Số tử vong do COVID-19 tại TP HCM và các địa phương có xu hướng tăng: Nguyên nhân vì sao?

Trong những ngày qua số ca tử vong một số tỉnh và TP HCM có xu hướng tăng lên. Ngày hôm qua 28/11, cả nước ghi nhận 190 ca tử vong.

Số ca tử vong tăng

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (cdc. kcb.vn) từ ngày 17h30 ngày 27/11 đến 17h30 ngày 28/11 cả nước ghi nhận 190 ca tử vong. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh có số ca tử vong cao nhất 72 ca trong đó có 10 ca từ các tỉnh chuyển đến.

Như vậy số ca tử vong trong cả nước tăng 42 ca so với ngày trước đó (ngày 27/11 có 148 ca tử vong).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua 160 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.882 ca, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm, cao hơn trung bình của thế giới là 0,1%.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 34/234 vùng lãnh thổ, Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 10/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Số tử vong do COVID-19 tại TP HCM và các địa phương có xu hướng tăng: Nguyên nhân vì sao? - Ảnh 1.

Trường hợp F0 điều trị tại nhà (ảnh minh hoạ).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, tỷ lệ mắc và tử vong ở một số địa phương trong đó có TP HCM tăng lên, Trong 2-3 ngày gần đây số ca tử vong đã vượt qua 3 con số (trên 100 ca tử vong/ngày).

"Đây là điểm chúng tôi cũng đang hết sức lưu ý. Với các trường hợp tử vong, chúng tôi cũng đang phân tích nguyên nhân", Thứ trưởng Sơn nói.

Báo cáo của TP HCM, trên 50% những trường hợp tử vong là những người chưa được tiêm vắc xin, hoặc là đối tượng có yếu tố nguy cơ rất cao.

Số ca tử vong tại TP HCM tăng trong những ngày gần đây có liên quan tới việc rút bớt các trung tâm hồi sức hay không? Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay, số ca tử vong tăng tại TP HCM gần đây không phải do rút bớt các trung tâm hồi sức. Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị hỗ trợ khi rút khỏi thành phố phải có lịch trình bàn giao với 3 điều kiện.

Thứ nhất: Phải có kế hoạch bàn giao, không tạo tình trạng sốc với đơn vị điều trị.

Thứ hai, công tác đào tạo phải được thực hiện trước khi rút lực lượng hỗ trợ về.

Thứ 3 là không ấn định thời gian cố định mà đề nghị khi nào địa phương còn cần thì các đơn vị hỗ trợ vẫn ở lại.

Thứ trưởng Sơn lý giải thêm: "TP. HCM dù đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhưng vẫn có một số lượng người dân chưa chủ động đi tiêm phòng. Bên cạnh đó, còn do một số đối tượng có chống chỉ định tiêm.

Chúng ta cần đặc biệt chú ý đối tượng là người trên 50, bệnh lý nền. TP.HCM cần chủ động rà soát tiêm cho đối tượng này để hạn chế tử vong".

Bộ Y tế lập các đoàn đi kiểm tra TP HCM

Theo Thứ trưởng các địa phương cần cố gắng bao phủ vắc xin tại cộng đồng, cũng như tiếp tục tăng cường hệ thống y tế. Hệ thống y tế có thể đáp ứng điều trị là một trong những tiêu chí của Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế.

Các tỉnh thành cần tăng cường phát hiện ca mắc càng sớm càng tốt, chủ động đưa gói thuốc từ cơ bản đến gói thuốc diệt virus trong điều trị thí điểm đến với người dân càng sớm càng tốt.

Để giảm tỷ lệ tử vong, theo Thứ trưởng Bộ Y tế cần tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế tại y tế cơ sở nhanh nhất, sử dụng thuốc đúng chỉ định sớm nhất. Đây là một trong những biện pháp nền tảng cơ bản.

Các trung tâm hồi sức để tiếp nhận bệnh nhân đã đầy đủ trang thiết bị, đặc biệt TP HCM có nguồn nhân lực đầy đủ. TP HCM đã huy động lực lượng quân đội để tham gia theo dõi F0 tại nhà.

Bộ Y tế cũng đưa một số thuốc mới vào điều trị như thuốc kháng thể kép. Bộ Y tế cũng đang làm việc để đảm bảo cung ứng các thuốc điều trị, thuốc kháng virus sớm nhất để đáp ứng nhu cầu điều trị.

Bộ Y tế vừa lập các đoàn đi kiểm tra TP.HCM, một số tỉnh phía Nam và các tỉnh có số tử vong cao do COVID-19 để đánh giá nguyên nhân tử vong.

Theo đó, đoàn gồm 28 thành viên, trong đó trưởng đoàn là PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh. Ngoài thành viên của Bộ Y tế, đoàn còn có sự tham gia của đại diện Sở Y tế TPHCM và chuyên gia của một số bệnh viện như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhân dân 115 TPHCM.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có trách nhiệm chỉ đạo, chủ động trưng tập chuyên gia của các bệnh viện tham gia đoàn, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và xếp lịch đi kiểm tra TP.HCM, một số tỉnh phía Nam và các tỉnh có số tử vong cao do COVID-19.

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang