Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, các trường tiểu học sẽ chọn một trong 5 bộ sách giáo khoa (SGK) mới đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt để dạy.
5 bộ sách bao gồm: 4 bộ của NXB Giáo dục Việt Nam là "Kết nối tri thức với cuộc sống"; "Chân trời sáng tạo"; "Cùng học để phát triển năng lực”; "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục". Bộ sách còn lại là "Cánh Diều", sản phẩm hợp tác của NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP HCM và Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam.
Được biết, điểm khác biệt quan trọng nhất giữa SGK mới so với SGK cũ là nội dung sách được biên soạn, thêm nhiều hình ảnh, tranh vẽ minh họa để trở nên hấp dẫn và thú vị hơn đối với học sinh, giúp các em phát triển tốt các kỹ năng đọc, viết, nói, nghe.
Đại đa số phụ huynh khen sách đẹp và bắt mắt
Chị Bích Liên là một bà mẹ hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Con chị Liên năm nay lên lớp 1 và hiện đang học bộ sách "Cánh diều" của NXB Đại học Sư phạm TP.HCM. "Nhận được bộ SGK của con, quyển đầu tiên mình mở ra là sách Toán. Thực sự ấn tượng khi sách có rất nhiều tranh ảnh về phong cảnh thiên nhiên, vừa đẹp vừa gần gũi. Ngoài ra còn có nhiều trò chơi lý thú, giúp trẻ vừa chơi vừa học", Chị Liên chia sẻ.
Bà mẹ này cho biết, nhờ những hình ảnh minh họa trong sách mà con chị tiếp thu bài nhanh hơn: "Trong quá trình kèm con học, mình để con tự đọc, đánh vần theo đúng như cô giáo dạy trên lớp. Mình thấy con học tiếp thu nhanh".
Cùng ý kiến với chị Liên là chị Phương Thảo (quận 1, TP.HCM). Có con nhỏ cũng đang học lớp 1, chị thẳng thắn chia sẻ: "Cá nhân mình thấy SGK năm nay của các bạn lớp 1 rất hay. Thứ nhất là do có nhiều bộ sách khác nhau để chọn lựa nên có được sự đa dạng trong phương pháp và cách thức tiếp cận khác nhau phù hợp với từng đối tượng. Thứ hai là một số bộ sách (ví dụ như Cánh Diều cũng có áp dụng một số phương pháp và cách thức giáo dục theo kiểu Mỹ), học sinh sẽ được học chủ động hơn và thiên về tư duy hơn là học vẹt. Ngoài ra hình ảnh và chất lượng giấy in năm nay có vẻ cũng đẹp hơn những bộ sách trước".
Chị Thảo cho biết nếu với đứa con đầu, vợ chồng chị phải "đánh vật" kèm con học thì mọi chuyện với con út hiện tại nhẹ nhõm, đơn giản hơn rất nhiều: "Chắc vì sách đẹp, giống như một cuốn truyện tranh nên con cũng thích thú".
Nhìn chung, đa phần phụ huynh đều cho rằng nội dung sách năm nay có nhiều sự đột phá, chú trọng phát triển tư duy cho trẻ và liên hệ mở nhiều, gắn với thực tiễn. Tuy nhiên bên cạnh những lời khen, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, SGK năm nay vẫn còn một số điểm trừ.
Những phụ huynh "đánh vật" trong việc dạy con
Với chị Thu Trang (Hải Phòng), 2 ngày gần đây thực sự vất vả và ám ảnh khi phải kèm con học. Con trai út của chị năm nay lên lớp 1 và hiện đang học bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" của NXB Giáo dục Việt Nam. "Hôm qua mình đã "tăng xông thực sự". Không thể kèm con tiếp và phải vội ra khỏi phòng con để lấy lại bình tĩnh".
Theo chị Trang, bộ SGK năm nay thực sự đẹp và bắt mắt tuy nhiên nội dung sách Tiếng Việt lớp 1 có phần hơi nặng. "Mình chưa được tiếp cận với SGK năm ngoái, cũng chưa xem hết 5 bộ SGK của năm nay nên sẽ không so sánh các bộ sách với nhau. Tuy nhiên, theo đánh giá của mình, sách tiếng Việt con mình đang học khá khó so với trình độ vỡ lòng.
Ngay ở tuần thứ nhất, các bé đã phải học về thanh điệu, ghép vần. Các kiến thức khó như chữ in hoa, chữ nhỏ, kỹ năng đọc và đọc hiểu cũng được giới thiệu rất sớm, ngay trong nửa đầu học kỳ 1. So với trình độ vỡ lòng, mình đánh giá như vậy là khó. Vì học theo chương trình này đồng nghĩa với việc các con phải thuộc lòng mặt chữ từ trước, phải phân biệt các thanh bằng - trắc và đòi hỏi ghép vần, đọc và đọc hiểu thành thục.
