên thị trường để cha mẹ cho con làm thêm phép cộng trừ nhưng tình huống và hình ảnh minh họa hoàn toàn không phù hợp với học sinh.
Cụ thể, ở trang 11 trong cuốn sách “Phép cộng trừ phạm vi 100” có câu hỏi: "Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay".
Bài toán còn có phần hướng dẫn giải tóm tắt và hình vẽ minh họa với hai bàn tay và hai ngón trỏ, giữa của bàn tay phải bị cắt rời bỏ sang một bên.
Trường hợp khác, trong cuốn "Hỏi đáp nhanh trí" của Nhà xuất bản Phụ nữ lại có bài về... chặt đầu.
Bài toán in hình một người nằm trên máy chém cùng câu hỏi "Anh A bị chặt đầu lúc 40 tuổi, vậy con cái anh A bị làm sao!?".
Nhiều bậc phụ huynh đã tỏ thái độ phẫn nộ trước những bài toán phản giáo dục này.
"Không hiểu đơn vị biên soạn sách cũng như nhà xuất bản in và phát hành sách tư duy thế nào mà để một câu hỏi rùng rợn như vậy trong một cuốn sách thông minh".
"Không thể hiểu nổi. Người tuyển chọn, biên soạn câu hỏi bí quá hay sao mà lại đưa câu này vào. Và cả đội ngũ kiểm duyệt trước khi in ấn, cấp phép không đọc, duyệt hay sao mà vẫn cho xuất bản, phát hành".
Theo Trí thức trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.