Ưu, nhược điểm 3 phương pháp ăn dặm phổ biến nhất
Phương pháp ăn dặm truyền thống
Phương pháp này đã có từ rất lâu, phổ biến với các mẹ Việt Nam. Khi bé đến độ tuổi ăn dặm, mẹ sẽ nấu bột hoặc trộn chung các loại thức ăn khác nhau như nước ninh xương, rau, củ, thịt cá và xay nhuyễn cho bé ăn.
Ưu điểm: Phương pháp truyền thống được các bà rất yêu thích vì cách ăn dặm này đã được áp dụng từ xưa đến nay. Hơn nữa, thời gian chế biến khá nhanh, cách làm đơn giản phù hợp với các mẹ bận rộn. Không những thế, thức ăn được xay nhuyễn sẽ giúp con tiêu hóa dễ dàng, bé tăng cân nhanh và khá bụ bẫm.
Nhược điểm: Tuy vậy, phương pháp truyền thống sẽ có nhiều hạn chế vì khi ăn thức ăn nhuyễn liên tục sẽ làm giảm và chậm lại khả năng ăn thực phẩm thô của trẻ. Bé sẽ không có cơ hội được cảm nhận mùi vị riêng của từng loại đồ ăn, như vậy bố mẹ không thể phân biệt được bé bị ứng với loại thực phẩm nào. Khi không tạo được thú vui trong ăn uống như kích thích bởi màu sắc từng món ăn, trẻ sẽ rất dễ chán ăn, biếng ăn hay phản xạ nhai nuốt chậm trong giai đoạn tiếp theo.
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Đây là một xu hướng ăn dặm đang được nhiều mẹ ưa chuộng tại Việt Nam. Cha mẹ thường bắt đầu áp dụng phương pháp này khi trẻ được từ 5-6 tháng tuổi với cháo loãng qua rây tỷ lệ 1:10. Độ thô của cháo được tăng dần với từng giai đoạn phát triển của bé. Ngoài ra, với mỗi loại thực phẩm, mẹ thường chế biến riêng nên bé yêu sẽ được khám phá các loại thực phẩm khác nhau, không bị trộn lẫn với độ thô phù hợp dựa trên tiêu chí: ''vàng - đỏ - xanh'' với từng loại thực phẩm theo nhóm tinh bột - vitamin - chất đạm.
Ưu điểm: Phương pháp này thu hút khá nhiều mẹ áp dụng bởi những ưu điểm như bé được tập ăn nhạt và ăn riêng từng món để cảm nhận được rõ hương vị từng loại rau, củ, thịt, cá, kích thích khả năng nhận biết món ăn dễ dàng. Đồng thời, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật tạo thói quen tập trung ăn uống, khám phá đồ ăn của trẻ và mẹ cũng dạy con tính tự lập cao.
Nhược điểm: Tuy nhiên, với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, mẹ cũng cần chuẩn bị tinh thần vượt qua những hạn chế như: Mẹ mất nhiều thời gian, công sức để chế biến riêng biệt từng món ăn và đôi khi là sự kiên nhẫn khi tập cho con thói quen ngồi yên một chỗ, hướng dẫn bé cách cầm thìa ăn. Áp dụng phương pháp này, nhiều mẹ có thể cũng sẽ phải đối mặt với sự không đồng thuận từ gia đình.
Phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy (Baby led weaning - BLW)
Tự quyết định quá trình ăn của mình là bước tiến mới trong hành trình ''bé tập làm người lớn'' mà phương pháp này đem lại. Hay nói cách khác, bố mẹ chỉ việc chọn đồ ăn, bé sẽ tự lựa chọn cách ăn, loại thực phẩm và quyết định ăn bao nhiêu tùy thích. Bé có thể ngồi ăn cùng cả nhà, tự ăn thô như người lớn, cho đồ ăn vào cốc, bát hoặc đĩa, bốc tay đồ ăn... miễn là bé thích và ăn được nhiều hơn.
Ưu điểm: Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy thể hiện sự tôn trọng của ba mẹ khi hoàn toàn không can thiệp vào quyết định ăn của bé. Trong bữa ăn, bé thỏa thích khám phá thức ăn của mình. Bé ăn một cách tự nhiên và phát triển kỹ năng kiểm soát thức ăn, kỹ năng nhai tốt hơn. Nhìn chung, những lợi ích điển hình của phương pháp này chính là giúp trẻ phát triển kỹ năng, phát triển giác quan, tạo tính tự lập, giảm nguy cơ béo phì, giúp trẻ tăng cảm xúc trong ăn uống.
Nhược điểm: Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là ba mẹ sẽ khó kiểm soát được chất dinh dưỡng và lượng đồ ăn đưa vào cơ thể con. Nhiều trường hợp, bé có thể bị hóc đồ ăn khá nguy hiểm, cần sự quan sát cẩn thận từ ba mẹ.
Ăn dặm kết hợp (3 trong 1)
Phương pháp ăn dặm 3 trong 1 ra đời dựa trên sự kết hợp linh hoạt 3 phương pháp ăn dặm trên (truyền thống, kiểu Nhật và BLW). Phương pháp ăn dặm kết hợp mang tới một giải pháp, một cách nhìn khác giúp bố mẹ gạt bỏ mọi nỗi lo lắng về thực đơn, cách chế biến và cách cho bé ăn. Đây là phương pháp được nhiều cha mẹ đón nhận vì có thể có được ưu điểm từ cả ba phương pháp đồng thời khắc phục được một số nhược điểm của từng phương pháp.
Bằng cách kết hợp linh hoạt giữa 3 phương pháp ăn dặm hiện nay, bố mẹ vừa hỗ trợ xúc cho con ăn, vừa tập cho con ăn thô ngay từ khi bắt đầu ăn dặm nên có thể hoàn toàn yên tâm về kỹ năng tự ăn và khả năng ăn thô của con. Trẻ được làm quen, trải nghiệm thế giới màu sắc, mùi vị của đồ ăn dễ dàng hơn. Không những thế, với ăn dặm kết hợp ba mẹ cũng có được lời giải cho bài toán cân nặng của bé, sức ép hay góp ý từ gia đình, kỹ năng và sự thích thú từ con.
Tuy nhiên, phương pháp này cũng có hạn chế đó là mẹ phải chuẩn bị kiến thức đầy đủ của cả ba phương pháp, nhược điểm của từng phương pháp để khắc phục. Hơn nữa, mẹ phải có cách để kết hợp nhuần nhuyễn cả ba phương pháp một cách hợp lý tránh tình trạng vận dụng không đến nơi đến trốn, mỗi phương pháp biết một chút nhưng lại không đúng cách cuối cùng lại không có lợi cho bé.
Vậy áp dụng như thế nào là đúng cách? Mẹ hãy tham khảo hướng dẫn của bác sĩ Nhi khoa.
Bác sĩ Nhi hướng dẫn mẹ chọn phương pháp ăn dặm ''chân ái'' cho con
Phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh
Mỗi phương pháp nêu trên sẽ phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng đều chung mục tiêu là giúp bé có những bữa ăn vui vẻ và ngon miệng. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, thời gian chế biến hay quan niệm của các thế hệ trong gia đình để lựa chọn.
Phù hợp với từng bé
Với đa số các bé, bắt đầu từ 5 - 6 tháng tuổi là giai đoạn thích hợp để bắt đầu ăn dặm. Mẹ nên lựa chọn phương pháp ăn dặm dựa trên thể trạng và cá tính của bé.
Đồng thời, nếu bé yêu đang trong tình trạng thiếu chất, suy dinh dưỡng thì phương pháp truyền thống hay kiểu Nhật chính là ''vị cứu tinh'' của mẹ, giúp mẹ kiểm soát chất dinh dưỡng vào cơ thể con và có những điều chỉnh thực phẩm trong món ăn hợp lý. Ngược lại, những bé hiếu động, thích khám phá xung quanh đặc biệt là đồ ăn thì mẹ có thể cân nhắc để lựa chọn phương pháp bé tự chỉ huy (BLW)... Như vậy, mới đảm bảo được cơ thể con phát triển khỏe mạnh vì chỉ có ba mẹ mới là người hiểu con nhất.
Bên cạnh đó, mẹ cần hiểu rõ tính cách và quan sát kĩ càng về độ hợp tác của bé: bé hiếu động, nô đùa sẽ khó có thể ấn định 1 phương pháp riêng biệt, mẹ nên quan sát từng thời điểm trong ngày và biểu hiện của con để chế biến thực đơn theo phương pháp phù hợp nhất.
Bác sĩ Nhi hướng dẫn lên thực đơn ăn dặm cho trẻ từ 6 tháng tuổi
Theo bác sĩ Trần Văn Bàn - Trưởng Khoa Nhi BVĐK Hồng Ngọc, dù là lựa chọn phương pháp nào, cũng luôn cần tuân thủ nguyên tắc dinh dưỡng ''đúng và đủ'' như sau:
Bé ăn dặm đủ 4 nhóm dinh dưỡng thiết yếu
Bột đường (có trong gạo, ngô, khoai…), chất đạm (từ thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu,…), chất béo (dầu olive hoặc dầu mè), vitamin và khoáng chất (trong các loại rau, củ, quả).
Ăn dặm đúng nguyên tắc từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều và từ ''ngọt đến mặn''
Từ loãng đến đặc: 5-6 tháng tuổi là lúc bé chưa mọc răng hoặc mọc rất ít, mẹ nên cho bé tập ăn các loại thức ăn mềm, dễ nhai và đi từ lỏng đến đặc dần.
Từ ít lên nhiều: tập cho bé ăn từng chút một và dần tăng lượng thức ăn để dạ dày bé thích nghi tốt. Ví dụ như trong những lần tập ăn dặm đầu tiên, bé có thể làm quen với khoảng 30 – 60ml thức ăn lỏng rồi thay đổi khẩu phần ăn phù hợp.
Ăn từ ''ngọt đến mặn'': vì trước đó bé đã quen với vị ngọt thanh nhẹ nhàng từ sữa mẹ nên mẹ cho bé ăn dặm từ vị ngọt sẽ giúp con dễ dàng tiếp nhận hơn. Sau khoảng 2 – 4 tuần, bé có thể ăn được bột mặn. Mẹ lưu ý không nêm gia vị vào đồ ăn dặm vì sẽ gây quá tải cho thận.
Trên đây là các thông tin hữu ích cho mẹ để chuẩn bị cho hành trình ăn dặm của con yêu. Để mỗi bữa ăn được nhìn bé yêu háo hức đợi chờ, miệng bập bẹ "măm, măm, măm", các mẹ hãy tìm hiểu thật kỹ để lựa chọn phương pháp ăn dặm chân ái nhé!
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.