Các bé đã có nền tảng nắm vững chữ cái có lẽ sẽ tiếp thu tốt và nhanh hơn so với các bé chưa thuộc mặt chữ, là một "tờ giấy trắng" (như con mình chẳng hạn). Việc nhận diện mặt chữ viết hoa và viết chữ nhỏ, theo mình cũng là khó khăn với một số bé chưa có "kinh nghiệm" từ trước.
Việc SGK giới thiệu nhiều kiến thức và kỹ năng khó, trừu tượng trong thời gian ngắn có lẽ sẽ khiến nhiều học sinh và phụ huynh cảm thấy bối rối. Phụ huynh thực sự phải là người đồng hành, học cùng, học kèm con thì mới có thể cùng con vượt qua lớp 1 không nước mắt".
Còn về sách Toán, bà mẹ này dành nhiều lời ngợi khen: "Với sách Toán, mình thấy sách được biên soạn hiện đại, tiếp cận với các phương pháp giảng dạy tiên tiến của nước ngoài. Việc không quá chú trọng đến lời giải (lời văn) mà tập trung hơn đến giải toán, đặt tính, theo mình là phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại".
Tuy nhiên theo chị Trang, sách cũng hơi khó ở chỗ có nhiều bài toán "bẫy", đố mẹo và yêu cầu đặt phép tính cộng trừ 3 số. Nếu các bé theo kịp, SGK này sẽ hỗ trợ phát triển tư duy, linh hoạt hơn trong việc tiếp cận vấn đề, thay vì học vẹt hoặc làm toán theo thói quen, lối mòn. Mặt khác, đây cũng sẽ là một thách thức với phụ huynh khi muốn hỗ trợ, kèm con học.
Giống như chị Trang, chị Phương Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) những ngày gần đây cũng khá căng não trong việc kèm con học. Do năm nay học chương trình mới nên chị Phương Anh quyết định không cho con học tiền tiểu học. Bà mẹ trẻ chủ trương cho con phát triển tự do, không quá gò bó và ép buộc.
"Có điều là cách dạy của năm nay khác quá nên mình kèm cháu cũng thấy khá hoang mang. Tuy nhiên tương tác giữa cô giáo và phụ huynh rất tốt nên mình cũng không lo lắng nhiều, chỉ cần mình kiên trì với con là được. Cô cũng không ép hoàn thành hết bài tập về nhà, cứ theo khả năng của con mà làm. Thành ra con vừa học vừa chơi, không bị áp lực", bà mẹ trẻ cho hay.
Được biết, con trai chị Phương Anh hiện cũng đang học bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Nhận xét về bộ sách, chị cho biết: "Hiện tại thì mình thấy lạ lẫm 1 chút. Sách Tiếng Việt có cách dạy thiên về ghi nhớ hình ảnh hơn. Nên là nếu những hình ảnh đó con đã gặp ngoài đời nó sẽ nhớ rất nhanh, còn chưa nhìn thấy bao giờ thì có vẻ như sẽ khó khăn hơn.
Ví dụ bé nhà mình nhìn thấy quả bưởi rồi thì rất dễ để đọc được. Nhưng quả cà tím chưa thấy bao giờ thì con mất nhiều thời gian. Mình phải mở điện thoại, vào google tìm hình ảnh thật của quả cà tím thì con mới nhớ được. Với giáo trình này mình nghĩ các mẹ nên cho con học theo kiểu thực tế, nhìn thấy đồ có chứa chữ cái mà con đã học thì nói với con. Như thế mình thấy con tiếp thu nhanh hơn".
Nói về sách Toán, chị Phương Anh chia sẻ, nội dung sách hơi nặng so với con mình. "Về chương trình thì mình thấy không khác nhiều với năm trước nhưng cá nhân mình thấy khá khó để người lớn dạy được cho các bạn nhỏ. Hình ảnh trong sách bị rối quá, bản thân mình nhìn còn hoa cả mắt. Nhất là bài đầu tiên, học về "nhiều hơn ít hơn" mà hình ảnh chưa rõ ràng để con nhận định số lượng bằng mắt.
Bài thứ 2 học về "hình vuông hình tròn", các hình minh hoạ không đủ kích thích thị giác rất khó để trẻ ghi nhớ. Bé nhà mình có tư duy hội hoạ khá tốt nên còn bảo với mẹ là đường kẻ bên trong hình vuông bị lệch. Có vài môn mới như hoạt động trải nghiệm thì mình chưa đọc qua sách nên không rõ lắm".
Tuy còn một số điểm chưa hài lòng nhưng cả chị Thu Trang và chị Phương Anh đều đánh giá cao những nỗ lực cải cách của bộ sách giáo khoa năm nay, khi có nhiều hình ảnh bắt mắt, giúp trẻ nhỏ thêm hứng thú hơn trong học tập.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.