Là một quốc gia láng giềng có đường biên giới giáp với Ấn Độ, Vương quốc Nepal đang ít nhiều chịu ảnh hưởng từ làn sóng Covid-19 thứ 2 đang bủa vây và tàn phá đất nước tỷ dân. Theo tờ tin tức The Himalayan Times, trong hơn 1 tuần qua, số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 cần được chăm sóc đặc biệt và cần thở máy đã tăng lên đáng kể. Số người tử vong vì Covid-19 cũng tăng lên đột biến.
Những con số tăng chóng mặt
Ngày 23/4, 173 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang được chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện nhưng đến ngày 30/4, con số đã tăng lên gấp đôi, 331 người. Số bệnh nhân cần hỗ trợ máy thở cũng đã tăng hơn 100% trong 1 tuần qua.
Ngày 25/4, giới chức Nepal thông báo ghi nhận thêm 3.032 ca nhiễm Covid-19, đánh dấu số ca nhiễm mới trên 1 ngày cao kỷ lục từ đầu năm đến nay và nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên hơn 300.000 ca, với 3.164 ca tử vong, hãng tin Reuters dẫn dữ liệu từ chính phủ Nepal.
“Chúng tôi đã phát hiện biến chủng từ Anh và biến chủng có sức lây lan gấp đôi ở Ấn Độ”, Giám đốc Ban Kiểm soát dịch bệnh và dịch tễ học thuộc Bộ Y tế Nepal Krishna Prasad Paudel nói với Reuters.
Đến ngày 30/4, Nepal Times cho biết nước này phát hiện thêm 5.657 ca mắc mới, con số kỷ lục kể từ tháng 10/2020. Gần một nửa số bệnh nhân nói trên sống ở thung lũng Kathmandu.
Ông Anup Bastola, chuyên gia tư vấn chính về y học nhiệt đới tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Truyền nhiễm Sukraraj, cho biết: “Khi số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến, số lượng bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt và những người cần hỗ trợ thở máy sẽ tăng lên. Chúng tôi hy vọng rằng các lệnh cấm sẽ giúp kiểm soát căn bệnh này khỏi lây lan. Nhưng mọi người sẽ phải tuân theo các hướng dẫn về an toàn sức khỏe".
Bộ Y tế và Dân số Nepal cho biết các bệnh viện không có đủ giường để điều trị cho tất cả bệnh nhân nhiễm Covid-19 cần nhập viện. Hệ thống y tế của Vương quốc này đang trên bờ vực sụp đổ, khó có thể duy trì trước sự gia tăng đáng sợ về số ca nhiễm Covid-19 trong nước. Bộ Y tế Nepal cũng đã kêu gọi mọi người tuân theo các quy trình an toàn sức khỏe đồng thời khuyến khích mọi người ở nhà và tránh đi lại khi không cần thiết. Cơ quan này cũng kêu gọi người dân dừng tất cả các hình thức du lịch, hạn chế đến nơi công cộng.
Các chuyên gia y tế cho rằng đợt bùng phát ở Nepal bắt nguồn từ những lao động nhập cư trở về từ nước láng giềng Ấn Độ. Hiện Ấn Độ đang trải qua làn sóng Covid-19 thứ hai, với hơn 400.000 ca bệnh mới được ghi nhận vào ngày 1/5.
Cựu quốc vương Nepal Gyanendra và vợ đều đã nhiễm Covid-19 sau khi trở về từ Ấn Độ, nơi họ tham dự một lễ hội tôn giáo. 2 người hiện đang được điều trị tại một cơ sở y tế tư nhân ở Kathmandu.
Prakash Thapa, bác sĩ tại bệnh viện Bheri ở Nepalgunj, một thành phố ở vùng đồng bằng phía Tây Nam giáp với Ấn Độ, cho biết: “Tình hình thực sự đáng sợ". Ông cho biết bệnh viện quá tải với số lượng lớn bệnh nhân nhiễm Covid-19 cần được điều trị. Số lượng ca tử vong vì Covid-19 ở Nepal cũng tăng cao đột biến khiến các lò hỏa táng phải hoạt động cả ngày lẫn đêm để xử lý xác chết. Được biết, 2 lò đốt tại cơ sở thiêu điện duy nhất ở thủ đô Kathmandu hoạt động không ngừng nghỉ suốt tuần qua.
Vượt hàng trăm cây số để nạp bình oxy
Surendra Subedi đã đợi khoảng 1 giờ để lấy được 2 bình khí oxy y tế nhỏ được đổ đầy tại một cơ sở địa phương ở Khu công nghiệp Balaju.
"Tôi đến đây để lấy bình oxy nhưng tôi cũng có một bệnh nhân đi cùng trong xe cấp cứu của tôi", Subedi, một tài xế xe cấp cứu đã lên đường tới thủ đô với quãng đường 300km nói với hãng tin tức ANI. "Bình thường, tôi dự trữ đến 2 bình oxy nhưng bây giờ phải tăng lên đến 5 bình. Một bình khí oxy y tế cỡ lớn không vừa xe cứu thương của tôi, đó là lý do tôi tích trữ loại nhỏ và phải nạp đầy chúng khi tôi đến Kathmandu vì nó không có sẵn ở Butwaland", Subedi nói thêm.
Ngày 28/4, người lao động xa quê bắt đầu đổ lên xe khách để về nhà trước khi thủ đô Kathmandu và một số thành phố lớn ở Nepal áp đặt lệnh phong tỏa.
Trong vài tuần gần đây, Subedi đã chở hơn hàng chục bệnh nhân nhiễm Covid-19 đến Kathmandu để điều trị trên một chiếc xe cứu thương do câu lạc bộ địa phương của Quận Rupandehi điều hành.
Các nhà máy sản xuất oxy phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu
Shambhu Bhandari, giám đốc của một công ty khí oxy Shankar địa phương, đã gặp khó khăn trong việc tham gia và trả lời các cuộc gọi trong những ngày này. Ông đã nhận được hàng chục cuộc gọi - một số đến từ các bệnh viện và một số từ các cá nhân hỏi xem liệu họ có thể sớm được nạp bình khí oxy của mình hay không.
"Trong bối cảnh đại dịch, nhu cầu đã tăng gấp 2-3 lần. Để đáp ứng nhu cầu, chúng tôi đang làm việc cật lực và chúng tôi cũng sẽ vận hành một nhà máy khác để cung ứng đủ cho mọi người", ông Bhandari nói với ANI.
Nhu cầu về oxy y tế đã tăng lên trong những tuần gần đây ở thủ đô Kathmandu của Nepal khi số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng cao. Chỉ riêng thủ đô đã ghi nhận số ca được xác nhận cao nhất hàng ngày, điều này khiến tình hình y tế vốn đã khó khăn của đất nước này càng trở nên khó khăn.
Chính phủ hiện đã yêu cầu các nhà máy không gửi bình khí oxy y tế ra ngoài Thung lũng Kathmandu vì nhu cầu dự kiến sẽ tăng trong những ngày tới.
Các nhà sản xuất oxy kể từ tuần trước đã cắt nguồn cung cấp cho các ngành công nghiệp do nhu cầu về khí cứu sinh gia tăng. Hiệp hội Công nghiệp Oxy, đại diện cho 8 nhà sản xuất oxy ở Thung lũng Kathmandu, đã ra chỉ tiêu sản xuất oxy tối đa 8.000 bình mỗi ngày. Shankar Oxygen Gas cũng có khả năng sản xuất khoảng 1.500 bình khí oxy y tế trong một ngày.
Trong khi đó, chính phủ cũng đã quyết định miễn thuế bao gồm thuế hải quan, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhập khẩu bình oxy, yêu cầu các nhà sản xuất nhập khẩu trên 20.000 bình.
Nguồn: Reuters, ANI, The Himalayan Times
Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/sau-an-do-lai-them-mot-quoc-gia-nam-a-chim-trong-canh-lam-than-vi-covid-19-benh-vien-qua-tai-gian-hoa-thieu-chay-ruc-ca-ngay-lan-dem-162210205191838173.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.