Rầm rộ xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên học sinh vào lớp 6 bằng chứng chỉ quốc tế, chuyên gia lưu ý 1 điều RẤT QUAN TRỌNG

(lamchame.vn) - Nếu chúng ta sẵn sàng đưa ra chính sách tuyển thẳng học sinh giỏi ngoại ngữ thì việc dựa vào các kỳ thi quốc tế và khảo thí độc lập là việc dễ hiểu. Nhưng chúng ta không thể ngụy biện rằng việc giỏi tiếng Anh đồng nghĩa với học sinh đó thông minh, tư duy tốt hơn học sinh khác.

Năm học 2023-2024, nhiều trường học sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên học sinh vào lớp 6. Ở Hà Nội, trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm) tuyển thẳng học sinh vào lớp 6 nếu đạt từ 218/230 điểm TOEFL Primary Challenge ở hai kỹ năng Nghe và Đọc, hoặc 12/15 điểm Cambridge ở trình độ Flyers.

Ở TPHCM, từ năm 2021, việc tuyển sinh vào lớp 6 tăng cường tiếng Anh của Sở Giáo dục và Đào tạo mở rộng hơn, xét học sinh đạt chứng chỉ A2 trở lên theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu hoặc chứng chỉ Cambridge Flyer từ 10/15 khiên trở lên; hoặc TOEFL Primary Step 2 từ 3/5 huy hiệu trở lên.

Dù quy định tuyển sinh các lớp đầu cấp tại TPHCM theo địa bàn phân tuyến nhưng các chứng chỉ tiếng Anh đóng vai trò không nhỏ trong tiêu chí xét tuyển vào lớp 6 ở các trường THCS, dẫn đến tình trạng nhiều phụ huynh chạy đôn chạy đáo tìm trung tâm khảo thí để con thi lấy chứng chỉ tiếng Anh, nhằm có điều kiện ưu tiên khi xét tuyển trong kỳ tuyển sinh đầu cấp sắp tới.

Rầm rộ xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên học sinh vào lớp 6 bằng chứng chỉ quốc tế, chuyên gia chỉ ra điều cần cực lưu ý - Ảnh 1.

Trong khi đó, học sinh tiểu học ở tỉnh Nghệ An có IELTS 4.0 hoặc TOEFL, TOEIC tương đương được xem xét tuyển thẳng vào Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, Nghệ An).

Như vậy có thể thấy, khi thí sinh sở hữu chứng chỉ quốc tế sẽ có cơ hội trúng tuyển không cần tham gia thi tuyển ở nhiều trường nổi tiếng. Đây không phải là năm đầu tiên một số trường có chính sách tuyển sinh này mà đã áp dụng từ vài năm trước.

Lý giải về việc sử dụng chứng chỉ tiếng Anh để xét tuyển thẳng, trên báo Lao Động, đại diện các trường cho rằng, tiêu chí đánh giá của các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế "rất sát với năng lực của học sinh". Ngoài ra, các kỳ thi này được cho là trung thực, nghiêm túc và mẫu mực trong cách ra đề. Những học sinh đã học giỏi ngoại ngữ thường có tư duy và kiến thức những môn khác cũng rất tốt, đồng thời thúc đẩy các em trong việc học ngoại ngữ.

Chuyên gia Ngô Huy Tâm: Hãy trả lại các chứng chỉ chuẩn hóa về đúng giá trị và bản chất của nó

Dùng các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để tuyển thẳng trong các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp tạo thuận lợi cho học sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ở bậc phổ thông, nhất là với bậc tiểu học, còn có nhiều nội dung mà học sinh cần biết, cần học khác, không nên chỉ dựa vào riêng chứng chỉ IELTS để chứng minh tất cả năng lực, kỹ năng cần thiết trong một kỳ tuyển sinh đầu cấp...

Theo chuyên gia Ngô Huy Tâm - Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế của Phenikaa School, các bài thi chuẩn hóa đánh giá tiếng Anh đánh giá năng lực ngôn ngữ hiện đã được thiết kế để phù hợp theo nhiều cấp độ tuổi, ví dụ từ Cambridge Assessment (Starters, Movers, Flyers phù hợp cho tiểu học, KET, PET cho trung học), hay đến từ ETS (TOEFL Primary cho tiểu học từ 8 tuổi, TOEFL Junior từ 11 tuổi). Ở độ tuổi trưởng thành hơn thì có IELTS, TOEFL như đã quen thuộc.

Tất cả các kỳ thi trên đều uy tín, đánh giá sát năng lực ngôn ngữ Anh của học sinh qua đủ kỹ năng nghe nói đọc viết, tuy nhiên các kỳ thi này hoàn toàn không phải để đánh giá những khía cạnh khác của một học sinh. Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra được mối quan hệ nhân quả giữa việc giỏi ngoại ngữ với việc tư duy kiến thức khác cũng giỏi.

