Sau vụ 'mây mưa' tại rạp chiếu phim, nhiều người e ngại những hệ lụy từ “Ghế tình nhân” và “xem phim giường nằm”

Ghế sweetbox (chiếc hộp ngọt ngào), hay còn gọi là “ghế tình nhân” dành riêng cho các đôi tình nhân có thể thoải mái có không gian riêng và các cử chỉ riêng tư thân mật mà họ muốn dành cho nhau khi xem phim tại rạp.

Phòng chiếu giường nằm CGV. Ảnh: T.L

Phòng chiếu giường nằm CGV. Ảnh: T.L

Nhiều khán giả phản đối “ghế tình nhân”, “giường nằm”

Tháng 1/2014, khán giả Việt Nam bắt đầu biết đến thương hiệu CJ - CGV, cụm rạp CGV chiếu phim lớn nhất Việt Nam thuộc Tập đoàn CJ Group - một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành lớn nhất của Hàn Quốc, đã có mặt ở 21 quốc gia trên thế giới. Mua lại MegaStar từ tháng 7/2011 với giá 73,6 triệu USD nhưng đến 15/1/2014, CGV mới chính thức tiếp quản và điều hành hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam này.

Sau khi MegaStar được “đổi chủ”, nhiều khán giả tỏ ra tiếc nuối cho rằng việc các cụm rạp này đổi tên thành CGV sẽ là bất lợi bởi nhắc đến MegaStar là nhắc đến rạp phim sang trọng, chất lượng cao, vốn đã quen thuộc với mọi người. Tuy vậy, lãnh đạo của tập đoàn CJ CGV tự tin: CGV là “Culture – Great – Vital” (Văn hóa – Vĩ đại – Thiết yếu). Việc đổi tên thương hiệu, CGV cam kết mang đến những sản phẩm, dịch vụ văn hóa chất lượng cao nhất theo tiêu chuẩn quốc tế cho các khán giả Việt Nam.

Quả thật CGV đã thay đổi văn hóa xem phim rạp của người Việt. Lâu nay khán giả Việt khi xem phim ở rạp hầu hết đều ngồi ghế. Năm 2010, hệ thống rạp Lotte là đơn vị đầu tiên đưa vào hoạt động phòng chiếu Charlotte với 40 ghế sofa để khán giả có thể nằm xem phim. Tuy nhiên, đến năm 2013 thì phòng chiếu này ngừng hoạt động bởi những vấn đề “nhạy cảm” lẫn giá vé chưa phù hợp ở thời điểm đó.

Cuối năm 2014, khi lượng khán giả đến rạp tăng cao, nhu cầu xem phim cần nhiều tiện nghi hơn, không gian xem phim cần riêng tư hơn thì hệ thống rạp CGV đã đưa vào hoạt động hệ thống ghế đôi sweetbox.

Ghế sweetbox (chiếc hộp ngọt ngào), hay còn gọi là “ghế tình nhân” dành riêng cho các đôi tình nhân có thể thoải mái có không gian riêng và các cử chỉ riêng tư thân mật mà họ muốn giành cho nhau khi xem phim tại rạp.

Mối lo ngại về những hành động tình cảm vượt mức cho phép có thể diễn ra ngay trong rạp với hình thức ghế sweetbox, CGV chưa có hướng giải quyết triệt để thì đến giữa tháng 7/2016, CGV tiếp tục ra mắt phòng chiếu giường nằm l’Amour đầu tiên tại Việt Nam và đến cuối năm 2017 bắt đầu “đổ bộ” Thủ đô.

Khi trang Facebook của hệ thống rạp CGV Việt Nam công bố thông tin việc sẽ ra mắt phòng chiếu giường nằm l’Amour, lượng khán giả phản đối đã chiếm ưu thế do lo ngại điều đó dễ dẫn đến việc khán giả có những hành vi phản cảm nơi công cộng. Phản ứng của khán giả không phải không có lý vì thực tế, chỉ mới có một trường hợp nhạy cảm bị phát hiện mà CGV đã quá “lúng túng” trong việc xử lý.

Chúng tôi liên hệ với đại diện truyền thông CGV để tìm câu trả lời nhưng chỉ nhận được sự “đùn đẩy” phản hồi thông tin từ các bộ phận phụ trách. Và cuối cùng, cách CGV lựa chọn để giải quyết là: Giữ im lặng. Ngoài việc hiển nhiên là công khai nhận lỗi, đình chỉ nhân viên vi phạm thì với một “ông lớn” tầm cỡ thế giới, người ta trông đợi nhiều hơn ở CGV trong việc hạn chế, hoặc mạnh mẽ hơn là khống chế, xử lý những tình huống nhạy cảm trong rạp. Đấy là chưa nói đến việc, đây chỉ là một trường hợp “chẳng may” bị phát hiện do chính nhân viên CVG phát tán lên mạng Internet. Liệu còn những trường hợp nào chưa ai biết, hoặc “chưa bị lộ” nữa không? Ở một góc độ nào đó, với vai trò là đơn vị “phát tán” hình thức xem phim “hiện đại” này, CGV cũng đang gián tiếp tạo nên hành động thiếu văn minh nơi công cộng như trường hợp của đôi trai gái kia.

Nhân viên CGV có vi phạm?

Liên quan vụ việc lần này, luật sư Nguyễn Thị Tuyến – Giám đốc Công ty Luật TNHH Khải Hưng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Bộ luật Dân sự 2015 có những quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình. Theo đó, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Như vậy, có thể thấy việc nhân viên CGV phát tán những hình ảnh “nhạy cảm” của khách hàng lên mạng Internet đã trực tiếp xâm phạm quyền hình ảnh của khách hàng, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của khách hàng. Trong trường hợp này, khách hàng có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khách theo quy định pháp luật.”

Về trách nhiệm của nhân viên CGV - người đã trực tiếp phát tán, luật sư Tuyến cho biết thêm: “Cần làm rõ động cơ, mục đích của việc phát tán hình ảnh lên mạng Internet làm cơ sở xử lý. Trường hợp nhân viên này lợi dụng những hình ảnh “nhạy cảm” của khách hàng để thực hiện hành vi nhằm mong muốn cho người bị hại bị nhục với nhiều động cơ khác nhau thì tùy từng trường hợp nhân viên CGV có thể bị xử lý về tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt có thể tới 2 năm tù. Trường hợp các hình ảnh “nhạy cảm” phát tán được cơ quan chuyên môn xác định thuộc danh mục văn hóa phẩm đồi trụy thì với việc nhân viên CGV sao chép nhằm phổ biến đến người khác thì có thể bị xử lý về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự. Về mức phạt đối với tội này tùy thuộc vào số lượng người được phổ biến, hoặc dung lượng của dữ liệu được số hóa làm cơ sở áp dụng mức phạt tương xứng. Hiện nay, mức phạt thấp nhất đối với tội này được quy định là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, mức hình phạt cao nhất có thể lên tới 15 năm tù”.

Luật sư Tuyến cho hay: “Xét trách nhiệm của đơn vị quản lý và sử dụng lao động là CGV trong trường hợp này sẽ đặt ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu khách hàng có yêu cầu. Theo đó, tại Điều 597 Bộ luật Dân sự có quy định về việc pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Trường hợp này nếu CGV đã bồi thường thiệt hại cho khách hàng thì sau đó có quyền yêu cầu nhân viên đã phát tán hình ảnh khách hàng phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định pháp luật”.

“Bỏ quên” xử lý cặp đôi vi phạm?

Nhiều trường hợp có hành vi quan hệ tình dục trong rạp chiếu phim như trên đã từng xảy ra tại các rạp chiếu phim trên thế giới. Thay vì nhận sự “đồng cảm” của dư luận thì họ lập tức bị còng tay đưa về sở cảnh sát, bị phạt tù, phạt tiền. Còn tại Việt Nam, luật sư Nguyễn Thị Tuyến cho biết: “Vấn đề này tại Việt Nam mặc dù được xem là vấn đề “tế nhị”; “nhạy cảm” và không phù hợp với thuần phong, mỹ tục cũng như đạo đức xã hội. Tuy nhiên, xét theo quy định pháp luật chưa có văn bản nào quy định việc xem hành vi quan hệ tình dục nơi công cộng là hành vi trái pháp luật và bị xử lý. Thiết nghĩ, mỗi người cần có những lời nói, hành vi đúng mực tại những nơi công cộng sao cho phù hợp. Vào năm 2017, UBND TP Hà Nội có ban hành Quyết định số 1665/QĐ-UBND về quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Đây được xem là cẩm nang để mọi người có thể tham khảo trong việc ứng xử nơi công cộng”.

 

Theo giadinh.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang