Người ta thường nói làm mẹ là thiên chức của phụ nữ. Nhưng bên cạnh nhiều bà mẹ tận hưởng hành trình nuôi dạy con cái trọn vẹn cảm xúc, cũng có người tìm thấy hạnh phúc của mình ngoài việc sinh con.
"Mình rất hưởng thụ việc làm mẹ của hai em bé ở nhà" là chia sẻ ngọt ngào của Stylist Lâm Thúy Nhàn khi trả lời câu hỏi có phải đánh đổi điều gì khi làm mẹ hay không. Niềm vui đơn giản của hot mom đã có hai nhóc tì này là được dành thời gian cho con, ngắm bọn trẻ cười đùa mỗi buổi tối.
Tuy nhiên, với bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Tổng giám đốc Elite Việt Nam thì lại khác, bà thoải mái khi quyết định không sinh con và được chồng thấu hiểu lựa chọn của mình. "Con cái là trách nhiệm một đời người và không phải đứa trẻ nào cũng khiến cha mẹ hạnh phúc. Mình sợ gánh vác trách nhiệm như vậy", bà Thúy Nga thẳng thắn.
Làm mẹ vừa là điều kỳ diệu vừa là đặc quyền của người phụ nữ, bởi đàn ông có cố gắng đến mấy cũng chẳng thể sinh nở. Nhưng đó tuyệt đối không phải là một thành tích mang ra so sánh hay phải làm để chiều lòng xã hội.
Luôn có nhiều hơn một con đường để đi đến hạnh phúc. Thế nên, việc làm mẹ, đến cuối cùng vẫn nên là lựa chọn có ý thức của phụ nữ khi họ hạnh phúc với điều đó.
Thoạt nhìn, Lâm Thúy Nhàn xinh đẹp, tràn đầy sức sống, là một phụ nữ thành công trong sự nghiệp. Song chị tỏa sáng và truyền cảm hứng nhiều nhất khi làm mẹ. Từ ngày hai nhóc tì Hehe đến Hiuhiu lần lượt chào đời, chị Nhàn bỗng nhiên "biến hình" thành một hot mom hiện đại, vui vẻ và cực tâm lý.
Nếu chưa có em bé, chị Nhàn nghĩ mình sẽ đi du lịch nhiều hơn, sống một cuộc sống tự do theo ý muốn, làm mọi điều mình thích. Nhưng rốt cuộc, cậu bé He và "nàng công chúa" Hiu ra đời đã thay đổi kế hoạch của mẹ Nhàn. Từ một stylist có tiếng trong giới, chị Lâm Thúy Nhàn quyết định trở thành bà mẹ toàn thời gian, để hai đứa trẻ thành trọng tâm cuộc sống.
"Mọi việc đến như nó phải đến thôi. Việc lập gia đình riêng không phải mọi người xung quanh thúc ép là được, nó còn phải đúng người đúng thời điểm", chị Nhàn chia sẻ.
Ai cũng lần đầu làm mẹ, không tự nhiên mà người phụ nữ có thể giỏi giang hay đảm đương mọi việc, có những lúc vụng về, có cả lúc ngớ ngẩn. Nhưng trong hành trình đủ mọi cung bậc cảm xúc ấy, điều hạnh phúc nhất là các bà mẹ luôn được đồng hành với bé con của mình, học hỏi chia sẻ và dành thời gian cho nhau. Với chị Lâm Thúy Nhàn, việc nuôi dạy hai em bé luôn đầy năng lượng ở nhà giúp chị thay đổi nhiều, dần dần trách nhiệm, thận trọng và kiên nhẫn hơn. "Mình trưởng thành hơn từ ngày có He và Hiu".
Nuôi dưỡng và dạy dỗ mỗi một đứa trẻ là công việc đầy ắp ngọt ngào viên mãn nhưng cũng không thiếu được những giọt nước mắt hay những lần mẹ con dỗi nhau. Là một bà mẹ luôn biết cách để mình và bé con hạnh phúc, chị Nhàn kể rằng bí quyết của chị là luôn lạc quan, tránh xa khỏi áp lực.
"Cuộc sống phải vui tươi, muôn màu muôn vẻ và khi cần giúp đỡ hãy lên tiếng. Mọi người nghĩ mình được cưng chiều nhưng đó là cả quá trình làm người và làm mẹ của mình, sống sao để có sự cho và nhận từ hai phía, tập bình đẳng từ đầu thôi".
Ai đó đã từng nói "tình mẹ có ảnh hưởng to lớn đến con người và không gì so sánh được". Quả thật, trên quãng đường làm mẹ, người phụ nữ nào cũng mang trong mình những bất an lo lắng và kỳ vọng. Thế nhưng, khi con chào đời từng cử chỉ, từng tiếng khóc nụ cười, cái nắm tay, bước chân chập chững hay đôi khi kinh dị hơn là cái bỉm nặng trịch của con đều là nguồn cảm hứng bất tận cho mẹ.
"Mỗi ngày ngồi nhìn tình cảm của He dành cho Hiu là mình vui rồi. Mình nghĩ đó là ưu điểm lớn nhất của việc làm bà mẹ có hai con, mình cho He một em gái và cho Hiu một anh trai", chị Lâm Thúy Nhàn tự hào nói.
Lấy tình cảm mềm mại dịu dàng nhất trong tim để yêu thương con, thế nhưng thời điểm phải đối mặt với những kỳ vọng xã hội áp đặt, người phụ nữ luôn biết cách vững vàng. Chẳng thế mà khi đề cập về định kiến ngàn đời dành riêng cho phụ nữ như không được thế này, phải thế kia, bà mẹ hai con Lâm Thúy Nhàn thẳng thắn: "Mọi người cứ kỳ vọng đi, thích đạt được kỳ vọng hay không là chuyện của mình".
Có rất nhiều phụ nữ giống như Lâm Thúy Nhàn, việc làm mẹ đến một cách tự nhiên như cây nở hoa, như chim tung cánh. Dù trước lúc mang thai, họ có nắm giữ vị trí đặc biệt nào trong xã hội hay có những mục tiêu to lớn ra sao thì cũng không so sánh với việc được làm mẹ - đó chắc chắn là sự nghiệp quan trọng, đáng tự hào nhất.
Cũng là một bà mẹ hạnh phúc, luôn mang năng lượng tích cực tuy nhiên chị Nguyễn Thị Huệ Hữu lại đặc biệt hơn một chút. Chị là một single mom (mẹ đơn thân).
Khái niệm single mom đã không còn quá xa lạ trong xã hội hiện đại, hiểu một cách chính xác, single mom (hay single dad) là những người một mình nuôi dạy con cái mà không có vợ, chồng hay bạn đời bên cạnh.
Mọi người vốn có định kiến rằng chỉ một bậc cha hoặc mẹ thì không thể nào mang đến cho con cái một tình yêu thương trọn vẹn. Nhưng với chị Huệ Hữu và cô con gái Phơri thì họ sẽ hỏi ngược lại rằng "Ơ kìa, tại sao lại không cơ chứ?".
Làm một bà mẹ đơn thân là lựa chọn không hề dễ dàng, thậm chí khó khăn hơn rất nhiều so với việc sinh con trong một gia đình hạt nhân truyền thống. Vượt qua thời gian mang thai, lúc sinh nở, "nằm ổ" hay chăm con là một số trong hàng trăm điều khiến người mẹ luôn phải bận tâm.
Chị Huệ Hữu đón nhận tin mình có em bé trong sự bất ngờ. Song, là một phụ nữ tự tin, yêu đời, giỏi sắp xếp lên kế hoạch và luôn hiểu rõ mình muốn gì, chị Hữu biết phải làm thế nào để mình có một cuộc sống tích cực mang đến hạnh phúc cho con. Trên hết vẫn là sự chuẩn bị kỹ càng cả về tài chính, sức khỏe, cùng một tinh thần tràn ngập sự yêu thương để bước vào hành trình kỳ diệu của cuộc đời nữa chứ.
"Nếu nói làm mẹ đơn thân không buồn là không phải, nhưng tôi không sợ hãi hay lo lắng. Không hiểu sao tôi có một quyết tâm rất tuyệt vời và lớn lao. Rằng, mỗi một đứa trẻ xuất hiện đều có lý do tuyệt vời của nó, điều đó chỉ mang đến niềm vui, sự hứng khởi, những ý tưởng, hạnh phúc chứ không phải lo lắng băn khoăn. Tôi chỉ suy nghĩ, mình cần phải khởi nghiệp, hoặc làm gì đó, một sự nghiệp riêng nhỏ nhỏ để có nhiều thời gian tự do, sắp xếp thời gian bên cạnh con dễ dàng hơn. Tôi đón nhận niềm vui có em bé một cách tích cực, tinh thần mạnh mẽ, rõ ràng và chuẩn bị cho tương lai một cách khoa học".