Rầm rộ xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên học sinh vào lớp 6 bằng chứng chỉ quốc tế, chuyên gia chỉ ra điều cần cực lưu ý - Ảnh 2.

Chuyên gia Ngô Huy Tâm

Nếu chúng ta sẵn sàng đưa ra chính sách tuyển thẳng học sinh giỏi ngoại ngữ thì việc dựa vào các kỳ thi quốc tế và khảo thí độc lập là việc dễ hiểu. Nhưng chúng ta không thể ngụy biện rằng việc giỏi tiếng Anh đồng nghĩa với học sinh đó thông minh, tư duy tốt hơn học sinh khác. Bản thân các đơn vị thiết kế các bài thi chuẩn hóa cũng không khẳng định bài thi của mình chỉ ra sự ưu việt nào khác của học sinh ngoài chức năng đánh giá năng lực ngôn ngữ.

Trên thực tế, mối tương quan giữa học sinh giỏi ngoại ngữ với việc thể hiện tốt ở các môn học khác hoàn toàn có thể được lý giải bởi do nhóm học sinh này thuộc tầng lớp xã hội có truyền thống học tập gia đình, điều kiện kinh tế cao hơn, được tiếp cận chất lượng dịch vụ giáo dục tốt hơn. Việc đưa các kỳ thi có trả phí thành thang đo, vô tình chung thường tạo ra sự bất bình đẳng với các đối tượng học sinh không, khó hoặc ít có điều kiện tiếp cận dù ở khía cạnh kinh tế hay do địa điểm vùng miền.

Khuyến khích học sinh thi các kỳ thi chuẩn hóa để đánh giá đúng và từ đó có phương án đào tạo nâng cao năng lực ngoại ngữ là hợp lý, nhưng biến nó thành thước đo phẩm chất tư duy nói chung là không có cơ sở khoa học để minh chứng.

Chuyên gia này cho biết, ngay tại nước Mỹ, một kỳ thi chuẩn hóa không chỉ đánh giá riêng ngôn ngữ như SAT được sử dụng rộng rãi như một điều kiện xét tuyển Đại học cũng gặp phải những hoài nghi về việc liệu học sinh thi điểm SAT cao có ảnh hưởng tới thành công của học sinh khi học đại học và khi đi làm? Khi có nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra không có mối quan hệ nhân quả, một số trường Mỹ cũng đã bỏ, hoặc giảm trọng số điểm SAT trong việc xét tuyển học sinh.

"Từ thực tế này, chúng ta cần rất cẩn trọng khi đánh giá học sinh: Chúng ta sẽ đưa ra thông điệp định hướng giáo dục toàn diện, hay chúng ta giáo dục chuyên biệt ngôn ngữ? Thiết nghĩ, chúng ta hãy coi ngôn ngữ Anh, và việc thành thạo ngôn ngữ này như là một công cụ để học sinh tiếp cận các tri thức khác, để có thể tự mở rộng chân trời của bản thân thay vì coi các kỳ thi như các chỉ số "Thần kỳ". Chúng ta nên hướng tới đánh giá học sinh qua nhiều mặt, thay vì chỉ tập trung quá nhiều vào các điểm số chứng chỉ chuẩn hóa", ông Tâm nói.

Rầm rộ xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên học sinh vào lớp 6 bằng chứng chỉ quốc tế, chuyên gia chỉ ra điều cần cực lưu ý - Ảnh 3.

Thầy giáo Đỗ Cao Sang

Còn theo thầy giáo Đỗ Cao Sang, người sáng lập Hội tự học tiếng Anh English Lights Your Home (ELYH), việc sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên học sinh vào lớp 6 có thể có mặt tích cực là tạo tính khách quan. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ đặt cho các em một nhiệm vụ khó hơn so với độ tuổi khiến kết quả bài thi không còn chính xác.

Việc ôn luyện Ielts khi còn ở độ tuổi tiểu học sẽ tạo cho các em một áp lực rất lớn. Giai đoạn này, học tiếng Anh nên theo kiểu vừa học vừa chơi với tư liệu là những gì thân thuộc, gần gũi xung quanh.

Ngoài ra, có thể ứng dụng từ phim, ảnh, bài hát... Cần tạo tâm lý thoải mái cho các em, học 60% chơi 40%. Còn bắt các em ôn luyện IELTS, TOEFL để tham gia cuộc đua tranh suất vào lớp 6 là "không tưởng tượng nổi".

Về độ tuổi phù hợp để ôn luyện các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, chuyên gia Ngô Huy Tâm nhận định, nên từ lớp 8 trở lên sẽ phù hợp.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang