Hết ngày 1/4, Mỹ lại chứng kiến số lượng người nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tăng chóng mặt. Tính đến chiều ngày 1/4 (giờ địa phương), đã có 212.692 người mắc Covid-19, tổng cộng 4669 ca tử vong. Đáng chú ý, số người tử vong trong ngày tiếp tục tăng kỷ lục, với hơn 900 ca được ghi nhận. Trong đó có một bệnh nhân nhí, mới chỉ 6 tuần tuổi tại bang Connecticut.
Các số liệu tăng lên, trong bối cảnh nước Mỹ vẫn đang tranh luận về câu chuyện đeo khẩu trang của người dân. Các dữ liệu thực tế cho thấy, những người nhiễm bệnh mà không có triệu chứng đang khiến dịch bệnh lan tỏa mạnh hơn, khiến quan chức cấp cao tại Mỹ phải nghĩ lại về việc có nên khuyến cáo người dân đeo khẩu trang. Trong khi đó, bản khuyến nghị của WHO vẫn khuyên chỉ bệnh nhân và nhân viên y tế là nên đeo, dù họ cho biết đang tiến hành xem xét lại nó.
1/4 người Mỹ nhiễm bệnh mà không có triệu chứng
Một báo cáo mới đây từ Iceland đã cho thấy những con số đáng ngại, khi 50% các ca dương tính tại quốc gia này chia sẻ họ không bộc lộ bất kỳ triệu chứng nào. Còn theo giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tại Mỹ, ước tính 25% người nhiễm virus corona cũng không có triệu chứng.
"Thông tin được chúng tôi xác thực nhất thời điểm hiện tại, là có một lượng lớn người nhiễm nhưng không bộc lộ triệu chứng, có thể chiếm tới 25%," - bác sĩ Robert Redfield, giám đốc CDC cho biết.
Để ngăn tình hình tệ hơn, chuyên gia dịch tễ hàng đầu Hoa Kỳ cho biết các cơ quan y tế đang tính toán lại về hướng dẫn đeo khẩu trang ban hành cho người dân. Bác sĩ Anthony Fauci -giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ cho biết ông đang nghiêng về phương án yêu cầu công chúng đeo khẩu trang, nhưng chỉ khi "nếu điều đó không ảnh hưởng đến số khẩu trang dành cho nhân viên y tế."
Nhiều người Mỹ nhiễm bệnh mà không bộc lộ triệu chứng
"Chúng ta chưa đến mức đó, nhưng tôi nghĩ gần đến thời điểm cần ra quyết định rồi," - Fauci phát biểu.
Nếu chính quyền liên bang quyết định kêu gọi dùng khẩu trang, việc này sẽ khác với khuyến nghị của WHO và CDC - vốn cho rằng chỉ nhân viên y tế, các bệnh nhân có triệu chứng và người chăm sóc họ mới cần đeo.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hiện tại họ vẫn "đang tiến hành nghiên cứu các bằng chứng" về việc liệu công chúng có nên dùng khẩu trang trong đại dịch Covid-19.
"Đây là loại virus mới, và chúng ta vẫn phải tìm hiểu mỗi ngày. Dịch bệnh lan ra, các bằng chứng mới xuất hiện, và lời khuyên cũng có thể thay đổi," - ông phát biểu.
Vài y bác sĩ tại Mỹ, Tổng Y sĩ Hoa Kỳ Jerome Adams đã luôn khuyến cáo công chúng không nên đeo khẩu trang, thậm chí cho rằng việc đó có thể gây hại. Tuy nhiên, với việc dịch bệnh lan rộng vì những người không có triệu chứng, Adams cho biết lời khuyên này có thể thay đổi.
Một trong những lý do khiến người Mỹ chần chừ trong việc áp dụng đeo khẩu trang đại trà, là vì lo sợ nhân viên y tế không có đủ công cụ.
Một trong những lý do khiến họ chần chừ là vì nhân viên y tế có thể thiếu hụt khẩu trang
"Nguồn cung đang thiếu hụt trầm trọng ở phạm vi toàn cầu," - bác sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO cho biết. "Vào lúc này, những người chịu rủi ro cao nhất đang phải ra tuyến đầu chống dịch, phải tiếp xúc với nguồn bệnh mỗi ngày. Việc họ không có khẩu trang thì quả là bi kịch."
Ở nhiều thành phố, y bác sĩ đang ngã bệnh, thậm chí là tử vong vì virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). Bi kịch hơn là điều này có nghĩa sẽ có ít người đủ khả năng đối đầu với dịch bệnh hơn.
Đỉnh dịch vẫn chưa tới
Nhà Trắng đã đưa ra dự đoán chính thức, rằng có khả năng hơn 100.000 người sẽ thiệt mạng trong đại dịch lần này. Và đó là trong trường hợp quy tắc "cách ly xã hội" (Social distancing) - mọi người không tụ tập, hạn chế tiếp xúc - được thi hành một cách hoàn hảo.
Dự báo tới giữa tháng 4 - thời điểm được dự đoán là đỉnh dịch, sẽ có khoảng 2000 ca tử vong mỗi ngày. Đây là con số dự đoán từ mô hình do Nhà Trắng cung cấp.
Các quan chức y tế cho biết, những phương pháp để ngăn ngừa sự lây lan của virus - như social distancing - là hy vọng duy nhất để giữ số người tử vong không chạm đến hàng triệu. Trong trường hợp người Mỹ không tuân thủ, tình huống xấu nhất sẽ lên tới 2,2 triệu người tử vong.
Hiện tại, hàng chục tiểu bang Mỹ đã ra yêu cầu người dân phải ở trong nhà, trong khi chính quyền liên bang gia hạn quy tắc "cách ly xã hội" đến sau ngày 30/4. Theo bác sĩ Deborah Birx, điều phối đôi phản ứng với dịch bệnh của Nhà Trắng, thì không có cách nào dễ dàng để giải quyết dịch bệnh cả. Nó phụ thuộc vào công chúng để ngăn bệnh phát tán ra.
"Không có giải pháp nào dễ dàng. Không có thứ vaccine hay liệu pháp nào kỳ diệu ở đây cả, mà nó nằm ở hành vi. Mỗi hành vi của chúng ta có thể trở thành thứ thay đổi cục diện đại dịch lần này, trong 30 ngày tới."
Nguồn: CNN
Link báo gốc: http://ttvn.toquoc.vn/so-nguoi-tu-vong-vi-covid-19-tai-my-lai-tang-ky-luc-trong-ngay-hon-210000-ca-duong-tinh-1-4-dan-so-nhiem-benh-ma-khong-co-trieu-chung-220202411953967.htm
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.