Sửa 2 sân bay lớn nhất nước, hành khách vật vã

Ngay khi 2 dự án nâng cấp, sửa chữa Sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và Nội Bài (Hà Nội) triển khai, hoạt động bay nội địa đã bị xáo trộn, nhiều chuyến bay bị chậm, hủy, hành khách vật vã chờ đợi tại sân bay, đảo lộn lịch đi lại, nhỡ việc. Trước sự việc này, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phải lên tiếng.

Gần 50% chuyến bay bị chậm, hủy

Từ ngày 1/7, hai sân bay tấp nập nhất nước là Tân Sơn Nhất và Nội Bài tạm đóng 1 đường băng để phục vụ sửa chữa, nâng cấp. Hoạt động này khiến các sân bay vốn quá tải nay chật chội thêm. Đặc biệt vào giờ cao điểm, số slot cất/hạ cánh không đáp ứng đủ nhu cầu các hãng.

Anh Lê Văn Đồng (ở Hoàng Mai, Hà Nội) phản ảnh, ngày 1/7, anh cùng gia đình từ Phú Quốc bay về Nội Bài, theo lịch bay trên vé, gần 21h khởi hành. Trước giờ bay 12 tiếng, anh Đồng nhận được tin từ hãng hàng không báo chuyến bay bị lùi lại (delay) tới 21h55. Khi cả gia đình ra sân bay làm xong thủ tục, anh Đồng tiếp tục nhận thông báo chuyến bay lùi tới 22h55. “Cả gia đình vạ vật ở sân bay suốt mấy tiếng đồng hồ, phải tới 23h15 mới được lên máy bay để về. Về tới nhà gần 2 giờ sáng hôm sau. Tối hôm đó từ Phú Quốc đi Tân Sơn Nhất và Nội Bài của tất cả các hãng cũng trễ 2-3 tiếng đồng hồ”, anh Đồng nói.

Sửa 2 sân bay lớn nhất nước, hành khách vật vã - Ảnh 1.

Hành khách vạ vật tại sân bay Phú Quốc đợi chuyến bay bị trễ so với kế hoạch ngày 1/7. Ảnh: Phạm Thanh

Vietnam Airlines (VNA) cũng thừa nhận, từ 1/7, nhiều chuyến bay của VNA Group (gồm VNA, Pacific Airlines, Vasco) đã bị ảnh hưởng. Theo đó, một số chuyến bay bị chậm giờ khởi hành, hoặc phải bay chờ hạ cánh, tác động chậm chuyến dây chuyền ở các sân bay khác.

Tương tự, theo thông báo phát đi ngày 7/7, hãng hàng không Bamboo Airways phải điều chỉnh lịch khai thác từ nay tới hết tháng 7, do ảnh hưởng của việc sửa chữa 2 sân bay trên. Hãng thông báo hủy một số chuyến bay thường lệ trong tuần trên chặng TPHCM - Đà Nẵng (QH152/153 vào các ngày thứ 2, 3, 5, 7 hằng tuần; QH156/157 vào thứ 5, 7 hằng tuần); hủy chuyến bay QH1521/1522 chặng TPHCM - Phú Quốc và ngược lại vào thứ 2, 3, 7 hằng tuần. Hãng cũng điều chỉnh giờ khai thác, có chuyến lùi 4-5 tiếng so với lịch trước đây.

Đại diện một hãng hàng không cho biết bình thường, chỉ số OTP (hoạt động đúng giờ) của hãng này đạt trên 90%, nhưng 6 ngày đầu tháng 7, có hơn nửa số ngày chưa đạt 80%, có ngày chỉ đạt hơn 50% (tức gần 1 nửa số chuyến bay trong ngày bị chậm giờ).

Phải rút bớt chuyến bay

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ đã giao Cục Hàng không làm việc với các hãng hàng không để rà soát toàn bộ lịch khai thác, thống nhất điều chỉnh lịch bay, phục vụ sửa chữa sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Do đóng 1 đường băng để sửa chữa, tần suất khai thác sân bay Tân Sơn Nhất giảm từ 44 xuống còn 32 chuyến/giờ; sân bay Nội Bài giảm từ 32 xuống 29 chuyến/giờ.

Cục Hàng không đã làm việc với các hãng 2 lần (ngày 15/6 và 1/7) để điều chỉnh lịch khai thác, dự kiến ít ngày tới sẽ có cuộc họp tiếp theo. 

“Mục tiêu cao nhất là các chuyến bay đã bán vé, đã thực hiện thủ tục lên máy bay cần hạn chế phiền toái cho hành khách. Sau dịch COVID-19, chúng ta kêu gọi hành khách trở lại với hàng không, các hãng chỉ trông cậy vào thị trường nội địa, nếu chậm, hủy chuyến sẽ ảnh hưởng. Hạ tầng sân bay giờ như vậy, các hãng cũng phải chung tay. Chúng tôi mong người dân thông cảm”, lãnh đạo Bộ GTVT nói.

Theo vị lãnh đạo trên, việc sửa chữa 2 sân bay không thể chậm lại, giờ sửa để có thể mở lại vào dịp cao điểm cuối năm. Nếu mở lại quốc tế, chuyến bay tăng lên, mức độ ảnh hưởng sẽ lớn hơn. Vị này nhìn nhận, hiện đang mùa mưa bão, đặc biệt tại Tân Sơn Nhất, nguy cơ phải tạm đóng cửa sân bay rất lớn. 

“Giờ cố gắng để giảm thiểu, còn không thể không ảnh hưởng. Các hãng cùng phải thống nhất chịu thiệt hại một chút để điều chỉnh giờ khai thác, đặc biệt giờ cao điểm”, lãnh đạo Bộ GTVT nói.

Cùng với giảm tần suất khai thác đi/đến Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT cũng yêu cầu các hãng chuyển hướng khai thác tới các sân bay lân cận, như Cát Bi (Hải Phòng), Thọ Xuân (Thanh Hóa), Cần Thơ...

Ngày 29/6, tại Lễ khởi công 2 dự án nâng cấp sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ GTVT, trong quá trình thực hiện 2 dự án phải xây dựng các phương án khai thác, điều hành hoạt động bay khoa học; bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh hàng không; tính phương án dự phòng khi có tình huống khẩn nguy.

Bộ trưởng viết “tâm thư”

Chiều 7/7, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể có thư gửi tới tất cả hành khách đi lại bằng đường hàng không. “Do phải luân phiên đóng cửa 1 đường băng tại mỗi sân bay để nâng cấp, cải tạo, ảnh hưởng tới năng lực khai thác của sân bay, kế hoạch khai thác của các hãng hàng không; ảnh hưởng kế hoạch đi lại của hành khách, tạo sự phiền toái nhất định đối với quý khách.

Do đó, Bộ GTVT và các hãng hàng không rất mong nhận được sự chia sẻ, thông cảm của quý hành khách”, ông Thể viết. Cùng đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không và các hãng hàng không không được hủy chuyến, dồn chuyến, thay đổi giờ bay vì lý do chủ quan; đảm bảo mọi quyền lợi của hành khách...

Từ năm 2017 đến nay, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất xuống cấp nghiêm trọng. Ngày 29/6, Bộ GTVT tổ chức khởi công sửa chữa, nâng cấp 2 sân bay này, với tổng mức đầu tư mỗi sân bay hơn 2.000 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước. Dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021. Sân bay Nội Bài sẽ nâng cấp cả 2 đường băng 1A và 1B, làm mới thêm 3 đường lăn và cải tạo 9 đường lăn hiện hữu và 1 số hạng mục khác. Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ nâng cấp 1 đường băng (25R), xây mới 3 đường lăn và cải tạo 1 số đường lăn hiện hữu, cùng một số hạng mục khác.
 
 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang