Y Thuận nói bây giờ cuộc sống của mình gắn liền với cái khăn trùm kín mặt, vì nếu không che, bảo đảm ai nhìn cũng sợ. Thuận kể chuyện bắt đầu từ khi em dậy thì, da mặt nổi vài nốt mụn li ti. Lúc này, Thuận được bạn cho xài thử một loại kem trộn với lời khen truyền tai "rẻ, xịn".
Cám dỗ đi kèm khiếp sợ
Khi mới xài kem trộn, da mặt Thuận cũng láng hơn, trắng hơn. Điều này càng khiến Thuận tin rằng mình đã tìm được "bí kíp" quý và không ngừng rỉ tai với các bạn đồng trang lứa. Ấy vậy mà sau hơn một tháng, mụn quay lại và ngày càng nhiều hơn, đặc biệt nhiều mụn to có cả bọc mủ. Hoảng sợ, Thuận gọi điện cho người bán thì được trả lời rằng có thể giai đoạn mới xài kem nên vậy, xài lâu sẽ hết, cứ yên tâm!
Dù đã điều trị đủ cách nhưng gương mặt của Y Thuận vẫn còn in rõ hậu quả do kem trộn gây ra (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Người bán kem trộn không theo bất kỳ nguyên tắc hay công thức khoa học nào để trộn kem là điều vô cùng nguy hiểm cho người dùng (Ảnh cắt từ clip)
Chưa đầy tuần sau, mụn bọc phủ kín mặt, gọi điện "mắng vốn" người bán, Thuận nhận lại những câu trả lời đại loại "xui ráng chịu". Quá hoảng, Thuận tìm đến Bệnh viện Da liễu TP HCM thì được biết đã nhiễm trùng. Sau hơn 2 tháng điều trị, Thuận đã cứu được phần nào da mặt của mình khỏi tình trạng mưng mủ. Nhưng mặt mụn và đỏ quạch như tôm luộc thì không thể nào bớt đi. "Nhiều thẩm mỹ viện hứa hẹn tình trạng nhiễm corticoid của em có thể cải thiện nhưng tốn tiền rất nhiều trong khi em chỉ là nhân viên trong một quán ăn Hàn Quốc nên đành chịu" - Thuận nói. Theo Thuận, bản thân nhìn mặt mình trong gương còn ám ảnh và sợ nên rất ngại tiếp xúc với người khác.
Sai lầm và hối không kịp vì kem trộn như Thuận không ít. "Phụ nữ ai chẳng muốn đẹp" - cô gái trẻ tên Trần Ngọc Thanh Tú (quê Tiền Giang) đang khổ sở tìm cách chữa trị tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Tú kể vì là sinh viên, không có tiền mua mỹ phẩm tốt nên nghe lời bạn bè, mua kem trộn trên mạng. Hậu quả là chỉ sau thời gian ngắn sử dụng, da mặt Tú lúc nào cũng ngứa rát và nổi gân máu đỏ. "Làn da tan nát vì sai lầm. Mỗi lần soi gương, tôi chỉ biết khóc" - Tú đau khổ.
Còn chị Huỳnh Thị Minh Hằng (TP HCM) cho hay đến nay, chị vẫn chưa hết khiếp sợ khi nhắc đến kem trộn trắng da. Do da mặt nổi nhiều hạt mụn nhỏ li ti, chị nghe theo lời người bạn, mua kem trộn trắng da quảng cáo trên mạng về dùng thử. "Chỉ sau 2 tuần sử dụng, da mặt tôi đã trắng và sạch mụn. Tuy nhiên, đến khi ngừng sử dụng một thời gian thì da mặt nổi mụn trở lại, nặng hơn và bắt đầu có dấu hiệu nám đen. Tôi đi khám tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, được các bác sĩ chẩn đoán da mặt tổn thương do bị bào mòn nặng. Phải kiên trì điều trị hơn 2 năm, chi phí rất tốn kém, làn da tôi mới hồi phục dần nhưng không thể trở lại như xưa" - chị Hằng chia sẻ. Chị khuyên mọi người đừng và không bao giờ đụng đến kem trộn, vì phía sau những hũ kem trộn đầy cám dỗ ban đầu là một tương lai gắn liền với nỗi khiếp sợ của người sử dụng.
Càng cố theo, họa càng lớn
Các chuyên gia trong lĩnh vực dược phẩm và thẩm mỹ khẳng định điều gây hại lớn nhất của kem trộn không chỉ là việc phá hoại làn da mà còn ở chỗ gây "nghiện" như sử dụng thuốc phiện. Lý do, nếu ngưng sử dụng kem trộn có chứa corticoid, da sẽ trở nên sần sùi, đen sạm lan rộng, nhăn nheo, khô, tiết nhiều chất nhờn và mụn nhiều hơn. Đây được gọi là trạng thái lệ thuộc kem, gây "nghiện" cho da. Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng Khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc Bệnh viện Da liễu trung ương, phân tích sản phẩm có chứa corticoid dễ mang đến cho da vẻ trắng mịn nhưng lại gây giãn mạch, nám da, thậm chí có thể gây ung thư da nếu sử dụng lâu ngày. Hậu quả là việc điều trị phải mất rất nhiều thời gian mà khả năng phục hồi thấp, chỉ khoảng 20%-30%. Ngoài ra, các loại kem trộn dù tên, hãng khác nhau nhưng đều có những thành phần tương tự như: aspirin PH8, cortibion, vitamin E, becozym… là những nguyên liệu khá rẻ tiền. Khi sử dụng lâu ngày, da sẽ bị tàn phá rất nhanh và những hậu quả về sau thật sự rất khó lường.
