Sán "đóng kén" trong tim do một trào lưu đang thịnh hành

(lamchame.vn) - Theo chuyên gia, bệnh do giun đũa chó mèo (Toxocara) gia tăng do trào lưu nuôi thú cưng.

Thời gian gần đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận sự gia tăng những trường hợp bệnh từ động vật lây sang người như: bệnh dại, giun đũa chó mèo, sán lợn… Trong đó, bệnh do giun đũa chó mèo (Toxocara) gia tăng do trào lưu nuôi thú cưng.

Bệnh giun đũa chó, mèo hay gọi là sán chó. Giun trưởng thành sống trong ruột non chó con dưới 3 đến 6 tháng tuổi. Mỗi ngày giun đẻ khoảng 200.000 trứng, trứng giun theo phân chó ra ngoài và có thể tồn tại ở bên ngoài nhiều tháng. Khi chó lớn hơn, do cơ chế miễn dịch, giun trong ruột sẽ bị đẩy ra ngoài.

Ngày nay do điều kiện sống cũng như sinh hoạt trong xã hội có rất nhiều gia đình nuôi chó, mèo nên việc tiếp xúc thường xuyên với những động vật nuôi trong nhà này dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

Trường hợp bệnh nhân B (Ninh Bình) có tiền sử tăng huyết áp. Bệnh nhân đi khám tim mạch định kỳ có phát hiện khối u trong buồng nhĩ trái và được chuyển tới Viện tim mạch. Nhà bệnh nhân có nuôi 2 con chó ta.

Bà B tâm sự ở nhà thấy người mệt mỏi, đánh trống ngực, đi bộ nhiều tim sẽ đập nhanh, hai bờ vai thường xuyên mỏi. Bệnh nhân không bao giờ ăn sống, rau cũng chỉ ăn đồ nhà trồng. Khi đi khám bác sĩ nói ấu trùng giun đũa chó mèo lạc vào tim gây ra những triệu chứng tim mạch khiến bệnh nhân rất bất ngờ.

Sán đóng kén trong tim do một trào lưu đang thịnh hành - Ảnh 1.

Bác sĩ Cường đang khám cho bệnh nhân - Ảnh: N.M

PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay con người bị nhiễm giun đũa có mèo do nuốt trứng trưởng thành. Sau khi tiêu hóa, ấu trùng tách ra khỏi trứng trưởng thành đi đến những cơ quan khác. Chúng cũng có thể chu du vài lần đến các mô, cuối cùng đóng kén thành ấu trùng và tạo u hạt, làm tăng bạch cầu ái toan ở tất cả các cơ quan chính của cơ thể, trong đó bao gồm cả não và mắt…

Trong quá trình tiếp nhận bệnh nhân tới khám, bác sĩ Cường đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân khi được chẩn đoán mắc ký sinh trùng giun đũa chó mèo thì đã rất bất ngờ. Bệnh nhân có chia sẻ nuôi chó mèo rất sạch, vệ sinh hàng ngày. Cũng có trường hợp bệnh nhân nhà không nuôi chó mèo nhưng vẫn mắc bệnh.

Theo PGS Cường, dù nuôi thú cưng sạch sẽ nhưng ký sinh trùng rất nhỏ có thể nhiễm vào nguồn nước, vật dụng, nhiễm vào tay khi chăm sóc thú cưng và vào cơ thể.

Các triệu chứng nhiễm giun đũa chó mèo tùy thuộc rất nhiều yếu tố như: số lượng ấu trùng nuốt vào cơ thể, thời gian bị nhiễm, nơi định vị cư trú của ký sinh trùng cũng như phản ứng miễn dịch với ký sinh trùng của những ký chủ khác nhau,...

Theo PGS Cường, các triệu chứng nhiễm giun đũa chó mèo sẽ diễn biến âm thầm từ từ và có các triệu chứng ngứa, mệt mỏi… Đa phần bệnh nhân đi khám thì vô tình phát hiện ra. Trường hợp nặng, ấu trùng giun di chuyển vào các cơ quan như não, gan, tim, mắt…

Phòng bệnh giun đũa chó, mèo như thế nào?

Để phòng bệnh giun đũa chó mèo, chuyên gia khuyến cáo mọi người nên:

- Dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm hàng tuần.

- Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác.

- Không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân.

- Rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, sau khi nghịch đất cát và trước khi ăn uống.

- Định kỳ tẩy giun cho chó, mèo.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang