Hầu hết các cha mẹ đều cho rằng trẻ con thì biết gì về tiền bạc đâu mà dạy. Song, theo các chuyên gia tài chính, trẻ em cực kỳ thông minh và những cuộc trò chuyện về tiền bạc là một trong những phương thức tốt để dạy con biết cách quản lý tài chính khi lớn lên.
Ông Thomas Henke – một nhà hoạch định tài chính đến từ New York:
Tư duy doanh nhân giúp trẻ coi trọng tiền bạc hơn. Con sẽ biết tiền khó kiếm và khó giữ như thế nào
Ông Thomas còn cho biết thêm rằng nếu cha mẹ muốn con thành công thì đừng quên dạy con suy nghĩ như một doanh nhân, và vấn đề quản lý tài chính là một trong những điều quan trọng.
Do đó, Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Hoa Kỳ (NEA) đã đưa ra lời hướng dẫn cha mẹ các cách để dạy con về tiền bạc ngay từ khi còn bé.
1. Dạy con học đếm
Khi được 4 tuổi, hầu như tất cả trẻ em đều đã biết phân biệt các số và đếm được từ 1 đến 10 hoặc hơn nữa. Vì vậy, nhận biết các số và học đếm là bước đệm đầu tiên để cha mẹ dạy con về toán học và tiền bạc.
Để củng cố thêm kỹ năng này, cha mẹ nên khuyến khích con đếm các vật dụng hàng ngày. Ví dụ như đếm số bút màu có trong hộp, hoặc có mấy quả táo, quả chuối vừa được mua về… Khi con đã nhận biết chữ số đếm một cách thuần thục thì cha mẹ sẽ đi qua bước tiếp theo.
2. Dạy con chi tiêu
Ngay từ khi còn bé, trẻ đã có thể nắm bắt được cách thức hoạt động của tiền tệ. Dù không hiểu rõ về quy luật hàng - tiền – hàng cũng như giá trị của món đồ, nhưng con vẫn hiểu là phải có tiền thì mới có thể mua được thứ mình muốn.
Khi con còn nhỏ, cha mẹ có thể sử dụng thẻ đồ chơi hoặc lấy giấy bìa cứng viết những con số trên đó để làm tiền để cho con chơi đồ hàng. Cha mẹ sẽ là người bán hàng, còn con là người mua hàng. Mỗi một món hàng khác nhau sẽ có những giá trị khác nhau. Bằng cách này, con sẽ nhanh chóng hiểu rằng mình sẽ cần phải trả một số tiền tương ứng với giá của món hàng muốn mua.
Khi con được 6 tuổi, cha mẹ cho con một ít tiền tiêu vặt. Và điều quan trọng không phải là cha mẹ dạy con không nên chi tiêu mà là dạy con chi tiêu một cách khôn ngoan. Cha mẹ hãy tạo cơ hội cho con được tiêu tiền của mình, chẳng hạn như mua một món quà có giá trị hợp lý để tặng sinh nhật của một ai đó hoặc mua thiệp tặng các bạn trong các dịp lễ...
3. Dạy con tiết kiệm
Tiết kiệm là một đức tính tốt mà cha mẹ phải dạy bảo con. Bằng cách mua cho con 3 cái lọ: 1 lọ dành cho chi tiêu, 1 lọ dành cho tiết kiệm và lọ cuối cùng dùng để làm từ thiện, cha mẹ hãy dạy con sẽ bỏ một phần tiền tiêu vặt của mình vào trong lọ tiết kiệm.
Có một cách để dạy con tính tiết kiệm rất hiệu quả là khi cha mẹ dẫn con đi mua sắm. Nếu con đòi mua món đồ chơi nào đó thì hãy bảo con xem giá và hãy tự tiết kiệm tiền của mình để mua. Chắc chắn khi có một mục tiêu rõ ràng, con sẽ biết cân nhắc trong chi tiêu và tiết kiệm tiền để mua món đồ mà mình muốn.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cha mẹ cũng đừng quá cứng nhắc, bạn có thể cho con mượn tiền theo kiểu "ứng lương" trước hoặc hỗ trợ giúp con nếu con chỉ còn thiếu có chút ít.
4. Cho con biết về vấn đề kinh tế của gia đình
Cha mẹ đừng ngần ngại thảo luận về chuyện tiền nong của gia đình ngay trước mặt con. Nếu bạn đang gặp khó khăn về tài chính thì lại càng phải cho con biết, vì dù còn bé thì con cũng vẫn là một thành viên trong gia đình. Cha mẹ có thể nói rõ cho con biết là hiện giờ gia đình chúng ta đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn như thế nào, con có ý kiến gì về vấn đề này không.
Theo các chuyên gia, việc này không chỉ khiến trẻ cảm thấy mình được cha mẹ coi trọng, mà còn giúp con hiểu tầm quan trọng của việc kiếm tiền và tiết kiệm. Từ đó, con sẽ có trách nhiệm hơn trong vấn đề chi tiêu của cá nhân, và không rơi vào những món nợ như thẻ tín dụng hoặc vay nặng lãi khi lớn lên.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.