Theo Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh Viện Bạch Mai, về cơ bản, trạng thái cảm xúc này là điều bình thường. Nhưng đối với một số trẻ, sự lo lắng ảnh hưởng đến hành vi và suy nghĩ của chúng hàng ngày, gây trở ngại cho học tập, gia đình và mối quan hệ xã hội. Đây là lúc cha mẹ cần đến sự hỗ trợ để giải quyết tình trạng này của trẻ.
Triệu chứng lo âu ở trẻ em
Các dấu hiệu cần chú ý ở trẻ là:
Trẻ cảm thấy khó tập trung, khó ngủ hoặc thức dậy trong đêm với những giấc mơ xấu.
Rối loạn về ăn uống.
Dễ tức giận hoặc cáu kỉnh, kiểm soát kém hơn.
Liên tục lo lắng hoặc có những suy nghĩ tiêu cực.
Cảm thấy căng thẳng và bồn chồn hoặc đi vệ sinh thường xuyên.
Dễ khóc.
Với trẻ nhỏ thường xuyên bám bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng.
Phàn nàn về triệu chứng cơ thể như đau bụng, đau đầu…
Lo âu về sự chia ly phổ biến ở trẻ nhỏ, trong khi trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên có xu hướng lo lắng nhiều hơn về trường học hoặc xã hội.
Nguyên nhân gây rối loạn lo âu ở trẻ em
Một số trẻ sinh ra đã dễ lo lắng hơn và ít có khả năng đối phó với căng thẳng hơn những trẻ khác. Trẻ em cũng có thể có hành vi lo lắng khi ở gần những người hay lo lắng.
Một số trẻ phát triển lo âu sau các sự kiện căng thẳng, chẳng hạn như: thường xuyên chuyển nhà hoặc trường học; cha mẹ thường xuyên cãi nhau; sự mất mát của một người thân hoặc bạn bè; bị ốm nặng hoặc bị thương trong một vụ tai nạn; các vấn đề liên quan đến trường học như thi cử hoặc bắt nạt; bị lạm dụng hoặc bị bỏ rơi.
Trẻ em mắc các rối loạn tăng động giảm chú ý hoặc rối loạn phổ tự kỷ có nhiều khả năng gặp vấn đề về lo âu.
Làm thế nào để giúp trẻ khi bị lo âu?
Nếu con bạn đang gặp vấn đề với chứng lo âu, bạn có thể làm rất nhiều việc để giúp đỡ. Trên hết, điều quan trọng là nói chuyện với trẻ về sự lo âu của con. Nhiều trẻ em ở các độ tuổi khác nhau có thể có những lo âu và chúng sẽ biến mất sau một thời gian với sự trấn an của cha mẹ.
Dạy cho trẻ nhận ra các dấu hiệu lo âu ở bản thân.
Khuyến khích trẻ kiểm soát mối lo và yêu cầu giúp đỡ khi trẻ cần.
Trẻ em ở mọi lứa tuổi cảm thấy yên tâm với các thói quen, vì vậy hãy cố gắng duy trì các thói quen hàng ngày đều đặn nếu có thể.
Nếu con bạn lo âu vì những sự kiện đau buồn, chẳng hạn như mất người thân hoặc chia ly, hãy tìm những cuốn sách hoặc bộ phim giúp trẻ hiểu được cảm xúc của mình.
Nếu bạn biết sắp có sự thay đổi, chẳng hạn như chuyển nhà, hãy chuẩn bị cho trẻ bằng cách nói chuyện với trẻ về những gì sắp xảy ra và tại sao.
Thực hành các kỹ thuật thư giãn đơn giản cùng với trẻ, chẳng hạn như hít thở sâu, chậm 3 lần, hít vào đếm 3 và thở ra đếm 3.
Phân tâm có thể hữu ích cho trẻ nhỏ. Ví dụ, nếu trẻ lo lắng về việc đi nhà trẻ, hãy chơi các trò chơi trên đường đến đó, chẳng hạn như xem ai có thể phát hiện ra nhiều ô tô màu đỏ nhất. Biến hộp khăn giấy rỗng thành hộp "lo âu". Yêu cầu trẻ viết hoặc vẽ những mối lo của trẻ và cho vào hộp. Sau đó, bạn có thể cùng nhau sắp xếp hộp cuối ngày hoặc tuần.
Tuy nhiên, cha mẹ nên tìm đến chuyên gia giúp đỡ khi trẻ gặp tình trạng sau:
Tình trạng lo âu không trở nên tốt hơn, hoặc đang tồi tệ hơn.
Bắt đầu ảnh hưởng đến học tập ở trường học, cuộc sống gia đình, hoặc mối quan của trẻ.
Phương pháp điều trị rối loạn lo âu ở trẻ em
Phương pháp điều trị được đưa ra sẽ tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ và nguyên nhân khiến trẻ lo âu. Bao gồm trị liệu tâm lý hoặc sử dụng thuốc, các liệu pháp tâm lý có thể giúp trẻ hiểu điều gì khiến trẻ lo lắng và cho phép trẻ vượt qua tình huống, các liệu pháp khác như trị liệu nhận thức hành vi (CBT) có thể giúp trẻ kiểm soát sự lo lắng bằng cách thay đổi cách suy nghĩ và hành vi.
Thuốc giải lo âu có thể được cung cấp cho trẻ nếu chứng lo âu của chúng nghiêm trọng hoặc không thuyên giảm bằng các liệu pháp tâm lý. Thuốc được kê đơn bởi các bác sĩ chuyên về sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.