"Giáo viên thế hệ này có vẻ lười, toàn thấy gửi bài tập qua zalo bắt phụ huynh in hoặc đưa điện thoại, máy tính cho học sinh làm bài? Không rõ việc in ra phát cho mỗi cháu một tờ bài tập tốn bao nhiêu? Giờ phụ huynh phải đóng vai trò fowarder (người trung gian) và coppier (người sao chép) cho học sinh?" - Quan điểm của một người dùng trên Thread mới đây gây nên cơn mưa tranh cãi.
Người này cũng nói thêm, thay vì gửi bài qua nhóm chung, giáo viên có thể bớt chút thời gian yêu cầu học sinh chép trên lớp. Phụ huynh không phải ai cũng có điều kiện sắm điện thoại thông minh, máy tính, hoặc có máy in để in bài ra cho con làm.
Bên cạnh vài ý kiến đồng tình, rất nhiều cư dân mạng "ném đá", cho rằng đây là suy nghĩ quy chụp thiếu suy xét, không công bằng với những người đang đứng trên bục giảng.
"Lười biếng" hay phù hợp với thời đại công nghệ?
Luồng ý kiến đồng tình cho rằng, đúng là nhiều năm trở lại đây các thầy cô giáo đã gần như bỏ hình thức in tài liệu, đề cương, bài tập về nhà... bằng giấy truyền thống phát cho các em học sinh, mà phần lớn chụp ảnh gửi qua nhóm chung cho các em.
Việc làm này có thể giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí in ấn, nhưng có rất nhiều bất cập. Đó là học sinh sẽ lệ thuộc 100% vào điện thoại thông minh. Nhiều gia đình chưa có điều kiện, bố mẹ phải chia sẻ điện thoại cho các em để học, nhưng cũng không thể giám sát tuyệt đối liệu các con có học nghiêm túc hay không. Trong khi ở tuổi mới lớn, các em rất dễ bị cám dỗ theo cái xấu.
Việc nhìn vào một tờ giấy được in rõ nét sẽ đỡ hơn rất nhiều so với việc mở ảnh trên điện thoại ra xem rồi zoom chỗ nọ, kéo chỗ kia để nhìn từng chữ. Thời điểm Covid-19 bùng phát, phải học online, bất đắc dĩ mới phải tạo nhóm để gửi bài tập. Còn hiện tại, các thầy cô không nên dựa dẫm quá vào mạng xã hội.
"Mình đồng tình với ý kiến này. Mình là chị gái, bố mẹ cũng lớn tuổi rồi. Hiện giờ thầy cô trên lớp chỉ gửi bài tập và thông báo về lịch học trên zalo mà bố mẹ mình rất bận, không có mặt thường xuyên ở nhà nên gia đình mình bắt buộc phải có 1 cái điện thoại riêng để cho em mình nhận được bài tập và thông báo kịp thời, rất bất tiện và khó quản lý", một người nhận định.
Phía ngược lại phản biện: Thứ nhất, chỉ một việc gửi bài tập qua nhóm chung mà bảo giáo viên lười là sự quy chụp nặng nề. Thứ hai, việc in giấy tốn kém, và đối với những bạn nhỏ tiểu học sẽ xảy ra rất nhiều trường hợp: Có bạn cẩn thận cất kĩ nhưng cũng có một số bạn sau khi làm xong hoặc chưa làm, sẽ xé giấy hoặc vo tròn tờ bài tập. Thứ ba, đây là một cách rèn học sinh tự quản lý việc học.
"Công nghệ giờ số hoá hết, đừng nói rằng nhiều phụ huynh không có tiền mua thiết bị điện từ cho con em học, bởi lúc này ai cũng có điện thoại trong tay. Học sinh còn nhỏ, chữ viết chưa xong, không thể đủ thời gian chép đề. Phụ huynh cũng là một nhân tố trong giáo dục con trẻ. Việc đốc thúc con làm bài giáo viên gửi cũng là cách phụ huynh biết con mình đang học cái gì, đồng hành cùng con để biết con có ưu, nhược ra sao", một phụ huynh nhận định.
Nhiều người cho rằng giáo viên là nghề "làm dâu trăm họ" nên cũng không thể làm hài lòng tất cả. Liên quan đến chuyện tiền nong với phụ huynh không phải ai cũng thoải mái. Có phụ huynh than thở in nhiều tốn tiền, tốn giấy. Cho học sinh chép thì có người bảo "tại sao lại cho con tôi chép nhiều thế?", học sinh than mệt. Gửi qua zalo thì cho rằng giáo viên lười biếng, thiếu trách nhiệm.
Nhiều người cũng nhận định, giáo viên nên hạn chế cho bài tập về nhà. Hiện, đa số học sinh ở học hai buổi mỗi ngày nên bài tập và hoạt động thực hành có thể thực hiện vào buổi chiều, còn buổi tối nên để các em nghỉ ngơi hoặc xem trước bài hôm sau.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.