Là single mom, điều khó khăn nhất mọi người thường nghĩ đến là việc gì cũng lủi thủi một mình, thế nhưng chia sẻ với aFamily, chị Huệ Hữu lại không cho rằng như vậy, ít nhất là trong trường hợp của chị. Cả lúc Phơri ốm nằm viện, chị vẫn nhận được sự quan tâm, tình yêu thương từ mọi người xung quanh. "Anh trai tôi nói rằng nếu tôi không nuôi được, anh ấy sẽ phụ nuôi, anh ấy rất thích đông con, và con cái là của trời cho, là một món quà, là niềm vui. Và đồng thời bạn bè cũng ủng hộ tôi về tinh thần rất nhiều, tôi thật biết ơn tất cả".
Nữ nhà văn Michelle Zink - cũng đồng thời là bà mẹ đơn thân của 4 người con, từng nói rằng "luôn luôn có cách dành thời gian cho những gì bạn yêu thương". Thế nên những single mom dù phải nỗ lực cân bằng giữa công việc với đời sống riêng tư, hay giải quyết những gánh nặng tài chính thì vẫn luôn dành thời gian cho con nhiều nhất có thể. Bởi với mỗi người mẹ, bé con gần như là cả thế giới.
Lựa chọn sinh con luôn đi kèm với nhiều trách nhiệm, lo lắng nhưng giây phút được bế con trên tay, nghe thấy hơi thở bé bỏng hay nhìn bé con say giấc là lúc các mẹ cảm nhận được trái tim mình ấm áp và mềm hơn bao giờ hết. Với mẹ Hữu, đôi khi chỉ cần nhìn con gái Phơri hoặc con trai Moza cười đùa khanh khách là bao nhiêu mệt nhọc tan biến sạch sẽ.
"Việc làm mẹ khiến tôi trở thành người phụ nữ quyến rũ và tri thức hơn chứ không phải đánh đổi hay đánh mất điều gì cả. Tôi nghĩ thật khó để trả lời điều hạnh phúc nhất khi trở thành mẹ là gì. Vì khi làm mẹ, chúng tôi (những người mẹ) có quá nhiều điều hạnh phúc đến nỗi chúng tôi không thể kể ra rằng điều nào là hạnh phúc nhất".
Những em bé lớn lên trong gia đình chỉ có một bậc cha mẹ hay bị xem là thiệt thòi, thiếu thốn. Nhưng theo nghiên cứu của Tiến sĩ tâm lý học Paul Amato (Đại học Pennsylvania) vào năm 2001 thì sự thật là trẻ con nhận nhiều năng lượng từ cha mẹ. Nếu chúng cảm nhận được đầy đủ sự quan tâm, được yêu thương đúng cách, được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần thì đứa bé nào cũng sẽ lớn lên lành mạnh, không phân biệt ở cùng với mẹ, với bố hay cả hai.
Lũ trẻ phản ánh bố mẹ chúng; ông bố hài hước sẽ nuôi dạy nên đứa con biết cách mang đến tiếng cười hay bà mẹ giàu lòng trắc ẩn sẽ tạo ra những con người biết lắng nghe và chia sẻ.
Thế nên cô bé Phơri, sống cùng mẹ Hữu lúc nào cũng suy nghĩ tràn đầy tích cực, luôn biết cách hạnh phúc cũng trở thành một em bé ngọt ngào, có tình yêu to lớn với nghệ thuật, với cái đẹp và luôn được mẹ dạy về lòng biết ơn trong cuộc sống.
"Bản thân tôi là người vui vẻ và luôn quan tâm đến con tôi đầy đủ. Tôi chưa bao giờ có cảm giác ích kỷ hay ghét bỏ gì ba của con mình, càng không đòi hỏi hay khó chịu khi được hay không được sự quan tâm của đối phương. Vì vậy tôi chẳng có tí năng lượng tiêu cực nào truyền sang cho con tôi cả. Cô nàng Phơri cứ thế lớn lên tự nhiên như một cái cây trong rừng, đủ nắng gió, năng lượng tuyệt vời để lớn lên trong hạnh phúc. Một trạng thái rất tự nhiên".
Người ta hay mơ hồ về thiên chức làm mẹ của phụ nữ, nghĩ rằng họ phải hy sinh, phải chấp nhận, phải đánh đổi. Nhưng vốn dĩ đằng sau những điều xã hội thường nghĩ chỉ đơn giản là tình yêu dành cho con đến phi lý của các bà mẹ. Bởi khi đã làm mẹ, ưu tiên hàng đầu luôn là sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc của con cái.
Mỗi đứa trẻ hạnh phúc sẽ khiến người làm mẹ cũng trở nên hạnh phúc. Hay ngược lại, người mẹ luôn vui vẻ tích cực sẽ tạo nên những bé con biết thấu hiểu, yêu thương thế giới xung quanh. Thế nên, có những người mẹ ngày càng sắc sảo mặn mà hay xinh đẹp rực rỡ là vì chiếc áo thiên chức không khiến họ mệt nhoài, không làm họ khó chịu mà chỉ giúp họ trở nên tỏa sáng hơn.
Có những bà mẹ hạnh phúc bên con cái và yêu thiên chức tự nhiên mà mình đảm nhận, nhưng cũng có những người phụ nữ ngay từ đầu đã lựa chọn không sinh con, họ dành tâm sức và thời gian cho những điều ý nghĩa không kém.
Ở tuổi 25, Huỳnh Minh Tú (nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Pháp) thấy bất ngờ vì nhiều người bạn xung quanh cô đã kết hôn, sinh con. Cả mẹ cô cũng giục con gái về nhà lấy chồng, ổn định cuộc sống bởi theo lời mẹ Tú "Con gái sớm sớm mà lấy chồng, sinh con, có mấy người sống cả đời mà không con cái đâu con?".
Tuy nhiên, Minh Tú thuộc tuýp người không muốn sinh con.
"Mình có những ưu tiên của bản thân, sự nghiệp đối với mình rất quan trọng, kết hôn thì mình có nghĩ đến nhưng việc sinh con thì mình thấy mình không sẵn sàng. Với cả mình còn chưa kịp khám phá thế giới, chưa chơi đủ, chưa làm hết những điều mình muốn thế nên việc sinh con chắc sẽ rất lâu mới xuất hiện trong đầu mình", Tú cười nói.
Hay như Nguyễn Phạm Đan Vi (chuyên viên tổ chức sự kiện, 26 tuổi) cũng không nghĩ sẽ gắn mình với hôn nhân hay con cái. Nguyên nhân là vì cô cảm thấy mình không sẵn sàng cho cả hai. Đan Vi chia sẻ cô không thấy áp lực về lựa chọn của chính mình mà áp lực khi nhìn thấy mọi người xung quanh vội vàng lựa chọn khi họ chưa sẵn sàng, thậm chí không có bất kỳ sự chuẩn bị nào cho tương lai mà cứ thế cưới rồi sinh con.
"Sinh con là một sự lựa chọn, quyền tự do và trách nhiệm đến cùng. Nhưng những đứa trẻ được sinh ra khi cha mẹ không thật sự sẵn sàng có thật sự có được mọi thứ nó cần để phát triển toàn diện không?" là nỗi băn khoăn của cô gái 26 tuổi khi thấy bạn bè lần lượt kết hôn và có con.
Với những người trẻ như Minh Tú hay Đan Vi, họ có nhiều ưu tiên khác hơn là con cái và việc phát triển bản thân được đặt lên hàng đầu thay vì chăm sóc hay chịu trách nhiệm cho gia đình hay con trẻ.
Phần đông xã hội nghĩ rằng trở thành mẹ là bước hoàn thiện của người phụ nữ, nhưng Đan Vi lại có quan điểm khác: "Hoàn thiện bản thân là một hành trình chứ không phải điểm đến. Vì thế, làm mẹ hay không cũng chỉ là cột mốc đánh dấu sự trải nghiệm chứ không là thành tích hay sự công nhận phải đạt được".
Lý giải về việc phụ nữ ngày càng độc lập và tự chủ hơn trong quyết định kết hôn, sinh con, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đưa ra nguyên nhân:
"Điều này thường có hai nguyên nhân lớn. Thứ nhất và cũng là nguyên nhân hàng đầu đấy là người phụ nữ chủ động được tài chính của bản thân, không phải phụ thuộc vào nam giới như trong xã hội trước đây. Thứ hai nữa, những cá nhân có xu hướng lựa chọn không sinh con thường là những người cầu toàn. Họ lo lắng nhiều thứ, lo lắng con mình sinh ra có khỏe mạnh hay không, nuôi dạy có tốt không hay nó thật sự sống được một cuộc đời ý nghĩa hay không".
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cũng chia sẻ thêm: "Xu hướng trở thành single mom hay quyết định không sinh con đúng là ngày càng nhiều hơn, nhưng nó không phải là hướng phát triển của xã hội trong tương lai. Những trường hợp như thế sẽ không trở thành phổ biến đến mức đe dọa đến sự tồn vong của xã hội".
Quan niệm ở Việt Nam từ xưa vẫn xem con cái là một dạng bảo hiểm cho tương lai như kiểu "bé thì nhờ mẹ nhờ cha, lớn lên nhờ vợ, về già nhờ con". Tuy nhiên, với bà Thúy Nga (Tổng giám đốc Elite Việt Nam), người quyết định không sinh con thì khác, chị và chồng đã chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai.
"Khi sinh một đứa con ra phải chịu trách nhiệm với nó đến lúc chết. Mình không dám nhận trách nhiệm đó và mình đã có sự chuẩn bị cho cuộc đời mình. Vợ chồng mình vẫn vui khi không có con và về già thì vào trại dưỡng lão".
Cô bạn Đan Vi cũng đồng quan điểm với bà Thúy Nga, "Con cái không phải là một dạng bảo hiểm và không có khoản đầu tư nào chắc chắn và giá trị hơn là đầu tư vào bản thân mình".
Khi được hỏi rằng liệu cuộc sống không con cái có phải là ích kỷ khi luôn đặt nhu cầu bản thân lên trước mọi điều khác, Đan Vi khẳng định: "Mình nghĩ cuộc sống mà mình hiểu lựa chọn và trách nhiệm của mình thì chưa bao giờ là ích kỷ cả. Đặt gánh nặng tương lai của mình lên vai con - cái đó mới là ích kỷ".
Bà Thúy Nga cũng nói thêm rằng, cuộc sống hôn nhân quan trọng nhất là sự chia sẻ giữa vợ và chồng. Làm sao để cả hai đều thoải mái trong mối quan hệ, biết mình muốn gì và được ủng hộ nhau trong mọi quyết định, nhất là việc hệ trọng như sinh con. Phụ nữ không phải là quả hồng mềm để mọi người tùy ý nhào nặn theo ý kiến của họ.
"Phụ nữ nhiều khi nghĩ rằng nếu mình không đẻ được con thì mặc cảm, nhưng không có gì phải mặc cảm. Người ta lấy mình vì yêu mình chứ không phải mình là cái máy đẻ", Bà Nga cho rằng việc chia sẻ giữa vợ chồng là điều giúp gắn kết hôn nhân.
Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, sẽ hoàn toàn ổn nếu bất kỳ người phụ nữ nào cảm thấy không muốn hay chưa sẵn sàng làm mẹ bởi họ có nhiều điều cần phải quan tâm. Phụ nữ ngày càng độc lập, quyết đoán và tự chủ trong cuộc sống, trong những nhu cầu của bản thân và đặc biệt trong chuyện làm mẹ. Học cách yêu bản thân trước chẳng có gì sai trái mà chỉ khiến mỗi người hạnh phúc hơn mỗi ngày.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cũng khẳng định: "Điều phụ nữ cần là sự tôn trọng cho mỗi lựa chọn của mình chứ không phải áp lực hay phải chiều theo ý muốn người khác".
Vậy đó, các bà mẹ được bao quanh bởi tình thương yêu sẽ nuôi lớn những em bé tràn đầy sức sống. Hay những người phụ nữ luôn tự tin, được ủng hộ với quyết định không sinh con cũng tạo ra giá trị hạnh phúc cho riêng mình. Thế giới này sẽ tươi đẹp biết bao nếu lựa chọn của mỗi người phụ nữ đều được xã hội lắng nghe và tôn trọng, miễn sao họ hạnh phúc.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.