Người lớn có rất nhiều điều phải lo, từ công việc, cuộc sống đến các vấn đề khác trong xã hội. Đôi khi họ quên mất dành một khoảng thời gian chất lượng thật sự cho con. Để đến khi các bé thốt lên: "Mẹ lúc nào cũng bận, bận, bận" thì có nghĩa là con đang cảm thấy bị chối bỏ.
Mẹ lúc nào cũng bận thôi
Trong cuốn sách What's my child thinking? (Con đang nghĩ gì - Tâm lý học trẻ em thực hành cho cha mẹ hiện đại) của tác giả Tanith Carey đã giải thích khá rõ ràng về vấn đề này. Ngay khi trẻ em bước vào cuộc sống của chúng ta, các bé sẽ tiêu tốn của bạn một lượng thời gian lớn, vì vậy rất khó dung hòa nhu cầu của bé và khả năng của mẹ. Nhưng nếu bạn không dành đủ thời gian chất lượng cho con, bé có thể cảm thấy mình không quan trọng với bạn.
Khi con nói vậy, bạn có thể nghĩ: "Thật tội lỗi khi không thể chơi với con, nhưng có quá nhiều việc phải làm". Trong những khoảnh khắc như vậy, bạn có thể vừa cảm thấy áp lực về mặt thời gian vừa cảm thấy căng thẳng về mặt cảm xúc. Bạn cũng có thể cảm thấy tội lỗi, nhưng điều này sẽ khiến bạn quá sức chịu đựng. Những lúc như vậy, bạn có thể mất đi sự đồng cảm và trở nên nổi nóng với con mình.
Nhưng mẹ có biết, con đang nghĩ: "Tại sao mẹ cứ nghĩ về những thứ khác quan trọng hơn, mình cảm thấy buồn". Ở tuổi này, con tin rằng bạn toàn quyền quyết định thời gian của mình. Bé chưa hoàn toàn hiểu bạn có những công việc phải làm ngoài vai trò làm cha mẹ, vì vậy, bé có thể cảm thấy việc bạn không chơi với bé là do bạn lựa chọn.
Cảm xúc của bạn cũng rất dễ lây lan, vì vậy bé có thể "bắt sóng" được sự căng thẳng của bạn. Điều này có thể biểu hiện dưới dạng cảm xúc bộc phát, tức giận hoặc thậm chí là thu mình.
Bố mẹ nên trả lời con như thế nào
Ngay lúc đó:
1. Giải thích lý do: Cho con thấy bạn đang làm gì và giải thích nguyên nhân bạn làm việc đó là vì lợi ích của gia đình, để con hiểu rằng bạn không thể chơi với con ngay lúc này là có lý do.
2. Hẹn thời gian: Đặt giờ cụ thể để chơi cùng bé sau khi bạn xong việc. Trong khi chờ đợi, hãy yêu cầu bé lên kế hoạch cho một hoạt động mà bạn và bé có thể đang mong muốn thực hiện cùng nhau. Hãy nhớ phải tôn trọng cam kết của mình.
Về lâu dài:
1. Xây dựng thời gian chất lượng 1-1 mỗi ngày: Hãy dành 15 phút cố định mỗi ngày cho con, và tại thời điểm đó, con bạn được quyết định làm gì với bạn. Việc này sẽ gửi thông điệp tới con rằng bé là ưu tiên của bạn. Hãy thiết lập khoảng thời gian đặc biệt này thường xuyên, kiểu đến hẹn lại lên và không sử dụng điện thoại để bé an tâm khi biết rằng bạn luôn dành thời gian cho riêng bé.
2. Đừng để bé nghĩ rằng điện thoại hoặc máy tính của bạn thú vị hơn: Trẻ có thể cảm thấy bị từ chối nếu cha mẹ thường dán mắt vào thiết bị điện tử. Cố gắng sử dụng điện thoại ít nhất có thể khi bạn ở với con.
3. Giảm tải việc nhà cho bạn: Hãy tìm những dấu hiệu cho thấy bạn bị quá tải, chẳng hạn như cảm thấy nóng nảy hoặc bực bội khi đầu tắt mặt tối suốt ngày. Hãy tự tiếp thêm nhiên liệu cho bản thân bằng cách dành thời gian cho chính mình như đọc sách, ngâm mình trong bồn tắm, gặp gỡ bạn bè.
Trẻ định nghĩa "tình yêu" là "thời gian", vì vậy nếu con cảm thấy bạn quá bận rộn đến mức không thể dành cho con sự quan tâm trọn vẹn thì bé sẽ cảm thấy bị chối bỏ. Dành thời gian chất lượng cho nhau và dành cho bé sự quan tâm trọn vẹn có thể tạo nên sự khác biệt.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.