Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có thể sữa mẹ nhiều, hoặc mẹ đi làm... nên phải hút sữa trữ đông cho bé sử dụng. Tuy nhiên, nếu mẹ không rã đông đúng cách thì sữa sẽ mất đi dinh dưỡng vốn có và không an toàn cho con. Vậy có những cách rã đông sữa mẹ như thế nào để hiệu quả?
1. Bảo quản sữa mẹ vắt ra đúng cách
Đầu tiên, để sữa mẹ vắt ra vẫn đảm bảo về dinh dưỡng và kháng thể (có thể bị giảm chút ít) mẹ phải biết cách bảo quản đúng. Sữa mẹ sau khi vắt cần bảo quản bằng tủ lạnh hay tủ trữ đông. Sữa mẹ có thể bảo quản tủ lạnh 72 giờ, ngăn đá 1 tháng, tủ đông 3 tháng.
Sau khi vắt sữa, mẹ hãy tích trữ sữa vào bình nhựa hay bình bằng thủy tinh đều đã nhúng nước sôi vô trùng, hoặc túi trữ sữa. Sau đó ghi chú giờ ngày tháng đầy đủ để phân biệt sữa cũ mới, đã hết hạn hay chưa và xếp đều trên tủ đông. Ưu tiên rã đông và hâm nóng bình sữa đã bảo quản lâu nhất.
2. Hướng dẫn rã đông sữa mẹ đúng cách
- Đối với sữa mẹ bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh:
+ Mẹ lấy sữa trong tủ lạnh ra và ngâm trong nước ấm 40 độ cho đến khi đạt nhiệt độ phù hợp để con ăn. Không nên ngâm sữa trong nước quá nóng vì sẽ làm mất vitamin và khoáng chất có trong sữa mẹ.
+ Sữa mẹ sau khi đã lấy ra khỏi tủ lạnh không thể cấp đông lại dùng tiếp. Do đó, mẹ chỉ nên lấy đúng lượng sữa vừa ăn mỗi cữ cho con.
- Đối với sữa mẹ bảo quản trong ngăn tủ đá hoặc trữ đông:
+ Đầu tiên mẹ cần cho sữa từ ngăn cấp đông xuống ngăn mát để rã đông. Ngoài ra mẹ có thể rã đông sữa trong một chậu nước, nhưng phải là nước đá lạnh.
+ Khi sữa đã chảy mềm hoàn toàn sang dạng lỏng, lúc đó mẹ cần nhẹ nhàng lắc để lớp váng sữa nhiều chất béo và phần nước sữa trong được hòa đều với nhau. Sau đó mới thay nước ngâm sữa thành nước ấm nóng để hâm đến nhiệt độ thích hợp cho con ăn.
Lớp váng màu vàng nổi trên mặt bình đó chính là chất béo cần thiết trong sữa mẹ, trước khi con ăn chỉ cần lắc nhẹ lớp màng đó sẽ hòa tan đều trong sữa. Nhưng khi có hiện tượng kết tủa thành đám mây trắng đục thì là đã hỏng không sử dụng được, không đảm bảo chất lượng cũng như an toàn cho đường tiêu hóa của con.
- Ngoài ra mẹ có thể rã đông sữa bằng máy rã đông:
+ Cho nước vừa đủ vào khoang máy hâm sữa. (Mỗi loại máy hâm sữa sẽ yêu cầu một mức nước khác nhau, bạn cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.)
+ Sau khi đặt sữa cần rã đông vào máy, chọn chế độ rã đông và nhấn nút công tắc để khởi động máy.
+ Thông thường, máy hâm sữa sau khi rã đông xong sẽ nâng nhiệt độ lên để hâm sữa cho bé. Bạn chỉ cần đợi máy hoàn thành xong chu trình rã đông - hâm sữa là có thể lấy sữa cho bé sử dụng.
3. Những lưu ý khi rã đông sữa mẹ
- Theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, sữa mẹ sau khi rã đông chỉ nên sử dụng trong khoảng thời gian nhất định. Qua khoảng thời gian vàng này, mẹ không nên sử dụng cho bé vì sữa có thể đã hỏng hoặc không còn đảm bảo đủ dưỡng chất cho trẻ, cụ thể sau khi rã đông và để sữa ở nhiệt độ phòng thì chỉ sử dụng trong 1-2 giờ.
- Sau khi hâm nóng chỉ ăn một lần, lượng sữa thừa phải bỏ, không được cho con dùng lại.
- Không rã đông sữa bằng nhiệt độ phòng: Sữa từ ngăn đông bị đem ra rã đông ở nhiệt độ thường có thể khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào sữa.
- Không thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột: Thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể làm mất đi một số chất dinh dưỡng trong sữa.
- Không lắc mạnh bình sữa rã đông: Rung lắc mạnh bình sữa có thể làm mất kháng thể trong sữa, ngoài ra còn làm đứt gãy những liên kết phân tử của sữa, làm mất đi giá trị dinh dưỡng vốn có.
- Khi rã đông sữa mẹ thấy có cặn trắng là điều bình thường. Nguyên nhân của hiện tượng này là do mẹ thiếu nước, uống ít nước nên sữa mẹ đặc, khó tan. Để khắc phục tình trạng này, mẹ chỉ cần ăn uống khoa học, bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể.
- Đôi khi sữa tan đá có mùi không dễ chịu với con. Có thể là mùi và vị chua lạ là từ một loại enzyme trong sữa có tên là lipase. Lipase tự nhiên phá vỡ các chất béo của sữa trong quá trình bảo quản, tuy nhiên vẫn an toàn khi cho con ăn sữa. Mùi khó chịu này chỉ có mẹ mới ngửi thấy rõ. Hầu hết các bé sẽ vẫn ăn bình thường chỉ có điều những bé nhạy cảm có thể không uống vì không thích mùi vị đó.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.