Đồng tình, bác sĩ Đặng Tường Vân, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP HCM, phân tích thêm mỹ phẩm thông thường được làm từ nhiều nguyên liệu như chất nhũ hóa, dầu, nước, chất bảo quản, các chiết xuất, mùi hương… trải qua quá trình gia nhiệt "nóng" hoặc "nguội" để đồng nhất các chất này với nhau, tạo ra thành phẩm gọi là kem. Tỉ lệ % các chất trong kem được cân đong chính xác để bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Trong khi đó, kem trộn dùng các loại kem của các hãng A + B + C +… (thường là của Trung Quốc) trộn với nhau tạo thành hỗn hợp. Những chất này không đồng tan với nhau trong dung môi, rất dễ bị phân lớp, hư hỏng trong thời gian ngắn. Đó là chưa kể người bán có thể tự ý thêm vào các chất làm trắng da có hại như corticoid, axít trichloroacetic, phenol, hydroquinon, aspirin… Như vậy sẽ rất nguy hiểm.
Cụ thể, theo phân tích của bác sĩ Tường Vân, aspirin khi pha hay bôi lên da sẽ chuyển hóa thành axít salicylic, khi pha ở nồng độ cao gọi là "kem nóng", sẽ làm teo lớp sừng ở lớp thượng bì; khi lớp sừng bị mất đi thì vài ngày sau lớp da non sẽ lộ ra; lớp da non này không được bảo vệ, khi ra nắng, chịu ảnh hưởng của tia tử ngoại sẽ bị sạm. Hay axít trichloroacetic có độ mạnh gấp 3 lần axít glycolic, do đó dùng nhiều lần sẽ làm lột da ở tầng sâu hơn, làm trắng nhanh cũng làm tổn thương da nhanh.
Biết hết nhưng đành chịu
Bác sĩ Tường Vân cho rằng thuật ngữ "kem trộn" trong ngành làm đẹp đã không còn xa lạ với những ai muốn làm trắng da, cả da mặt và cơ thể, theo đó, không khó để tìm trong các hội, nhóm làm đẹp các video, livestream quảng cáo bán kem trộn tràn lan. Nhận biết các loại kem này tương đối dễ vì bao bì sơ sài, mẫu hộp đại trà, nhãn hiệu thiết kế cẩu thả; không có thành phần rõ ràng, thậm chí không có hạn sử dụng… Kế đến là lời quảng cáo vô cùng "nổ", nào là nắng vẫn trắng, vừa trắng da vừa chống nắng, nắng thì mặc nắng ta trắng vẫn trắng…
"Nói thật, nếu các loại kem trộn thực sự mang lại hiệu quả cho người dùng thì bác sĩ như tôi rất mừng. Đằng này, kem trộn đang từng ngày, từng giờ tạo ra những gánh nặng lớn cho gia đình nạn nhân nói riêng, gánh nặng cho xã hội nói chung khiến những người trong ngành y dược như chúng tôi vô cùng bức xúc" - bác sĩ Tường Vân nhấn mạnh. Thế nhưng, cũng theo bác sĩ Tường Vân, dù bức xúc nhưng bản thân bác sĩ này và rất nhiều người trong hội thẩm mỹ chưa biết phải làm sao. Hội thẩm mỹ đã nhiều lần lên tiếng và tìm cách ngăn chặn nhưng không thể làm gì được giới kinh doanh kem trộn.
Thật vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, có không ít cơ sở bán kem trộn bị "lật tẩy" nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn, cơ sở này lấy lại "phong độ" bằng cách thay hiệu, đổi nhãn mác. Lúc này, họ quảng cáo một nhãn hàng mới ra lò, công dụng làm trắng vượt trội và người tiêu dùng lại bị thu hút. "Không có cách nào để ngăn chặn tình trạng này cả" - một bác sĩ da liễu đã phải thốt lên và kể rằng nhiều bệnh nhân cho đến khi da mặt đầy mụn mủ, teo mỏng, giãn mao mạch, yếu ớt vẫn tin rằng do cơ địa của mình chứ nhiều người xài kem trộn ngày càng đẹp.
Các chuyên gia trong lĩnh vực thẩm mỹ đúc kết: Thật khó để ngăn chặn tình trạng này khi người bán kem trộn có thể làm giàu nhanh chóng. Người tiêu dùng bị "thôi miên" vì giá bán rẻ. Giờ chỉ còn chờ vào các cơ quan chức năng tìm ra giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-5
"Các chuyên gia trong lĩnh vực dược phẩm khẳng định xài kem trộn không khác nào “mua visa về cõi hư vô”, bởi đã có khá nhiều ca tử vong vì loại kem phản khoa học này." |
Chuyện như đùa! Theo những người có "vai vế" trong lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm, có một bí mật nói ra sẽ ít người tin: Kem trộn lại là một trong những nguyên nhân chính làm bùng nổ hiện tượng Việt Nam cứ vài hôm lại xuất hiện một "hoa hậu" với đủ các danh xưng. Các cuộc thi hoa hậu kiểu "ao làng" đua nhau mở ra có phần "công" không nhỏ của các doanh nhân buôn kem trộn, vì danh hiệu chính là tấm "visa" uy tín để quảng bá cho sản phẩm. |
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.